“Máu” rừng vẫn chảy

ThienNhien.Net – Những ngày đầu tháng 5/2015, trở lại những cánh rừng phòng hộ ở Lâm Đồng, chúng tôi không khỏi bàng hoàng khi chứng kiến rừng vẫn tiếp tục “chảy máu”, nạn phá rừng diễn ra công khai, thậm chí có nơi còn được chính quyền cấp giấy cho phá rừng…

Phá rừng lấy gỗ quý

Theo nhiều bà con sống cạnh bìa rừng (Tiểu khu 375 thuộc địa bàn thôn 3 xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) cho biết, tình trạng phá rừng ở đây diễn ra như cơm bữa. Thời điểm hoạt động mạnh nhất là từ đêm khuya cho tới tờ mờ sáng hôm sau, thi thoảng cũng có cán bộ Kiểm lâm, Công an địa bàn vào kiểm tra, nhưng rồi mọi chuyện… “đâu lại vào đấy”. Tiếp tục tiến sâu hơn vào rừng, không khỏi ngạc nhiên khi thấy diện tích rừng ở đây bị tàn phá trên diện rộng với hàng trăm cây gỗ dổi bị đốn hạ.

Trả lời báo chí, ông Lê Văn Chuyên – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm giải thích: “Khu vực rừng nói trên, trước đây do Công ty Cao su Bảo Lâm quản lý. Nhưng từ năm 2011, khu rừng này đã được giao lại cho cộng đồng dân cư với hơn 80 hộ dân buôn B’Ru nhận quản lý, bảo vệ. Đây là khu rừng có diện tích khoảng 540 ha và phần lớn là gỗ dổi. Lâu nay, công tác tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng triển khai thường xuyên, nhưng không hề nhận được thông tin rừng ở đây bị chặt phá gì cả. Còn nếu có một vài cây bị chặt thì đó là do bà con họ chặt để làm nhà, nên khi cán bộ Kiểm lâm chúng tôi vào lập biên bản cũng không xử phạt được gì…”(!?)

Tại 2 huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên, tình trạng phá rừng cũng diễn ra tương tự. Theo con số thống kê, năm 2014 các cơ quan chức năng huyện Đạ Tẻh đã phát hiện và lập biên bản 174 vụ vi phạm lâm luật. Tang vật, phương tiện thu qua xử lý vi phạm gồm hơn 206m3 gỗ tròn, gỗ xẻ; 4 ô tô, 72 xe mô tô, 33 cưa tay, 14 xe lôi. Tổng tiền phạt và bán lâm sản, phương tiện tịch thu hơn 1 tỉ 88 triệu đồng. Quý I năm 2015, phát hiện và lập biên bản 64 vụ phá rừng; xử phạt hành chính 55 vụ, xử lý hình sự 1 vụ. Tịch thu gần 67m3 gỗ xẻ và gỗ tròn, 16 xe máy, 9 cưa xăng cầm tay, 2 xe lôi tự chế, số tiền thu qua xử lý hơn 123 triệu đồng.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đạ Tẻh Nguyễn Ngọc Toán cho biết: “Tình hình xâm hại đến tài nguyên rừng còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình trạng phá rừng trái pháp luật; khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn diễn ra tại các địa bàn”.

Tại huyện Cát Tiên, nghiêm trọng nhất vẫn là vụ khai thác rừng trái pháp luật xảy ra vào tháng 11/2014 tại khu vực giáp ranh là khoảnh 1, tiểu khu 528, xã Nam Ninh, huyện Cát Tiên và khoảnh 1, 2, tiểu khu 536 xã An Nhơn, Đạ Tẻh. Diện tích rừng bị khai thác gỗ trái phép là của Công ty Lâm nghiệp Đạ Tẻh và 3 hộ xã Nam Ninh, Cát Tiên quản lý, bảo vệ.

Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng Võ Danh Tuyên cho hay: Sau khi có tin báo, ngành đã huy động lực lượng cùng chủ rừng triển khai kiểm tra ngay hiện trường. Kết quả, các đối tượng đã dùng cưa xăng cầm tay hạ cây, cắt thành lóng và đưa xe cơ giới ủi đường để kéo gỗ ra. Có 213 cây bị hạ, khối lượng lâm sản thiệt hại 363,5m3. Hiện trường có 176 lóng gỗ các loại từ nhóm II đến nhóm VIII, tổng khối lượng 302,916m3 gỗ tròn. Chi cục lập biên bản vi phạm hành chính, khởi tố vụ án hình sự, chuyển cơ quan điều tra tiếp tục điều tra xử lý.

“Đầu độc” cây rừng

Tại huyện Lâm Hà, rừng Phi Tô hiện cũng đang bị xâm hại nghiêm trọng. Hàng trăm cây thông chết đứng vì bị ken, đốt, đổ thuốc độc vào gốc, nhiều cây bị đốn hạ bằng cưa máy vẫn còn bỏ nằm ngổn ngang tại hiện trường… Vụ tàn sát thông nói trên xảy ra tại cánh rừng nằm sau thôn Buôn Chuối (xã Mê Linh, Lâm Hà), thuộc địa bàn tiểu khu 262A do Trạm Kiểm lâm Phi Tô – Nam Hà, Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Nam Ban được giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ.

Cơ quan chức năng kiểm tra việc phá rừng ở Lạc Dương. (Ảnh: Báo Pháp luật)
Cơ quan chức năng kiểm tra việc phá rừng ở Lạc Dương. (Ảnh: Báo Pháp luật)

Nạn đầu độc cây rừng theo kiểu nói trên còn xảy ra ở cả ở tiểu khu 259 (xã Đạ Đờn). Một cán bộ của Ban QLRPH Nam Ban cho biết, tổng diện tích rừng ở tiểu khu 262A bị ken chết khô, chặt phá là khoảng 6.800m2, trong đó diện tích bị ken chết đứng là 3.500m2, diện tích bị ken chết và chặt hạ trắng là 3.300m2.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, trong 4 tháng đầu năm 2015, tình hình vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng tại địa phương vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Toàn tỉnh phát hiện, lập biên bản 601 vụ vi phạm lâm luật; trong đó có 129 vụ khai thác rừng trái phép, 158 vụ phá rừng trái phép với diện tích lên đến 74,01ha. Đáng lưu ý là so cùng kỳ 2014, số vụ phá rừng trái phép đã tăng 39 vụ với diện tích tăng 26,89ha. Các đơn vị chủ rừng để xảy ra phá rừng nhiều nhất là Ban QLR Lâm Viên; Công ty TNHH An Nguyễn; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc; Ban QLRPH Đạm B’ri; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Tẻh; Công ty TNHH Hoàng Minh Hồng.

Cấp giấy cho phá rừng trái phép!

Đáng quan ngại hơn, tại huyện Lạc Dương, lợi dụng danh nghĩa tận thu, tận dụng lâm sản có nguy cơ ngã đổ trong mùa mưa bão để hỗ trợ cho các hộ dân tộc thiểu số thôn Đưng K’Si làm nhà, từ tháng 4 đến tháng 9/2014, UBND huyện đã ban hành 6 văn bản cho phép các cơ quan chức năng của huyện thực hiện khai thác trên 388m3 gỗ thông tròn và gỗ tạp tại các cánh rừng phòng hộ trên địa bàn huyện mà không được sự cho phép của UBND tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền.

Dựa vào các văn bản này, các phòng ban của huyện đã thuê Công ty TNHH Vân Nhi tổ chức phá rừng, khai thác hàng trăm mét khối gỗ mà không gặp sự cản trở nào. Theo số liệu của cơ quan chức năng, từ ngày 18/6 – 26/11/2014, có trên 263m3 gỗ (trên 249m3 gỗ thông tròn và hơn 14m3 gỗ tạp) đã được Công ty TNHH Vân Nhi đốn hạ, đưa đến bãi tập kết theo các văn bản cho phép của UBND huyện Lạc Dương. Số gỗ trên được bàn giao cho UBND xã Đạ Chais để cấp hỗ trợ cho 22 hộ dân thôn Đưng K’Si dựng nhà ở. Tuy nhiên, đáng lưu ý là trong số gỗ được bàn giao cho UBND xã Đạ Chais, chỉ có 245,2m3 được đóng búa kiểm lâm và số gỗ xẻ giao về cho bà con làm nhà không tương xứng với khối lượng khai thác và không được công ty tiến hành các thủ tục xác nhận của Kiểm lâm theo qui định tại Thông tư 01/2012/TT-BNNPTNT!

Trước sự việc nói trên, mới đây UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến việc ban hành văn bản chỉ đạo; lập hồ sơ, tổ chức khai thác, giám sát, nghiệm thu, chế biến… đối với khối lượng gỗ tận thu, tận dụng đã khai thác trên địa bàn huyện.

Giao cho Thanh tra tỉnh phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, thanh tra toàn bộ việc thực hiện khai thác tận thu, tận dụng, chế biến, tiêu thụ gỗ của Công ty TNHH Vân Nhi để làm rõ những sai phạm và xử lý theo luật định. Chỉ đạo Sở NN&PTNT tỉnh làm rõ trách nhiệm của Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương trong công tác tham mưu, kiểm tra, giám sát việc thực hiện khai thác tận thu, tận dụng gỗ tại huyện Lạc Dương. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc thanh tra, xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo bằng văn bản cho UBND tỉnh trước ngày 30/5/2015.

Thiết nghĩ, đã đến lúc lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan pháp luật cần thanh tra trên diện rộng để làm rõ trách nhiệm của các đơn vị chủ rừng, cơ quan kiểm lâm thì mới hy vọng ngặn chặn được tình trạng “chảy máu” rừng nghiêm trọng đã và đang xảy ra tại địa phương như hiện nay.