TPHCM: Tập trung các giải pháp chống ngập trước mùa mưa

ThienNhien.Net – Ngoài việc đầu tư hơn 23 ngàn tỷ đồng cho công tác chống ngập để thực hiện giải pháp công trình, các ngành chức năng và chính quyền các địa phương của TP HCM cũng tăng cường vận động nhân dân ở những vùng trũng, thấp nâng cao tinh thần chủ động phòng, chống ngập lụt khi mùa mưa đang đến gần.

Nỗi lo khi mùa mưa đến

Ngày 9/5 vừa qua, trên địa bàn các quận Gò Vấp, quận 12, quận Tân Phú đã xuất hiện một cơn mưa lớn. Mặc dù chỉ kéo dài chưa đầy nửa giờ nhưng đã làm cho nhiều tuyến đường như đường Song Hành QL 22 (quận 12), Tân Kỳ Tân Qúy (quận Tân Phú), Phan Huy Ích (quận Gò Vấp) ngập nặng, có nơi ngập sâu đến nửa bánh xe, khiến giao thông rối loạn, hàng trăm phương tiện chết máy, bì bõm lội nước đen ngòm, bốc mùi nồng nặc.

Triều cường gây ngập ở TP HCM. (Ảnh: Thục Vy)
Triều cường gây ngập ở TP HCM. (Ảnh: Thục Vy)

Chị Nguyễn Thị Sương, một người dân ở đường Nguyễn Văn Quá (đoạn qua phường Đông Hưng Thuận, quận 12) ngao ngán kể: “Sau cơn mưa lớn, tuyến đường này ngập nước đen ngòm, mùi hôi thối xộc vào tận nhà. Hàng loạt phương tiện lưu thông trên đường bị chết máy, chủ phương tiện phải hì hục đẩy bộ xe bì bõm trong dòng nước hôi hám. Bên cạnh đó, nước thối từ dưới cống trào lên làm mặt đường ngập ngụa nước bẩn. Nhiều nhà dân bên đường phải dùng ván chắn trước cửa nhà để ngăn nước bẩn tràn vào nhà, cuốn theo nhiều bùn đất, rác thải ô nhiễm… Mới một cơn mưa đầu mùa mà đã ngập như thế này, không biết khi vào mùa mưa rồi tình hình sẽ như thế nào đây”.

Nỗi lo của chị Nguyễn Thị Sương cũng chính là nỗi lo chung của người dân TP HCM khi mùa mưa đang đến. Bởi chỉ sau những cơn mưa đầu mùa, nhiều tuyến đường đã bị ngập cục bộ, khiến việc đi lại và sinh hoạt của người dân gặp rất nhiều khó khăn, bất tiện. Nhằm khắc phục tình trạng ngập nước khi mùa mưa đến, TP HCM đang khẩn trương hoàn thành các hạng mục công trình chống ngập tại các vùng trọng điểm trên địa bàn các quận 2, quận 6, quận 8, quận 11 và hệ thống các công trình ven sông Sài Gòn và sông Đồng Nai.

Nhà nước và nhân dân cùng làm

Có mặt tại phường Thạnh Lộc (quận 12), chúng tôi cảm nhận được rất rõ sự nỗ lực và tinh thần hăng say làm việc của cán bộ và công nhân của Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn trong việc triển khai Dự án bờ bao chống ngập tại ấp 3C. Qua hơn 1 năm thực hiện, Dự án này đã cơ bản hoàn thành các hạng mục đê kè, nạo vét dòng chảy, san lấp mặt đường để kịp đưa vào sử dụng trước mùa mưa. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần cho công trình hoàn thành sớm hơn kế hoạch đề ra là sự ủng hộ tích cực của người dân địa phương trong việc hiến đất, hoa màu để giải phóng mặt bằng.

Ông Lê Trí Bảo, ở tổ 11, khu phố 3C, phường Thạnh Lộc (Quận 12) chia sẻ: “Bà con ở ấp 3C chúng tôi ủng hộ đất đai và hoa màu của gia đình mình để mở rộng đường và cải tạo con kênh này. Trước đây, hai bên kênh là những hàng dừa rất đẹp từ 20 đến 30 năm tuổi. Khi phải đốn bỏ đi, bà con cũng tiếc, nhưng để xây dựng quê hương thì bà con sẵn sàng ủng hộ”.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, người dân quận 12 đã hiến hơn 38.000m2 đất để thực hiện các công trình chống ngập. Với kinh phí đầu tư gần 330 tỷ đồng, hệ thống bờ bao dài 15,3 km tại quận 12 có thể ngăn thủy triều lên đến mức báo động 3. Điều đó cũng có nghĩa là mùa mưa này, 4.720 hộ dân và 2.350 ha hoa màu của người dân ở 4 phường của quận 12 được bảo vệ an toàn.

Theo ông Lê Quốc Tuấn – Phó Chủ tịch UBND quận 12, địa bàn các phường Thạnh Lộc, Thạnh Xuân, An Phú Đông và Thới An của quận 12 là những vùng trũng, thấp cặp theo sông Sài Gòn. Vì vậy, UBND quận đã đầu tư các công trình đê bao để chống ngập, úng và bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân nơi đây. Đến nay, các công trình đều phát huy được tác dụng, vừa đảm bảo được tài sản, hoa màu không bị ngập nước vừa giúp người dân các địa phương thuận tiện đi lại và phát triển sản xuất. Đây là tiền đề để quận 12 đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị trong thời gian tới.

Người dân các quận 6, quận 11, quận Tân Bình và Tân Phú, thời gian qua cũng đã đón nhận niềm vui lớn, đó là Dự án cải tạo kênh Tân Hóa – Lò Gốm với tổng vốn đầu tư hơn 2 ngàn tỷ đồng vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng sau hơn 4 năm triển khai thực hiện. Công trình này góp phần quan trọng trong việc kết nối với hệ thống thoát nước chung của thành phố. Rút kinh nghiệm từ những mùa mưa trước, năm nay, các địa phương vùng trũng, thấp của TP HCM đã triển khai xây dựng hệ thống cống ngăn triều, van ngăn triều và các trạm bơm để chống ngập và tiêu thoát nước nhanh nhất khi mưa lớn kết hợp với triều cường.

Hiện nay, UBND TP HCM cũng đã đầu tư 900 tỷ đồng để xây dựng hệ thống bờ bao dài hơn 34km dọc sông Sài Gòn. Các công trình này sử dụng cừ nhựa UPVC, một loại vật liệu có ưu điểm vượt trội như: Trọng lượng nhẹ, thi công nhanh, chịu được phèn mặn, hóa chất và không tốn chi phí bảo trì, bảo dưỡng. Đến thời điểm này, TP HCM đã đưa vào sử dụng 368 công trình bờ bao phòng, chống triều cường kết hợp giao thông nông thôn với chiều dài 351km, bảo vệ cho hơn 33.000 hộ dân vùng trũng.

Ngoài những giải pháp công trình, thành phố tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng chống, ngập lụt để thu hút thêm nguồn lực từ phía doanh nghiệp và nhân dân. Với những giải pháp đồng bộ, TPHCM phấn đấu giảm một nửa trong số 50 điểm ngập còn tồn tại của thành phố trong mùa mưa sắp tới.