Hậu sốt khai khoáng, mối họa ở lại  

ThienNhien.Net – Hàng trăm cỗ máy nằm im lìm phơi mưa phơi nắng trong các điểm khai thác khoáng sản của tỉnh Hà Giang. Chúng đã “ngoạm” hàng nghìn héc-ta rừng và sẽ tiếp tục làm rừng chảy máu nếu giá quặng không xuống thấp tột độ, và các chủ dự án không “bỏ của chạy lấy người”. Dẫu vậy, những núi quặng lẫn đất đá lộ thiên tiếp tục là mối hiểm họa có thể ụp xuống xóm bản bất cứ lúc nào.

Hậu cơn sốt khai khoáng là những ngọn núi trọc, tan hoang
Hậu cơn sốt khai khoáng là những ngọn núi trọc, tan hoang

“Sắp chết vẫn hành dân”

Chỉ một bác bảo vệ, vài chú chó tiếp khách, đó là “mô hình” thường thấy khi bước chân vào các điểm khai thác mỏ len lỏi trên những vạt rừng Hà Giang. Khu vực khai thác mấy héc-ta của Công ty Tường Phong đang trong cảnh đất đá lởm chởm, cả một vạt rừng rộng lớn đã bị cày xới vẫn còn hiện nguyên nỗi xót xa. Lý giải điều này, bác bảo vệ của Công ty Tường Phong đóng trên địa bàn bản Xám, xã Ngọc Minh (huyện Vị Xuyên) cho biết: “Công ty từng có thời gian làm ăn phát đạt, có cả trăm công nhân, nhưng bây giờ thì…”.

Chung cảnh ảm đạm, Công ty CP Đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Điện lực Hà Giang chỉ còn lại vài công nhân trông nom và tìm cách bán một số máy móc. Máy xúc, dây chuyền hoen gỉ, ngổn ngang bên những đống quặng đã tuyển, quặng thô, hễ có trận mưa, quặng trộn bùn lại tràn ra suối. Chỉ vào đống quặng mangan thô, anh Nguyễn Văn Hiếu, cán bộ địa chính xã Ngọc Minh cho biết: “Chủ doanh nghiệp không có mặt ở mỏ. Những đống quặng thô như núi chất cao lộ thiên không được tuyển. Do còn nợ tiền công nhân không trả nổi, nên công nhân tìm cách bán máy móc để lấy tiền trừ”.

Lần tìm vào những khu khai khoáng lộ thiên, có nơi nằm sát với dân bản, nơi sâu tít trên núi, nhưng ở đâu cũng chỉ thấy một cảnh hoang tàn. Tới 90% với hơn 50 doanh nghiệp khai khác dừng hoạt động chờ thời cơ. Mỗi doanh nghiệp có chục cỗ máy các loại, cộng lại cho kết quả hàng trăm cỗ máy đang vùi mặt bên những đống mỏ nơi sườn núi sẽ chẳng biết đi đâu về đâu.

Điều đáng nói là, những doanh nghiệp khai thác khoáng sản lúc còn ăn nên làm ra đã biến cả vùng cao nguyên trở thành đại công trường. Kiểu khai thác vô tội vạ đã gây ra sự ô nhiễm trầm trọng ảnh hưởng đến không chỉ đời sống của người dân, mà còn làm ảnh hưởng đến cả việc canh tác và các sông suối cũng bị “đầu độc”. Có mặt tại một điểm ô nhiễm, ông Nguyễn Văn Trường, Trưởng bản Xám, xã Ngọc Minh (Vị Xuyên), bức xúc: “Ngay cả khi doanh nghiệp gần “chết” rồi mà dân vẫn chưa hết khổ. Nếu các cơ quan chức năng không sớm có biện pháp thì nguy lắm!”. Xác nhận những thông tin này, ông Đỗ Tất Kỳ, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Vị Xuyên cho hay, đến nông nỗi này có phần do chính các doanh nghiệp thuê khảo sát, làm cớ kêu gọi cổ đông hùn tiền, thực chất là lừa nhau. Nay nhiều mỏ đã bị bỏ không khai thác được.

Địa phương bó tay, doanh nghiệp chây ỳ

Chung cảnh đang oằn mình gánh chịu hậu quả từ những bãi đất, bùn thải, nhiều người dân các huyện Bắc Mê, Vị Xuyên, Yên Minh, Quản Bạ giờ đều ai oán cơn sốt khai khoáng một thời. Tất cả ào đến, tàn phá và rút đi, chỉ còn lại người dân sống chông chênh trên những ngọn núi trọc, trơ khấc không còn khả năng gieo cấy.

Các doanh nghiệp chỉ chạy theo lợi nhuận, đào bới tìm quặng mà bỏ qua trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Các doanh nghiệp chỉ chạy theo lợi nhuận, đào bới tìm quặng mà bỏ qua trách nhiệm bảo vệ môi trường

Một trong những địa phương mà người dân phải lĩnh nhận hậu quả nặng nề là xã Minh Sơn (huyện Bắc Mê), với năm công ty được cấp phép khai thác tại tám điểm mỏ. Hậu quả dễ nhìn thấy nhất là hàng nghìn héc-ta rừng bị “quy hoạch”, hơn 30,3 ha đất rừng phòng hộ bị mất đi. Hoạt động khai khoáng cũng khiến sông Lũng Vầy bị suy kiệt nguồn nước, kết quả năm thôn là Nà Sáng, Bình Ba, Lũng Vầy, Ngọc Trì và Khuổi Kẹn bị ảnh hưởng, vào mùa khô người dân thiếu nước trầm trọng. Cụ Giàng A Chùng, thôn Bình Ba thốt lên: “Chưa bao giờ người dân ngán ngẩm với khoáng sản đến thế! Rừng, đường xá, ruộng nương bị cày nát”. Còn anh Giàng Thào Lý, thôn Lũng Vầy buồn bã nói: “Lợi thì chưa thấy đâu, nhưng rừng núi tan hoang. Dân mình còn được “tặng” lại một dòng suối vừa cạn vừa ô nhiễm. Con em mình tắm đã bị nhiễm bệnh, còn đất nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng. Sau mỗi mùa mưa, chúng mình phải đi cào vét lớp đất bẩn trên bề mặt ruộng đi thì mới tiếp tục sản xuất được”.

Hay như xã thuần nông Tùng Bá (Vị Xuyên), bỗng chốc trở thành công trường khai thác quặng. Cả vùng núi rừng bình yên bỗng trở nên rung chuyển bởi đủ các loại máy khoan, thăm dò, máy xúc, ô-tô khiến bụi cuốn mù mịt. “Người dân chỉ biết kêu, gõ cửa doanh nghiệp thì họ không còn ở đó mà chỉ còn những bãi đất đá không được bao chắn. Mà gõ cửa các cơ quan chức năng thì…”, một đại diện thôn Na Sơn, xã Tùng Bá bỏ lửng câu nói trong xót xa.

Quá bức xúc, nhiều người dân đã có kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh Hà Giang về hoạt động lộn xộn của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn. Đặc biệt nhiều doanh nghiệp từng cam kết và lên phương án phục hồi môi trường nhưng do làm ăn kém hiệu quả, thiếu tiền trả lương cho công nhân, tiền lãi ngân hàng nên đã bỏ rơi luôn những khu vực chịu ảnh hưởng chứ chưa nói gì đến chuyện trồng rừng thay thế.

Phóng viên Nhân Dân cuối tuần đã nỗ lực kết nối với các doanh nghiệp còn đang hoạt động nhưng không được cung cấp thông tin. Tìm đến cấp chính quyền cơ sở, thì chỉ ghi nhận được những nỗ lực cứu vãn một cách yếu ớt. Mới đây, UBND huyện Vị Xuyên đã thành lập đoàn kiểm tra và yêu cầu Công ty Hồng Hà, Công ty CP Đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Điện lực Hà Giang thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp bảo vệ môi trường, gia cố lại các đập chắn tại bãi đổ thải, đập chắn hồ lắng, không để xảy ra sự cố ảnh hưởng đến nhân dân. Thế nhưng doanh nghiệp vẫn chưa hề khắc phục. Ông Nguyễn Công Cử, Chủ tịch UBND xã Ngọc Minh tỏ ra bất lực: “Muốn giải quyết hết hậu quả từ khai khoáng thì chỉ có mỗi cách đóng cửa mỏ, khắc phục môi trường. Nhưng giấy phép các doanh nghiệp vẫn còn hạn”.

Có nên đổi rừng lấy quặng?

Kết nối thông tin từ cán bộ các địa phương và người dân, có thể mường tượng ra quá trình cấp phép khai thác khoáng sản tại Hà Giang giai đoạn trước không chỉ ồ ạt, mà nguy hiểm hơn, bỏ qua một khâu quan trọng, đó là nghiên cứu đánh giá tác động môi trường. Cốt có được giấy phép khai khoáng, ào ạt bóc dỡ khoáng sản rồi bỏ đi, mọi cam kết và lời hứa với dân, chẳng mấy doanh nghiệp thực hiện. Nói như người dân Bắc Mê, người ta chỉ tính đến lợi nhuận, chỉ có dân là khổ, sống trong nơm nớp sợ sạt lở.

Dân kêu là vậy, nhưng lạ là cho đến giờ, Hà Giang vẫn chưa có một đánh giá tổng thể về môi trường từ hoạt động khai thác khoáng sản. Ông Nguyễn Thế Phương, Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường Hà Giang, cho biết: “Đó là bởi Hà Giang chưa có trung tâm quan trắc, dù theo kế hoạch thì lẽ ra phải có từ năm 2009”. Nhưng vị đầu ngành này cũng phải thừa nhận thực tế, thiệt hại môi trường ở đây không thể đánh giá được, và có những cái mất đi rất vô hình.

Khai khoáng là một ngành công nghiệp thường đi liền với nguy cơ tàn phá môi trường. Ông Đỗ Thái Hòa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Giang thừa nhận thực trạng những hệ lụy từ ô nhiễm do khai thác khoáng sản không thể đong đếm được. Thế nhưng, chính ông Hòa cũng không trả lời được câu hỏi, biết vậy, nhưng vì lý do gì mà nhiều doanh nghiệp được cấp phép “nhảy” vào đào bới núi rừng đến thế? Cấp cao hơn, ông Hoàng Văn Nhu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Giang thì lý giải: “Hoạt động khai thác gây ô nhiễm là bất khả kháng, nhưng Hà Giang phải phát huy lợi thế nhằm phát triển kinh tế. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm soát lại hoạt động này”.

Phải đặt phát triển kinh tế trong yêu cầu phát triển bền vững, không thể hy sinh môi trường, quyền lợi của người dân theo cách tăng trưởng “ăn xổi” như vậy! Lúc này, người dân xã Tùng Bá, từng bị bùn thải tại bãi thải Nam Hạ Vinh 2 sạt lở, tràn vào nhà và ruộng từ cuối năm 2013, chỉ biết kêu: “Không nên đổi rừng lấy quặng nữa”. Kêu thì kêu vậy, nhưng họ cũng không biết, mong mỏi của mình bao giờ được giải quyết. Câu hỏi của người dân, “gần 2.000 ha rừng đã được chuyển đổi để phục vụ cho các dự án khai thác khoáng sản người dân được gì?”, đến giờ vẫn treo đó!

Nếu cung cách quản lý không được thay đổi, thì e rằng, núi rừng xứ vùng cao này, chẳng biết đến bao giờ mới xanh trở lại, đời sống người dân bao giờ hết cảnh phấp phỏng âu lo. Đây sẽ phải là bài học lớn cho chính quyền địa phương trong lựa chọn con đường phát triển.