Người đứng đầu không thể vô can!

ThienNhien.Net – Mới đây,Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) đã công bố khảo sát về số trẻ em bị phơi nhiễm chì, do hàm lượng chì trong đất, trong nước đều vượt quá tỷ lệ cho phép nhiều lần ở xã Chí Đạo, nhất là ở thôn Đông Mai (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) nơi có nghề thu gom, tái chế ắc quy chì một lần nữa lại làm dấy lên nhiều lo ngại.

Người dân Đông Mai tiếp xúc với chì mỗi ngày. (Ảnh: nld.com.vn)
Người dân Đông Mai tiếp xúc với chì mỗi ngày. (Ảnh: nld.com.vn)

Thực ra không riêng xã Chí Đạo. Theo báo cáo môi trường quốc gia, do Bộ TN-MT công bố, hầu hết làng nghề ở các tỉnh phía Bắc có sử dụng hóa chất hay tái chế giấy, tháo dỡ ô tô cũ, lốp ô tô, xe máy cũ lấy dây thép, nung gạch thủ công, chế biến thực phẩm… đều có chung tình trạng ô nhiễm không khí, nguồn nước…, có nơi đặc biệt nghiêm trọng. Kết quả điều tra, đánh giá hiện trạng sản xuất và môi trường làng nghề, do Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội thực hiện tại hơn 40 làng nghề cho thấy: Nguồn nước ngầm sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất bị ô nhiễm bởi phenol, các chỉ tiêu sinh học như: Ecoli, Coliform, kim loại nặng khá cao. Nguồn nước bề mặt ao, hồ, kênh, mương thủy lợi bị nhiễm độc bởi dầu mỡ, Ecoli, Coliform… gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần cho phép.

Ô nhiễm môi trường không chỉ hủy hoại môi trường mà còn gia tăng bệnh tật tại các làng nghề trong những năm gần đây như các bệnh ngoài da, hô hấp, tiêu hóa, ung thư… Trong một báo cáo của ngành y tế, ô nhiễm còn làm giảm tuổi thọ của người dân sống trong các làng nghề thấp hơn 10 năm, so với tuổi thọ trung bình cả nước và thấp hơn từ 5 đến 10 năm, so với làng không làm nghề. Ô nhiễm môi trường ở nhiều làng nghề, diễn ra từ nhiều năm nay và để khắc phục hậu quả không chỉ cần kinh phí lớn mà còn mất rất nhiều thời gian. Theo tính toán của các chuyên gia y tế, chi phí tẩy hết hàm lượng chì cho một trẻ bị nhiễm chì ở Chí Đạo phải mất khoảng 240 triệu đồng.

Lâu nay người ta luôn cho rằng nguyên nhân gây ra ô nhiễm là do nhiều địa phương không có khu vực sản xuất tập trung. Cơ sở sản xuất vẫn tồn tại trong khu dân cư, thiếu hệ thống xử lý chất thải rắn và chất thải lỏng. Có thể thấy, đây không phải là nguyên nhân mà là hậu quả của buông lỏng quản lý. Theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến hết năm 2007, xã Chí Đạo phải hoàn tất việc xử lý ô nhiễm, di dời các hộ dân, cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư, tuy nhiên đến năm 2011, lãnh đạo tỉnh mới phê duyệt dự án xây dựng cụm công nghiệp tập trung. Gần 10 năm kể từ khi Chính phủ ra quyết định, địa phương mới phê duyệt dự án, chưa kể, hiện vẫn còn nhiều cơ sở nằm trong khu vực dân cư chưa chịu di dời. Các bộ ngành cũng đã có quy định về sử dụng công nghệ, nhưng thực tế, địa phương không quản được việc cơ sở sản xuất sử dụng công nghệ. Họ chú trọng nguồn thu hơn việc người dân mưu sinh bằng những nghề phải đánh đổi sức khỏe và tương lai.

Nhận thức rõ ô nhiễm môi trường sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình phát triển đất nước, năm 2004 Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 41/NQ-TƯ về: Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, tuy nhiên công tác quản lý môi trường ở nhiều địa phương vẫn hết sức lỏng lẻo. Ô nhiễm thì xã hội hứng chịu, còn các nhà quản lý vô can, vì vậy rất cần có quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, địa phương nếu để xảy ra ô nhiễm.