Xử lý nước thải để bảo vệ môi trường sống

Hiện nay, hầu hết nước thải từ các thành phố, khu công nghiệp, làng nghề ở nước ta đều chưa được xử lý, gây ô nhiễm môi trường sống, môi trường nước nghiêm trọng, có nguy cơ "giết chết" một số dòng sông.

Sông Nhuệ là một điển hình. Dòng sông này có nhiệm vụ tưới cho khoảng hơn 85 nghìn ha đất canh tác thuộc thành phố Hà Nội và các tỉnh Hà Tây, Hà Nam. Nhưng hơn mười năm qua, do phát triển đô thị, làng nghề, công nghiệp, dòng sông Nhuệ hứng chịu toàn bộ nước thải trong khu vực làm cho nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Về mùa khô, khi mực nước sông Hồng xuống thấp, không lấy đủ lượng nước vào cống Liên Mạc để pha loãng nồng độ nước thải trong sông thì không có loài thủy sinh nào sống nổi, bởi dòng sông lúc đó chỉ làm nhiệm vụ của một hồ chứa nước thải đô thị và công nghiệp chưa được xử lý.

Theo tính toán của các nhà chuyên môn, mỗi ngày sông Nhuệ phải chuyển tải hơn 400 nghìn m3 nước thải từ thành phố Hà Nội đổ vào. Ngoài ra, dòng sông này còn phải tiêu thoát nước thải cho thành phố Hà Ðông, các làng nghề ven sông, khiến cho dòng nước trong sông có mầu đen kịt, mùi hôi thối xông lên gây ô nhiễm.

Nước từ các giếng khoan, giếng đào của nhà dân dọc theo sông Nhuệ đều có mầu đen và mùi hôi không thể sử dụng được. Qua phân tích thành phần lý hóa, nguồn nước nhiễm nhiều chất độc hại đối với sức khỏe con người. Nguồn nước từ sông Nhuệ đổ vào sông Ðáy tại địa phận thị xã Phủ Lý, tiếp tục gây ô nhiễm nguồn nước sông Ðáy cho đến khi chảy ra biển.

Ông Lê Quốc Hội, Giám đốc Công ty khai thác công trình thủy lợi Sông Nhuệ khẳng định: “Về mùa khô, nếu cống Liên Mạc không lấy được lưu lượng từ 20 m3/giây trở lên thì nguồn nước sông Nhuệ vẫn ô nhiễm nghiêm trọng”.

Tương tự như vậy, các sông Cầu, Ðồng Nai, Sài Gòn,… cũng đang bị ô nhiễm nặng bởi nước thải đô thị, nước thải công nghiệp chưa được xử lý đổ vào. Trong tương lai, nếu không có những biện pháp xử lý nước thải kịp thời, do phát triển của đô thị hóa, công nghiệp hóa và gia tăng dân số, những dòng sông khác chắc chắn cũng “chết dần”.

Do biến đổi khí hậu, các thập kỷ tới sẽ gia tăng tình trạng hạn hán, lũ lụt, trong khi nguồn nước về mùa khô ở nước ta hiện đã đang thiếu hụt, một số dòng sông lại bị ô nhiễm đến mức không thể sử dụng như hiện nay là điều đáng báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Cùng với việc đã và đang ban hành các văn bản pháp quy về bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, cần phải có những biện pháp xử lý ngay nguồn nước thải từ các đô thị lớn, khu công nghiệp tập trung và các làng nghề xả nước thải độc hại, ảnh hưởng môi trường sống của cộng đồng dân cư trong khu vực. Về lâu dài, việc quy hoạch phát triển khu đô thị, khu công nghiệp cần phải gắn với quy hoạch và giải pháp xử lý nước thải. Khi phê duyệt các dự án, không thể bỏ qua yêu cầu xử lý nước thải và cảnh quan, môi trường sống. Từ đó mới khắc phục được tình trạng ô nhiễm nguồn nước, phần nào lấy lại sự trong sạch cho môi trường sống.

Trên thực tế, việc xử lý ô nhiễm môi trường do nước thải gây ra thường đòi hỏi chi phí rất lớn. Trong khi nguồn ngân sách còn hạn hẹp, thì việc lựa chọn giải pháp phù hợp yêu cầu và khả năng tài chính là rất quan trọng.

Theo Tiến sĩ Ngô Ngọc Thạch, Giám đốc Công ty TNHH Non Côi thì nhiều nước trên thế giới đã ứng dụng công nghệ mới trong xử lý chất hữu cơ dư thừa trong nước thải, hoặc nguồn nước bị ô nhiễm nói chung rất hiệu quả mà giá thành lại rẻ, phù hợp khả năng kinh tế của nước ta nói riêng và các nước đang phát triển nói chung. Một trong những công nghệ mới trong xử lý nước thải là bột kích hoạt vi sinh, có tên gọi là Hệ bột Bioaktiv-Eco được sản xuất từ bột phấn đá tự nhiên trên cơ sở nguyên lý của công nghệ NANO, kết hợp kỹ thuật nạp năng lượng trong hệ dao động cao tầng với các chất bổ trợ cần thiết để tạo ra các sản phẩm đặc trưng khác nhau phục vụ xử lý nước thải.

Những chế phẩm của Hệ bột Bioaktiv-Eco đã được ứng dụng xử lý nước nuôi tôm, cá ở trung tâm giống thủy sản Nam Ðịnh, Công ty Ðại Dương (huyện Giao Thủy, Nam Ðịnh), khu vực nuôi tôm xã Thái Ðô (Thái Bình), nước thải Nhà máy bia Heminger, nay là Nhà máy bia Sài Gòn – Mê Linh thuộc Tổng công ty rượu, bia và nước giải khát Sài Gòn (huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc) đạt hiệu quả cao.