Trẻ làng Đông Mai phơi nhiễm chì nghiêm trọng: Điều trị chưa xong, đã lo tái nhiễm

ThienNhien.Net – Hôm nay 7-5, UBND tỉnh Hưng Yên làm việc với đại diện Bộ Y tế họp bàn giải pháp giảm thiểu mức độ ô nhiễm và việc tẩy độc chì cho trẻ phơi nhiễm ở làng nghề Đông Mai (xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, Hưng Yên). Thực tế cho thấy nhiều vấn đề đã đến mức đáng báo động nhưng vì miếng cơm, manh áo, những hộ làm nghề ở đây vẫn bất chấp sức khỏe, tính mạng bản thân mà sống chung với “kẻ giết người thầm lặng”…

Nước thải nguy hại vẫn được các hộ làm nghề tái chế thùng phuy xả thẳng ra sông Đáy từ nhiều năm nay, không bị xử lý. (Ảnh: Hànộimới)
Nước thải nguy hại vẫn được các hộ làm nghề tái chế thùng phuy xả thẳng ra sông Đáy từ nhiều năm nay, không bị xử lý. (Ảnh: Hànộimới)

Thờ ơ với “kẻ giết người thầm lặng”

Vài chục năm nay, làng Đông Mai có nghề phụ là tái chế chì từ ắc quy hỏng. Nghề này đã giúp cuộc sống của người dân ở đây khấm khá hơn nhiều những làng quê khác nhưng những hệ lụy của nó thật đau xót: Năm 2007-2008, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) đã tiến hành nghiên cứu về mức độ ô nhiễm môi trường tại xã Chỉ Đạo. Kết quả cho thấy mức độ ô nhiễm chì trong không khí vượt tiêu chuẩn gần 3,5 lần, có nơi tới 10 lần. Nhiều loại cá, rau… nuôi trồng cũng nhiễm chì vượt mức cho phép 4,6 lần. Đáng lo ngại nhất là rất nhiều cháu bé ở Đông Mai đang bị nhiễm độc chì với các mức độ nặng nhẹ khác nhau. Chiều 6-5, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hưng Yên Nguyễn Thị Anh cho biết, trong số các em nhỏ bị nhiễm độc chì ở làng nghề tái chế thôn Chỉ Đạo, có 33 em có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép đến hơn 4 lần và cần được điều trị gấp. Nếu không thì một thời gian nữa, những đứa trẻ này sẽ phát bệnh.

Hiện, Sở Y tế tỉnh Hưng Yên đang phối hợp với các cơ quan chức năng và Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) để tiến hành giải độc cho 33 trẻ bị nhiễm độc chì cao. Khó khăn lớn nhất đang là vấn đề kinh phí. “Việc tiến hành xét nghiệm kiểm tra có nhiễm độc chì hay không tốn khoảng 10 triệu đồng/người. Y tế địa phương đã phải đến từng nhà vận động, thậm chí không chỉ giúp kinh phí mà còn cả thủ tục, chỉ mong người dân thực hiện xét nghiệm. Ngay chuyện xét nghiệm còn khó thực hiện chứ chưa nói gì đến việc vận động các gia đình đưa trẻ đi tẩy độc chì. Bởi vì mỗi một trường hợp điều trị thải độc chì phải mất khoảng 2 năm với 16 lần thực hiện và kinh phí hơn 240 triệu đồng. Ngoài ra, do nhận thức kém nên người dân vẫn cho rằng, con em họ mới chỉ bị phơi nhiễm chì, chưa phát bệnh nên nhiều gia đình trì hoãn chữa trị” – Bà Nguyễn Thị Anh nói.

Vòng luẩn quẩn điều trị – tái phơi nhiễm

Báo cáo mới nhất của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho thấy, có đến 97% trong tổng số 500 trẻ tại thôn Đông Mai được làm xét nghiệm nhanh có kết quả phơi nhiễm chì, hầu hết với hàm lượng máu vượt ngưỡng 3-7 lần. Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường đã phối hợp với Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) đưa các cháu vượt ngưỡng từ 4 lần trở lên điều trị thải độc. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhi đã bỏ điều trị hoặc không tuân thủ liệu trình của bác sĩ.

Theo các bác sĩ ở Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai), nhiễm độc chì đã ngăn cản quá trình phát triển bình thường của trẻ cả về mặt thể lực và trí tuệ. Trẻ nhiễm độc chì dễ dẫn đến suy gan, suy thận, mất trí nhớ, sụt cân… Nếu ngộ độc nặng, trẻ sẽ bị co giật, nguy hiểm đến tính mạng. Không chỉ trẻ em mà hầu hết người lớn ở làng nghề Đông Mai khi làm xét nghiệm đều có lượng chì trong máu cao hơn mức cho phép. Biểu hiện khi người lớn nhiễm độc chì thì thường chán ăn, mất ngủ, đau đầu, thiếu máu và suy giảm sức khỏe, trí nhớ, năng suất lao động. Trung tâm cũng đã tiếp nhận các trường hợp nhiễm độc chì hàm lượng cao nhưng hầu hết chỉ điều trị 1-2 đợt rồi không quay lại. Quá trình điều trị nhiễm độc chì thường kéo dài khoảng 2 năm. Nếu chỉ điều trị một vài tuần sẽ không thể thải loại được nồng độ chì trong cơ thể.

Theo ông Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, hiện một số thuốc thải độc chì vẫn có trong danh mục cho phép của BHYT. Tới đây, Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục bổ sung thuốc vào danh mục do BHYT chi trả. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là nhiều gia đình từ Hưng Yên ra Hà Nội điều trị ngại phải đi lại xa, chi phí tốn kém… Viện đang đề xuất với BV Bạch Mai và Bộ Y tế xuống tận địa phương giúp thực hiện điều trị thải độc chì cho người dân. Cụ thể, ngành y tế sẽ cử bác sĩ chuyên khoa xuống tập huấn, chuyển giao cách chữa trị cho BV địa phương để người dân đỡ phải đi lại. Ông Doãn Ngọc Hải khẳng định, điều trị thải độc chì hoàn toàn có thể thực hiện được nhưng không bền vững. Cốt lõi của vấn đề nằm ở chỗ, sau khi điều trị thải độc xong, trẻ lại quay về sống ở môi trường ô nhiễm để rồi lại tái nhiễm. Do đó, ngành y tế khuyến nghị người dân không nên vì lợi ích kinh tế mà không quan tâm đến sức khỏe; đồng thời, phải có quy hoạch lại làng tái chế chì.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.