Châu Phi là trung tâm khủng hoảng thế giới động vật hoang dã

ThienNhien.Net – Một năm sau khi 46 quốc gia thông qua Tuyên bố London nhằm xóa bỏ nạn buôn bán sừng tê giác và ngà voi, hai loài động vật này vẫn tiếp tục bị đẩy tới bờ vực tuyệt chủng. Châu Phi là trung tâm của cuộc khủng hoảng thế giới động vật hoang dã.

Tê giác bị giết ở Vườn quốc gia Kruger, Nam Phi. (Ảnh: EPA)
Tê giác bị giết ở Vườn quốc gia Kruger, Nam Phi (Ảnh: EPA) 

Năm 2014, 46 quốc gia đã thông qua Tuyên bố London, cam kết giải quyết nạn tham nhũng, áp dụng hình phạt cứng rắn hơn đối với những tay săn trộm và bổ sung nhân viên thực thi pháp luật. Dù các cam kết này đã đi vào thực tế, nhưng trong năm qua, số tê giác bị giết ở Nam Phi là 1.215 con, tăng 20% so với năm 2013; ít nhất 220 con tinh tinh, 106 con đười ươi, 15 con gorilla đã biến mất khỏi thế giới tự nhiên.

Dù đã tồn tại hàng triệu năm, nhưng tê giác trắng chuẩn bị có kết cục giống như khủng long. Hiện trên Trái đất chỉ còn năm con tê giác trắng ở Kenya, Mỹ và Cộng hòa Czech. 28.500 con tê giác đang bị đe dọa bởi nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác ở các nước phát triển trong khu vực châu Á.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, loài voi đang ở trong thời kỳ rất nguy hiểm, từ năm 2011 đến năm 2013, khoảng 20 nghìn con voi bị săn trộm hằng năm. Năm 2013, riêng Tanzania mất 10 nghìn con voi.

Giải thích nguyên nhân của cuộc khủng hoảng thế giới động vật hoang dã, Tom Milliken, điều phối viên của mạng lưới giám sát buôn bán động vật hoang dã Traffic cho biết, “Luật pháp ở một số nước đang tụt hậu. Các tay săn trộm có thể ra khỏi nhà tù nếu được bảo lãnh”.

Thống kê cho thấy, bốn trong năm tay săn trộm ở Nam Phi đến từ Mozambique, một trong những nước nghèo nhất thế giới. January Makamba, Thứ trưởng Bộ Truyền thông, Khoa học và Công nghệ Tanzania, cho biết: “Nếu người dân địa phương nhìn thấy lợi ích của việc bảo tồn động vật thì họ sẽ là những người đầu tiên bảo vệ thế giới hoang dã. Nạn săn trộm là vấn đề liên quan tới tham nhũng và tình trạng đói nghèo”.

Bên cạnh nạn buôn bán người, thuốc phiện và vũ khí, buôn bán động vật hoang dã trái phép là một trong những tội ác nghiêm trọng nhất thế giới, thu về cho các tổ chức phi pháp khoảng 12 tỷ bảng Anh mỗi năm.

Tuần trước, các nhà chính trị và nhà môi trường học vừa tham gia một hội nghị được tổ chức tại Botswana, nhằm tìm kiếm giải pháp cấp bách bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là ở châu Phi.