Tê giác bị sát hại tại Nam Phi lại đạt kỷ lục mới

ThienNhien.Net – Theo thông tin công bố ngày 10/11 của Bộ Môi trường Nam Phi, tính từ đầu năm tới nay đã có 1020 con tê giác bị sát hại ở nước này, tăng 16 con so với mức kỷ lục xác lập vào năm ngoái là 1004 con.

Những con tê giác này bị sát hại để lấy sừng chủ yếu nhằm phục vụ nhu cầu dùng sừng tê giác để làm thuốc ở các nước châu Á như Trung Quốc và Việt Nam. Mặc dù, hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy sừng tê giác có tác dụng chữa bệnh.

Tê giác trắng Nam Phi (Ảnh: Rhett A. Butler/Mongabay.com)
Tê giác trắng Nam Phi (Ảnh: Rhett A. Butler/Mongabay.com)

Săn trộm tê giác là vấn đề đáng lo ngại ở nhiều quốc gia châu Á và châu Phi, nhưng tâm điểm của vấn nạn này vẫn là Nam Phi, quốc gia này có quần thể tê giác chiếm 90% số lượng tê giác toàn cầu với hơn 18.000 tê giác trắng (Ceratotherium simum) và gần 2.000 tê giác đen (Diceros bicornis) theo thống kê năm 2010.

Bộ Môi trường Nam Phi cho biết Chính phủ nước này đã áp dụng nhiều sáng kiến nhằm chống lại nạn săn trộm tê giác như xây dựng khu bảo tồn tập trung tại Vườn Quốc gia Kruger, đưa vào áp dụng các công nghệ mới, chủ động thu thập tin tức tình báo và tăng cường hợp tác trong nước, khu vực cũng như quốc tế và di chuyển tê giác tới các khu vực an toàn. Tuy nhiên, không có biện pháp nào trong số này có thể làm giảm nạn giết hại tê giác đang ngày càng gia tăng. Năm 2007, chỉ có 7 con tê giác bị giết trong khi ở thời điểm hiện tại cứ chưa đầy 3 ngày đã có 7 con tê giác bị sát hại. Hiện Nam Phi vẫn đang bị chỉ trích vì không thực hiện đủ các biện pháp bảo vệ tê giác và ngăn chặn nạn buôn bán sừng tê bất hợp pháp.