Cận cảnh động vật hoang dã đau đớn kéo lê bẫy ở bán đảo Sơn Trà

Hình ảnh những động vật hoang dã như khỉ, voọc chà vá chân nâu lê lết một bên chân bẫy kẹp đang xuất hiện nhiều tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Nhìn thấy bóng con người là chúng bỏ chạy thục mạng, vừa kêu vì vết thương đau…

Một con chồn bạc má bị dính bẫy được người dân giải cứu. Ảnh chụp màn hình

Đầu tháng 4 vừa qua, một nhóm nhiếp ảnh gia phát hiện nhiều động vật hoang dã tại khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, Đà Nẵng bị sập bẫy. Một trong số nhiếp ảnh gia cho hay, khi vừa chạy lên núi Sơn Trà đoạn gần cảng Tiên Sa thì thấy một bầy khỉ chạy qua. Trong số đó, có một con khỉ con đang lết kéo theo chân một cái bẫy kẹp và kêu la thảm thiết.

Dừng chân ở một cống nước nhỏ chụp ảnh, nhóm nhiếp ảnh bắt gặp một cá thể chồn bạc má kéo lê theo cái bẫy kẹp ra cống ước. “Chúng tôi hô lên để mọi người cùng giải cứu. Sau 10 phút, cá thể chồn đã được thoát khỏi bẫy kẹp, nhưng nó có sống được hay không thì thật khó nói. Hy vọng các cơ quan chức năng sẽ có những hành động bảo vệ động vật hoang dã để giải thoát chúng khỏi những cái bẫy chết chóc đầy ám ảnh” – nhiếp ảnh gia này chia sẻ.

Con chồn bạc má bị dính bẫy, hết kêu la rồi nằm bất động vì không cách nào thoát ra được. Ảnh chụp màn hình

Kèm theo những dòng chia sẻ này là hình ảnh giải cứu với tiếng kêu thảm thiết vì đau đớn của con chồn bạc má.

Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã tổ chức 74 đợt tuần tra, trong đó mở 27 đợt truy quét trong rừng, thu giữ gần 100 bẫy kẹp và hơn 300 bẫy dây cáp, phá dỡ hai lán trại của lâm tặc bỏ lại. Kiểm lâm cũng giải cứu ba con rùa, sóc và khỉ bị dính bẫy.

Bẫy động vật hoang dã bị phát hiện đặt trong rừng Sơn Trà khiến những con vật dính phải bị cụt chi. Ảnh: Thanh Trúc

Bẫy thú được đặt gần tuyến đường dẫn lên bán đảo Sơn Trà, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà. Việc đặt bẫy thú ở rừng Sơn Trà diễn ra nhiều năm qua do người dân và du khách được tự do ra vào rừng đặc dụng. Trong khi đó, phía kiểm lâm không được phép kiểm tra hành chính người dân nên rất khó kiểm soát. Lực lượng kiểm lâm dù tuần tra ngày đêm cũng chỉ có 8 nhân lực quản lý hơn 3.700ha đất rừng.

Chị Thanh Trúc – tình nguyện viên nhóm Chung tay cứu hộ và bảo tồn động vật hoang dã Sơn Trà cho biết, thời gian gần đây, tình trạng săn bắt động vật hoang dã tại bán đảo Sơn Trà càng trở nên phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Người dân liên tục ghi nhận những hình ảnh thú mắc bẫy kẹp (khỉ, chồn dính hẳn chiếc bẫy kẹp trên chi, gà cụt chân, voọc cụt chi) trên bán đảo Sơn Trà.

“Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng động vật hoang dã bị săn bắt dính bẫy là vấn nạn cho khỉ ăn. Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một hình thức xử phạt nào đối với hành vi xâm phạm vào tự nhiên này.

Một thời gian dài, khỉ tiếp nhận thức ăn từ con người sẽ tạo thuận lợi với những kẻ săn bắt. Tình trạng mất kiểm soát này cứ kéo dài thì những đàn khỉ ở Sơn Trà không những mất bản năng sinh tồn mà còn trở thành những đàn khỉ cụt tay, chân và là nguồn săn bắt động vật hoang dã thuận lợi cho các hội nhóm buôn bán khỉ” – chị Trúc cảnh báo.