Sửa Nghị định 74: Gây ô nhiễm nhiều thì nộp phí nhiều

ThienNhien.Net – Nghị định 74/2011/NĐ-CP ngày 25-8-2011 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với khai thác khoáng sản sau một thời gian thực hiện đã đến lúc cần thiết được sửa đổi, bổ sung.

Quy định về phí BVMT đối với khai thác khoáng sản phải phải gắn với cấp độ gây ô nhiễm môi trường (Ảnh: internet)
Quy định về phí BVMT đối với khai thác khoáng sản phải phải gắn với cấp độ gây ô nhiễm môi trường (Ảnh: internet)

Theo tổng kết quá trình thực hiện Nghị định 74 của Bộ Tài chính, bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị định có một số tồn tại, cần được nghiên cứu bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.

Đó là mức thu phí đối với một số khoáng sản còn chưa tương xứng với mức độ gây ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra, chưa có sự phân biệt theo công nghệ khai thác, do đó chưa khuyến khích áp dụng công nghệ mới trong việc khai thác khoáng sản.

Ngoài ra, mức thu chưa tính đến đặc thù của từng loại khoáng sản khai thác, chưa có sự phân biệt theo hàm lượng khoáng sản, do đó không khuyến khích các mỏ tận thu khai thác, dẫn đến dễ làm khó bỏ, lãng phí tài nguyên.

Để khắc phục những tồn tại này, theo mục tiêu sửa đổi Nghị định, mức thu phí, đơn vị tính thu phí bảo vệ môi trường đối với từng loại khoáng sản sẽ được quy định vừa đảm bảo phù hợp với nguyên tắc của Luật Bảo vệ môi trường: quy định về phí BVMT đối với khai thác khoáng sản phải phải gắn với cấp độ gây ô nhiễm môi trường, vừa đảm bảo phù hợp với nguyên tắc của Pháp lệnh Phí và lệ phí là mức thu phí phải tính đến khả năng đóng góp của người nộp, có tính đến những chính sách của Nhà nước trong từng thời kỳ.

Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 74 cũng đang còn một số vấn đề được giải quyết. Đó là khoáng sản nằm trong lòng đất, không gây ô nhiễm, khi khai thác mới gây ô nhiễm, như vậy mức độ ô nhiễm không phải do khoáng sản gây ra mà do quá trình khai thác gây ra. Công nghệ khai thác sẽ quyết định mức độ gây ô nhiễm nhiều hay ít. Công nghệ khai thác hiện đại sẽ gây ít ô nhiễm hơn so với công nghệ lạc hậu. Tuy nhiên, vấn đề là lấy tiêu chí nào để xác định mức độ gây ô nhiễm, nếu lấy công nghệ để đo mức độ gây ô nhiễm thì phải đo như thế nào để xác định đây là công nghệ tiên tiến, còn kia là công nghệ lạc hậu?

Ngoài ra, còn một vấn đề là hàm lượng khoáng sản có thể được xác định qua việc đánh giá trữ lượng mỏ, vậy nếu hàm lượng thấp sẽ chịu phí ít hơn hàm lượng cao, công bằng về mặt kinh tế, nhưng không công bằng về mức độ gây ô nhiễm, bởi khi đó có thể mỏ gây ô nhiễm nhiều lại chịu phí thấp hơn ô nhiễm cao.