Bà Rịa – Vũng Tàu: Khai thác khoáng sản trái phép rầm rộ

Mặc dù Sở Tài nguyên – Môi trường và chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm nhưng tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện Tân Thành(Bà Rịa Vũng Tàu) vẫn diễn ra khá rầm rộ, trong đó có những điểm khai thác với qui mô lớn. Ngoài những vùng mỏ nằm trong quy hoạch, còn có những điểm nằm trong khu vực quân sự như trường bắn Lam Sơn, trường bắn núi Dinh…

Tan nát nhiều vùng mỏ

Từ tháng 09/2007 đến nay, Sở Tài nguyên – Môi trường đã tổ chức 3 đợt kiểm tra tình hình khai thác vật liệu san lấp, cát đá xây dựng trên địa bàn huyện Tân Thành. Kết quả của các đợt kiểm tra đều cho thấy hoạt động khai thác trái phép diễn ra khá rầm rộ và phổ biến. Các khu vực bị xâm hại nhiều nhất là mỏ đá xây dựng núi ông Trịnh; suối Ngọt; Khu vực qui hoạch điểm mỏ số 42 ấp Song Vĩnh, xã Tân Phước…

Điển hình như điểm mỏ số 45 (suối Ngọt) có diện tích 5,64 ha, mặc dù cơ quan chức năng chưa cấp phép cho tổ chức, cá nhân nào khai thác nhưng hầu như toàn bộ diện tích, trữ lượng vật liệu san lấp tại đây đã bị khai thác hết, để lại mặt bằng lồi lõm nham nhở và ngổn ngang. Độ sâu khai thác trung bình 4m, có điểm khai thác sâu hơn đáy suối tự nhiên tới 2 mét. Ước tính khối lượng đất đá bị khai thác từ 15.000 – 40.000m3.

Tại khu vực ấp Song Vĩnh 2, xã Tân Phước có những vùng đất độ sâu khai thác đã xuống tới “code” suối tự nhiên. Khu vực thượng nguồn Suối Sao, xã Tóc Tiên có dấu vết bơm hút cát trên diện tích khoảng 5.000m2, độ sâu trung bình khoảng 2,5m. Đặc biệt, tại xã Hắc Dịch, đoàn kiểm tra đã phát hiện một trường hợp khai thác sỏi phún không phép với qui mô lớn trên 5.000 m2, chiều sâu khai thác có chỗ lên tới 7m…

Hầu hết các điểm mỏ, kể cả các điểm được cấp phép đều bị khai thác bừa bãi, không theo đúng giấy phép, hiện trường để lại rất nham nhở. Ở những điểm mỏ đã được cấp phép, không chỉ khai thác không đúng vị trí được cấp phép, các doanh nghiệp còn lợi dụng giấy phép để khai thác các vị trí chung quanh. Điều đáng nói là qui mô khai thác trái phép tại những điểm mỏ đã được qui hoạch rất lớn, phương tiện hoạt động rầm rộ… nhưng khi kiểm tra lại không có một bóng người hay phương tiện khai thác tại đây.

Yếu kém trong quản lý, kiểm soát

Để xảy ra tình trạng khai thác trái phép cát đá và vật liệu san lấp trên địa bàn huyện Tân Thành hiện nay trách nhiệm trước hết là do chính quyền địa phương và cơ quan chức năng buông lỏng quản lý. Hiệu quả của công tác kiểm tra cũng như năng lực quản lý của ngành chức năng kém, thiếu sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong quá trình kiểm tra, chưa sử dụng hết các công cụ của hệ thống chính trị để xử lý vi phạm; chưa kiểm điểm trách nhiệm đối với những cá nhân có trách nhiệm đã để xảy ra tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép trên địa bàn do mình quản lý.

Theo ông Phạm Hữu Vũ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường, cơ quan tài nguyên môi trường chỉ xử lý được những trường hợp bắt quả tang đang khai thác. Nhưng khi đã đưa lên xe vận chuyển trên đường, dù biết đó là sản phẩm khai thác trái phép nhưng cũng không làm gì được, vì đây không phải là hàng cấm. Muốn kiểm tra để xác định nguồn gốc và xử lý thì phải có lực lượng cảnh sát giao thông và cảnh sát môi trường phối hợp. Đối với các công trình đang san lấp, nếu chủ đầu tư không chứng minh được nguồn gốc vật liệu rõ ràng, không giấy phép khai thác… cũng chỉ bị xử phạt hành chính và đóng thuế tài nguyên. Nhưng để kiểm tra các công trình đang san lấp này, cần phải có sự tham gia của chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng khác như quản lý thị trường, thuế…Thế nhưng, lâu nay sự phối hợp này chưa được thực hiện.

Theo nguyên tắc, khi một tổ chức, cá nhân không chấp hành xử phạt hành chính thì chuyển sang xử lý hình sự nhưng từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh chưa xử lý hình sự trường hợp nào nên không mang tính răn đe. Ông Phạm Hữu Vũ cho biết thêm, với qui định cấp sở chỉ có quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép với mức tiền tối đa là 20 triệu đồng, trường hợp chuyển sang UBND tỉnh xử lý thì mức phạt tối đa cũng chỉ 50 triệu đồng. Mức phạt như vậy là quá nhẹ trong khi lợi nhuận của hoạt động này là rất lớn nên các tổ chức, cá nhân vẫn cố tình vi phạm.

Mặt khác, các biện pháp chế tài bổ sung như thu hồi quyền sử dụng đất đối với những chủ sở hữu để xảy ra tình trạng khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản trên diện tích đất của mình… lại bị những qui định khác ràng buộc, không thực hiện được. Tất cả những điều đó khiến cho tình trạng khai thác vật liệu trái phép vẫn tồn tại dai dẳng, khó chấm dứt.