Nhiều khó khăn trong cứu hộ động vật hoang dã

ThienNhien.Net – Những năm qua, công tác tiếp nhận, nuôi dưỡng và bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD) luôn được TP Hà Nội quan tâm. Số vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ ĐVHD bị bắt giữ, cũng như lượng cá thể được cứu hộ, nhân nuôi tiếp tục tăng. Dù vậy, công tác này hiện vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Ảnh minh họa: Báo Quảng Ninh
Ảnh minh họa: Báo Quảng Ninh

Theo ông Nguyễn Duy Hải – Phó Trưởng phòng kỹ thuật – Trung tâm Cứu hộ ĐVHD (Sở NN&PTNT), việc xử lý các vụ vi phạm của cơ quan chức năng, sau khi bàn giao cho Trung tâm tiến hành cứu hộ thường kéo dài, cá biệt có những vụ tới 3 – 4 năm chưa giải quyết xong. Điều này dẫn tới tình trạng một số loài có tập tính sinh hoạt phức tạp rất dễ bị ốm, thậm chí bị chết. Mặt khác, việc kéo dài làm gia tăng các chi phí bảo quản, chăm sóc, vệ sinh môi trường, phòng trừ dịch bệnh và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của cán bộ, công nhân viên. Ngoài ra, hệ thống chuồng trại tại Trung tâm dù đã được đầu tư, xong diện tích mặt bằng vẫn chật hẹp. Hệ thống tường rào bảo vệ chưa đảm bảo, nhiều hạng mục đang xuống cấp. Đặc biệt, Trung tâm hiện chưa có chuồng trại bán hoang dã… Rất may, mới đây, Four Paws – một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực phúc lợi động vật đã cam kết tài trợ 1,9 tỷ đồng xây dựng 1.000m2 chuồng trại bán hoang dã để cứu hộ các cá thể gấu hiện có tại Trung tâm.

Năm 2014, Trung tâm đã tiếp nhận 894 cá thể và 70kg rắn; tổ chức điều trị cho 1.447 lượt cá thể bị thương, bị mắc bệnh; phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành thả về môi trường tự nhiên và chuyển giao 7 đợt với tổng số 495 cá thể.

Khó khăn về công việc là thế, về cơ chế, chính sách cho người lao động cũng còn nhiều vướng mắc. Đó là việc có một số lao động đã gắn bó với Trung tâm ngay từ những ngày đầu thành lập, nhưng đến nay vẫn chưa được hưởng chế độ phụ cấp. Đơn cử như anh Trần Văn Lâm, ở xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, công tác ở đây 13 năm nhưng hiện chỉ được ký hợp đồng ngắn hạn (dưới 12 tháng), mức lương xấp xỉ 2,7 triệu đồng/tháng.

Ông Ngô Bá Oanh – Giám đốc Trung tâm chia sẻ, để Trung tâm có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, biến Trung tâm trở thành địa điểm thăm quan du lịch nghỉ dưỡng trong tương lai, đề nghị Sở NN&PTNT kiến nghị UBND TP cấp kinh phí để triển khai Dự án mở rộng Trung tâm lên 13ha (đã được phê duyệt). Mặt khác, hoàn thiện cơ chế phối hợp xử lý cá thể ĐVHD khi tiếp nhận về Trung tâm. Đồng thời, trình cấp có thẩm quyền rà soát Đề án việc làm giai đoạn 2014 – 2016, đảm bảo các chế độ chính sách cho người lao động và nguồn nhân lực phục vụ hoạt động của Trung tâm.