Một tay dựng cả cánh rừng

ThienNhien.Net – Ngồi trước mặt tôi là người đàn ông khuyết tật. Hoàn toàn liệt nửa người. Cánh tay trái mất tác dụng, lòng khòng như món vật thừa, cẳng chân trái lúc lắc, loi choi trên mặt đất, bước chân của ông dích dắc như vẽ số phận trên đất. Ông là Trần Xuân Tiết, ở thôn Thuận Hoan, xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Chỉ bằng một tay, ông đã dựng cả cánh rừng, dựng nên cuộc sống gia đình từ danh sách nghèo nhất nhì xã vươn lên sung túc.

Số phận

Người làng Thuận Hoan hay nói nhiều lời “đáng ra” khi kể về ông Tiết. Họ bảo: “Đáng ra ông Tiết không bị liệt. Đáng ra cuộc đời ông không phải trụ trên nửa thân người. Tại vì bom đạn mới làm ông như vậy…”. Sinh ra trong một gia đình bần nông, 18 tuổi, ông Tiết vào lực lượng thanh niên xung phong, phục vụ chiến đấu ở mặt trận Đường 9 – Nam Lào. Đất nước giải phóng, ông về quê lấy vợ năm 1976. Vợ ông, bà Đinh Thị Vân là một sơn nữ ở xã Quy Hóa, huyện Minh Hóa “môn đăng hộ đối” với ông cảnh nghèo. Họ có 5 đứa con, 5 lần sinh nở, 5 lẫn nỗi đau ập xuống lên miên, hai đứa đầu chết lúc còn niên thiếu, 3 đứa sau cứ trái gió trở trời lại nỗi cơn động kinh.

Một gia đình với bảy số phận tràn trề khó khăn, tràn trề thiếu thốn. Căn nhà lá bên nhoi núi nhỏ ông dựng lên từ mấy que gỗ tạp để cả nhà chui ra chui vào. Miếng ăn nhà ông quanh năm củ mài, lâu lâu mới có bữa cháo cầm hơi. Nhà 7 miệng ăn, lại phải lo thuốc men cho những đứa con bệnh tật nên cuộc sống gia đình hết sức túng quẫn.

Giữa năm 1978, trong một lần làm đồng về, ông Tiết cảm thấy đầu nhức như búa bổ, mắt mũi tối sầm, chân tay tê cứng. Họ hàng, làng xóm chạy chữa khắp nơi mới giật được mạng sống của ông về với vợ con nhưng chân và tay trái của ông bị liệt hoàn toàn. Cuộc sống thêm một lần quẫn túng hơn khi cái ngày định mệnh ấy phủ xuống cuộc đời ông. Thương chồng, bà Vân khóc khô nước mắt, còn ông nằm liệt giường, cơm không ăn, cũng không nói nửa lời.

 

Lên rừng chăm cây – công việc thường ngày của ông Tiết. (Ảnh: Minh Phong)

Ông năm trên giường bán thân bất toại, mọi thứ xem như đã hết, duy chỉ cái đầu là mông lung liên hồi; không lẽ bó tay cam chịu số phận. Bản thân nằm khổ đã đành, vợ khỗ đã đành, nhưng mấy đứa con dại, rồi đây làm răng sống được giữa cuộc đời đầy giông bão nếu không có người cha trụ cột. Nghĩ thế nên ông quyết chí phải luyện tập, phải tập ngồi, tập đứng, tập đi. Khi ngồi được, đứng được, ông tập đi men theo thành giường. Một ngày, hai ngày, rồi một tháng, hai tháng, một năm, hai năm sau ông đã đi được, tuy khập khiểng, tuy loi choi vẽ từng bước trên mặt đất nhưng ông nghĩ chỉ còn một cánh tay thôi thì cũng phải dựng lại cuộc đời, dựng cho được cuộc sống trên nửa thân tật nguyền.

Một tay dựng cả cánh rừng

Khi những bước chân dị hình bắt đầu bước trên nửa thân người, ông Tiết đã bắt đầu cầm lại cái cuốc, cái rựa, cái cày để bắt đầu lên nương, bắt đầu xuống ruộng, bắt đầu làm vườn. Một thân hình trên nửa thân người còn sống động, cựa quậy, một nửa còn lại trở thành vô tri, bất lực vĩnh viễn. Cuộc sống của ông bắt đầu vỡ hoang những tháng ngày tương lai trên các triền đất, triền núi, thửa ruộng với nửa thân người để gieo lên những mầm sống lành lặn, tươi tốt.

Ngày đầu tiên ông ra đồng, làng Thuận Hoan phát hoảng khi thấy con trâu đi trước, ông tha cái cày đi sau, người làng phát hoảng hơn khi trong cổ ông có thêm sợi dây thòng lọng. Cả làng tưởng ông tự vẫn đã lao vào ôm riệt lấy ông, xin ông nghĩ đến vợ, nghĩ đến những đứa con tật nguyền da cam mà sống cho vui cửa vui nhà. Ông cố giải thích rằng bản thân đang tập cày sau trận ốm liệt mất nửa người. Lúc đó người làng mới tin một nữa, họ phái những chàng lực điền theo ông ra ruộng để canh chừng.

Ra tận ruộng, ông đặt ách lên cổ trâu, mọi việc chậm chạp hơn người bình thường, con trâu hiền nhà ông thương chủ mà đứng yên cho ông mang ách vào. Đám thanh niên thấy tội lao vào giúp, ông quát một trận liền tản ra xa đứng nhìn. Xong xuôi mọi thứ ông cầm cày thúc trâu tiến tới. Đường cày đầu tiên ông bổ chúi nhụi xuống đất, cày xong cả thửa ruộng mất hết một ngày.

Mỗi lần bổ, chiếc dây thòng lọng trên cổ lại cà cà da tứa cả máu tươi nhưng ông vẫn quyết đứng dậy, vẫn phấn đấu cày, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ đã đặt ra. Lúc đó người làng mới hiểu vì sao ông treo thêm cái thòng lọng vào cổ, vì là bị liệt nên một tay cầm cày, tay kia vô dụng ông phải buộc dây vào cổ để đến đoạn hết luống cày lại dùng hết sức mình ẩy cái cổ ra sau rồi hô “tắc, rì” (tắc; qua trái, rì; qua phải) cho trâu biết mà quay đầu đi luống cày mới. Những ngày đầu đi cày ông làm chưa thuần nên bổ lúi chúi bên mép đất, cái cổ bị cọ xát nhiều, bị chảy máu nhiều, bị thương nhiều quá đã dần chai cứng.

Lúc một chân bước thành thục trên đất cày, ông đã sắp đất thành luống, sắp công sức mồ hôi thành ruộng lúa ngát hương. Chính vì không chịu thua số phận mà ông đã chăm bẵm tốt tươi hàng chục thước ruộng miền núi của gia đình, ông sống không phụ đất nên đất không phụ người. Đất đã đưa cả gia đình ông ra khỏi danh sách thoát nghèo của xã khi lúa vào đầy nhà.

Thoát được nghèo, ông Tiết lại nghĩ phải phấn đấu có của ăn của để. Mình sống ở núi muốn làm sang cuộc sống cũng khó, nhưng không phải không làm được. Ở núi thì trồng rừng, rừng nhiều thì cây gỗ nhiều sẽ cho bán để xây đắp cuộc sống gia đình đề huề.

Nghĩ là làm, tay lành cầm rựa rồi ông nhúc nhắc một chân lên mảnh núi sau nhà. Từng ngày một, ông đơn độc trên núi trọc, trong lúc người làng vỡ hoang đất rừng trồng sắn, bắp thì ông lại trồng rừng trên những khu rừng đã mất. Lúc đầu ông đầu tư 3ha với nhiều loại cây gỗ như dẽ, bài lài, trầm hương…

Đầu tiên ông đào hố trồng cây tre, trồng mây tắt, dứa lấy ngắn nuôi dài. Tiếp đó ông bắt đầu khai hoang, quy hoạch lập trang trại để trồng rừng tự nhiên và cây ăn quả. Kế hoạch có vẻ dễ nhưng với một người chỉ còn nửa thân hình như ông, làm được việc đó quả là kỳ công. Ông bảo: “Kỳ công không có nghĩa không làm được. Người ta cố gắng một thì tui phải cố gắng mười… Còn một tay thì mần răng mà cầm được cuốc, mần răng cuốc được đất. Loay hoay mãi tui khám phá chiêu dùng dây buộc vào cán cuốc lòng vào cổ rồi dùng sức mạnh của nửa thân còn lại nhấc cuốc bổ đất thành hố trồng cây”…

Những ngày đầu chưa quen dây cứa vào cổ chảy máu thấm vai. Nhiều khi nghĩ quẩn, e bỏ cuộc nhưng ông vẫn quyết chí phấn đấu thoát nghèo, phấn đấu đưa vợ con ra khỏi danh sách đói nghèo của xã. Thế là ông phấn chấn, ông quai mình trên rừng từng ngày một, thời gian trôi đi một năm, mười năm rồi hai mươi năm, đến nay là 25 năm tròn ông Tiết làm chỉ mỗi một việc cuốc đất trồng cây, sắp cây thành rừng. Bây giờ ông sở hữu hàng hục héc ta rừng.

Tôi đã tẩn mẫn hỏi nhiều người về khu rừng của ông bao nhiêu héc ta, nhiều người bảo to, rộng, lớn, cán bộ xã bảo chưa đo đạc kỹ, chắc cũng phải vài hục héc ta, lúc khởi điểm chỉ là 3 héc ta, nay lại gấp mấy chục lần của 3 héc ta rồi, có anh nông dân tên Luận thấy tôi tỉ mẫn quá lại quát: “Việc không phải mấy chục hay mấy trăm héc ta mà việc ở chỗ anh thấy đấy, một người bị liệt nữa thân như thế, bán thân bất toại như thế mà dám sống được, dám cày bừa được, dám trồng cả rừng, dám làm mọi thứ tốt đẹp chỉ bằng một nửa thân người thì tài rồi. Anh lành lặn thế có mần được không?”. Giật mình nghĩ lại, con người lành lặn như tôi đã mấy chục năm làm người rồi mà chưa “mần” được chi nên cơm nên cháo…

Bây giờ, ông Tiết đã trở thành một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Ngoài khu rừng nhiều loại cây gỗ, ông còn có hàng trăm gốc tiêu, hàng trăm bụi mây tắt, hàng trăm gốc cây ăn quả các loại, rồi trâu bò, heo gà của ông cũng đề huề nhất làng. Mỗi năm ông có của để dành hơn 20 triệu. Với người miền núi rẻo cao, đó là một tài sản lớn.

Cuộc sống dựng được trên nửa thân người, trụ vững trên nửa hình nhân như ông là một kỳ công. Chính vì thế mà Trung ương hội làm vườn Việt Nam đã quyết định tặng ông bằng khen vì thành tích làm vườn giỏi, nghe đâu sắp đến người ta lại truy phong ông về thành tích báo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường. Đúng là ông làm được nhiều việc thật. Chỉ một nửa thân người thôi mà ông dựng được cả cuộc sống ấm no.