Việt Nam – Campuchia: Hợp tác bảo tồn sinh cảnh nam Trường Sơn

ThienNhien.Net – Cần xử lý nghiêm minh hơn các hành vi săn bắn động vật hoang dã và các hoạt động vi phạm đến đa dạng sinh học, vùng sinh cảnh tại các sườn phía nam Trường Sơn là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội thảo hợp tác về bảo tồn đa dạng sinh học vùng sinh cảnh sườn phía nam dãy Trường Sơn, vừa được tổ chức tại thị xã Đồng Xoài.

Hội thảo do Cơ quan kiểm lâm vùng III phối hợp Viện sinh thái học miền Nam và Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã tổ chức, với sự tham dự của đại diện Bộ Nông nghiệp hai nước Việt Nam và Campuchia cùng đại diện các sở, ngành hữu quan hai tỉnh Bình Phước, Đắk Nông.

Sườn phía nam dãy Trường Sơn được bao phủ bởi vùng rừng trải rộng từ Vườn quốc gia Bù Gia Mập (thuộc huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) đến huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông với tổng diện tích trên 26.000 ha. Khu vực này tiếp giáp với rừng phòng hộ Seima, nằm giữa các tỉnh Mondulkiri và Kratíe ở Campuchia. Rừng phòng hộ Seima là nơi trú ẩn của nhiều loài động vật nguy cấp và quý hiếm như: voi, bò tót rừng, chà vá chân đen, cùng nhiều loài vượn khác.

Hiện nay, vùng cảnh quan này đang bị đe dọa bởi nạn săn bắn, buôn bán trái phép động vật hoang dã và phân cắt sinh cảnh. Việc ngăn chặn và quản lý những mối nguy cơ này là vô cùng cần thiết, đòi hỏi cần có sự hợp tác, hỗ trợ giữa các cơ quan chính quyền địa phương cả hai nước Việt Nam và Campuchia. Cũng như Khu bảo tồn Seima, Vườn quốc gia Bù Gia Mập là nơi có hệ sinh thái đa dạng cần được quản lý tốt hơn.

Hội thảo đi sâu phân tích, đánh giá các giá trị đa dạng sinh học và những mối đe dọa ở khu vực sườn phía nam dãy Trường Sơn; đề cập đến công tác thực thi pháp luật của hai nước trong việc xử lý các hành vi vi phạm lâm luật nói chung, săn bắn động vật hoang dã nói riêng. Phần lớn các ý kiến đều cho rằng, cần xử lý nghiêm minh hơn các hành vi săn bắn động vật hoang dã và các hoạt động vi phạm đến đa dạng sinh học. Hội thảo cũng nhấn mạnh đến lương tâm, trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ rừng cũng như các hộ dân sống ở khu vực vùng đệm. Bên cạnh đó là những bất cập, khó khăn trong việc phối hợp thực hiện bảo vệ rừng trong thời gian qua của Vườn quốc gia Bù Gia Mập và khu bảo tồn Seima.

Hội thảo cũng thảo luận về biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp giữa Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  Việt Nam) và Cơ quan Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp – Lâm nghiệp – Thủy sản Campuchia). Đây là bước khởi đầu hướng tới việc hợp tác bảo tồn đa dạng sinh học giữa các cơ quan, chính quyền địa phương cả hai nước để bảo tồn môi trường sống chung của nhiều loài động vật và giảm nguy cơ tuyệt chủng của một số loài nguy cấp, quý hiếm.