Chảy máu cát trắng – Kỳ 1

Kỳ 1: Lợi nhuận và lợi dụng

ThienNhien.Net – Vùng đất Quảng Nam một sương hai nắng nhưng lại được thiên nhiên ban cho nguồn tài nguyên vô giá là cát trắng. Được ví như vựa cát khổng lồ, Quảng Nam có 5 huyện/thành phố thuộc khu vực dự trữ khoáng sản cát trắng với trữ lượng vào khoảng 250 triệu tấn. Thế nhưng, nguồn tài nguyên này vẫn ngày đêm bị đào khoét không thương tiếc trước sự bất lực của chính quyền địa phương. Nói không ngoa, nguồn tài nguyên cát trắng đang ngày đêm rỉ máu.

Không phải đến nay nạn khai thác cát trắng mới trở nên nhức nhối đáng báo động mà hàng chục năm qua, cát trắng đã bị khai thác một cách vô tội vạ trong khi những biện pháp chấn chỉnh của chính quyền địa phương chỉ theo đợt, hời hợt hoặc không có hiệu quả.

Con đường ven biển chạy dài từ H. Thăng Bình tới TP Tam Kỳ được ví là con đường cát trắng với những bãi cát mịn màng giờ đây bị hằn những dấu vết bánh xe tải ngang dọc. Hàng đêm, hàng chục chiếc xe đào bới không thương tiếc những ụ cát này, dấu vết để lại vẫn còn rất mới để rồi buổi sáng người ta chỉ còn thấy những vực sâu hoắm 5-7m. Hàng chục năm nay cát trắng đã bị lấy đi như thế để tiêu thụ khắp nơi mà không có cách gì ngăn chặn.

Cát trắng bị khai thác kiểu tận diệt ở Tam Thăng. (Ảnh: Báo Công an TP Đà Nẵng)
Cát trắng bị khai thác kiểu tận diệt ở Tam Thăng. (Ảnh: Báo Công an TP Đà Nẵng)

Bà Sáu (65 tuổi) ở vùng cát Thăng Bình cho biết: “Nhiều xe ra vô quá rồi chừ cũng không biết ai vô ai ra. Cát thì cứ vô tư lấy đi rứa đó. Lấy mãi tới hồi nào không còn chi lấy nữa thôi. Cát lấy đi rồi để lại những hục nước lớn rất nguy hiểm. Đã từng có trường hợp trâu bò của người dân nơi đây chăn thả bị rơi xuống hục nước chết”.

Điều đáng nói là việc khai thác cát một cách vô tội vạ còn khiến cho tuyến đường phòng hộ ven biển bị ảnh hưởng nặng nề. Ngày 30-10 vừa qua, tổ công tác thuộc CATP Tam Kỳ đã phục kích bắt quả tang 4 xe tải chở cát với tổng số cát là 11m3.

Không chỉ bị “cát tặc” xâu xé mà những bãi cát này còn là địa bàn hoạt động của rất nhiều doanh nghiệp. Cát trắng được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài để dùng làm thủy tinh thu được lợi nhuận rất lớn. Ham lợi nhuận, lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương, nhiều doanh nghiệp đã cố tình khai thác vượt mức cho phép gây thất thu thuế cho Nhà nước và ảnh hưởng đến tài nguyên quốc gia. Còn nhớ năm 2009, trong quá trình khai thác cát ở xã Bình Phục và Bình Giang (H. Thăng Bình), Cty CP kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam (Minco) đã lợi dụng giấy phép để khai thác trái phép vượt công suất từ 180 nghìn tấn/năm thành 243.803 tấn/năm. Không chỉ vậy, Cty không hoàn thổ và hoàn thổ chưa đạt yêu cầu 23ha, không lập báo cáo tác động môi trường. UBND huyện đã kiến nghị đình chỉ hoạt động đối với Minco và xử phạt hành vi vi phạm, truy thu số tiền thất thoát.

Những hố nước hình thành sau khi khai thác cát. (Ảnh: Báo Công an TP Đà Nẵng)
Những hố nước hình thành sau khi khai thác cát. (Ảnh: Báo Công an TP Đà Nẵng)

Năm 2008, UBND tỉnh Quảng Nam có Quyết định số 4133 cho phép Cty Vicosimex miền Trung được khai thác cát tại mỏ cát Thuận An (Tam Anh Bắc, Núi Thành) với trữ lượng 7.755m3. Tuy nhiên, Cty này đã cố tình khai thác vượt mức và không đưa vào sổ sách khối lượng 10.565m3. Tổng giá trị mà Vicosimex miền Trung không nộp thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường là 104 triệu đồng.

Trường hợp vi phạm của Cty Minco và Vicosimex miền Trung chỉ là một trong số những doanh nghiệp lợi dụng giấy phép khai thác cát để khai thác vượt mức. Điểm lại trong những năm qua đã có hàng chục vụ khai thác lén lút, vượt mức làm thất thu của Nhà nước hàng tỷ đồng và làm cho nguồn tài nguyên suy kiệt. Rất nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn nhưng vẫn ngang nhiên bất chấp quy định khai thác theo kiểu “tận diệt”, lấy được chừng nào thì lấy, chỉ khi sự việc đã rồi mới tiến hành khắc phục. Không chỉ có doanh nghiệp cố tình khai thác vượt số lượng cho phép mà còn có cả doanh nghiệp chưa được cấp phép hoặc giấy phép hết hạn vẫn “nỗ lực” đào xới. Tiền có thể truy thu được nhưng lượng khoáng sản đã mất vĩnh viễn không thể phục hồi. Việc khai thác cát trắng một cách vô tội vạ đã đến hồi báo động nhưng tại sao tình trạng trên vẫn chưa thể chấm dứt? Tại những mỏ cát không khó để nhận thấy nhưng việc kiểm tra, quản lý tại địa phương vẫn chưa thực sự rốt ráo hay chỉ làm theo đợt, theo mùa và vẫn còn những lỗ hổng để cát tặc lợi dụng?

Trước thực tế như vậy, câu hỏi đặt ra rằng làm thế nào để có thể quản lý, khai thác cát hiệu quả và chặt chẽ trong khi chính những Cty được cấp giấy khai thác lại cố tình khai thác vượt mức nhiều lần. Nếu tiếp tục tình trạng này sớm muộn mỏ “vàng trắng” của Quảng Nam sẽ cạn kiệt bởi chính bàn tay con người.