Quá ít người dân biết tác hại của tấm lợp amiăng

ThienNhien.Net – Chưa đầy 5% người dân tại Việt Nam được hỏi từng nghe nói về sự độc hại của amiăng đối với sức khỏe và môi trường, theo một khảo sát vừa được công bố.

Khảo sát do Trung tâm Tổ chức phi chính phủ (NGO-IC) và Nhóm Vận động, Thúc đẩy, Phát triển Chính sách Y tế (EBHPD) tiến hành đối với 300 hộ dân thuộc địa bàn các tỉnh Yên Bái và Thanh Hóa trong tháng 11 vừa qua.

Người dân còn biết quá ít về tác hại của tấm lợp fibro ximang có chứa amiăng. (Ảnh: VietnamNet)
Người dân còn biết quá ít về tác hại của tấm lợp fibro ximang có chứa amiăng. (Ảnh: VietnamNet)

Khảo sát cho thấy, 85% số hộ được khảo sát sử dụng tấm lợp fibro ximang có chứa amiăng trong đó, gần 50% số hộ dân sử dụng tấm lợp này để lợp nhà.

Có khoảng 35% số người dân được hỏi có nghe thông tin về amiăng, tuy nhiên, chỉ có 23,6% số người dân nghe biết rằng, amiăng có trong tấm lợp fibro ximang đang mà họ đang sử dụng.

Tỉ lệ người biết về sự độc hại của amiăng đối với sức khỏe và môi trường còn ít hơn, chỉ chiếm 4,7%. Trong khi đó, dân chúng gần như không hề biết thế giới đã cấm sử dụng amiăng trắng.

“Chỉ 1,3% số người được hỏi từng nghe nói về việc thế giới đã cấm sử dụng amiăng trắng”, báo cáo cho hay.

“Thông tin không đầy đủ cho người dân về tác hại của amiăng tới sức khoẻ, không cho người dân biết amiăng có trong tấm lợp fibroximang là yếu tố dẫn tới sự phổ biến tấm lợp trong cộng đồng trong thời gian vừa qua”, TS Trần Tuấn, nhóm EBHPD, người trực tiếp tham gia đợt khảo sát khẳng định.

TS Tuấn cũng cho hay, khi người dân được cung cấp thông tin đầy đủ về tác hại của amiăng, họ sẵn sàng chấp nhận thay đổi sang vật liệu không amiăng.

Theo kết quả khảo sát, có tới hai phần ba số hộ đang sử dụng tấm lợp khẳng định họ sẽ thay bằng vật liệu khác khi tiến hành sữa chữa hoặc xây mới.

Hình thức hỗ trợ người dân vay vốn chuyển đổi sang vật liệu không amiăng là phương án cần nghiên cứu để góp phần chấm dứt sử dụng tấm lợp amiăng trong cộng đồng dân nghèo”, TS Tuấn khẳng định.

Cần chính sách nhất quán

Khảo sát của NGO-IC và EBHPD cũng cho thấy, các cơ sở sản xuất tấm lợp amiăng hiện tại đã sẵn sàng cho việc chuyển đổi sang sản xuất tấm lợp không amiăng an toàn hoặc chuyển sang sản xuất các sản phẩm khác.

Khảo sát cho thấy, thị trường tấm lợp amiăng trong vòng 4-6 tháng qua của các nhà máy tấm lợp đều sụt giảm từ 30-50% do người dân bắt đầu nhận thức được sự độc hại của amiăng trong tấm lợp.

Trước tình hình này, các doanh nghiệp đều đã có chiến lược hoặc đã chuyển đổi sang sản xuất tấm lợp không amiăng hoặc đa dạng hóa sản phẩm.

Chẳng hạn, các Công ty Tân Thuận Cường (Tứ Kỳ, Hải Dương) và Công ty Nam Việt (TP. HCM) đều đã chuyển đổi thành công sang dây chuyền sản xuất tấm lợp không amiăng do Viện Công nghệ, Bộ Công thương nghiên cứu và phát triển. Sản phẩm tại hai công ty này đều đã xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Ai Cập và mới đây nhất là Ấn Độ.

Tại Nhà máy Tấm lợp Gang thép thuộc Công ty CP Cơ điện Luyện kim Thái Nguyên, lãnh đạo nhà máy cũng đã có kế hoạch thanh lý các dây chuyền sản xuất tấm lợp, co gọn sản xuất để đầu tư dây chuyền sản xuất ngói màu xi măng sử dụng sợi PVA với trị giá lên tới 13 tỷ đồng.

“Hiện tại, các doanh nghiệp đều đã sẵn sàng chuyển đổi sang sản xuất tấm lợp không amiăng, tuy nhiên, mong muốn chung của doanh nghiệp là Nhà nước cần có chính sách nhất quán trong vấn đề amiăng, không để xảy ra tình trạng thay đổi liên tục giữa việc cấm và không cấm như những năm vừa qua”, BS Đỗ Thị Vân, thuộc Trung tâm NGO-IC nói.

Thành lập Mạng lưới vận động cấm sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam (Vn-BAN)Tại hội thảo “Chung tay xây dựng lộ trình cấm sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam” được tổ chức ngày 27/11, NGO-IC và EBPHD đưa kiến nghị thành lập Mạng lưới vận động cấm sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam (Vn-BAN). Hội thảo cũng đưa ra đề xuất quy chế thành lập và hoạt động của Vn-BAN.Theo đó, Vn-BAN sẽ là đại diện cho tiếng nói khoa học từ các tổ chức độc lâp, phi lợi nhuận, phản ánh khách quan thực tế nhằm hướng tới mục tiêu cấm sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam trước năm 2020 theo khuyến cáo của WHO và ILO.