Kon Tum: Phát hiện những vụ phá rừng quy mô lớn

Những vụ phá rừng có quy mô lớn với số lượng lên tới hàng trăm m3 gỗ vừa bị Phóng viên Kiểm sát online phát hiện trên địa bàn các huyện Sa Thầy, Ia H’Drai và Đắk Glei thuộc tỉnh Kon Tum

Sau nhiều ngày theo dõi, thu thập, bất chấp những hiểm nguy có thể ảnh hưởng đến tính mạng, phóng viên (PV) Kiểm sát online đã thu thập được những hình ảnh gỗ rừng bị cắt hạ và tập kết với số lượng lớn ở sâu hàng chục km đường rừng để có thể tiếp cận được khu vực rừng bị đốn hạ.

Gỗ đã được xẻ miếng tập kết trong rừng thuộc xã Ia Dom huyện Ia H’Drai.

Sau hơn 4 giờ đồng hồ băng rừng, PV đã tiếp cận được bãi tập kết gỗ, trước mắt PV là ngổn ngang những cây gỗ bị đốn hạ không thương tiếc nằm la liệt; những cây gỗ cổ thụ có đường kính vài người ôm, cao 20 đến 30m ước đến hàng trăm năm tuổi bị cắt hạ, cưa xẻ thành hộp.

Gỗ đã được cắt , bổ vuông vắn tại khu vực xã Mo Ray huyện Sa Thầy.

Để tìm hiểu tiếp, nhóm PV đã di chuyển tới khu vực rừng thuộc xã Mo Ray, huyện Sa Thầy; sau khoảng 3 giờ đi bộ để băng rừng theo đường mòn, PV đã lên được bãi gỗ. Một cảnh tượng xót xa hiện lên trước mắt PV khi chứng kiến những cây gỗ quý như gỗ Dổi, Pơ-mu nằm ngổn ngang trên rừng, dưới suối chờ vận chuyển ra ngoài đưa đi tiêu thụ (?).

Gỗ Dổi, Pơ-mu… tại khu vực rừng phòng hộ Đắk Glei.

Tại khu vực rừng phòng hộ thuộc xã Đắk Long, huyện Đắk Glei cũng tương tự với thảm cảnh cây rừng bị đốn hạ, gỗ đã bị xẻ thành từng tấm xếp ngay ngắn. Để vào được tới vị trí rừng bị chặt phá này, PV đã phải vượt qua 20km đường rừng để tận mắt chứng kiến những cây gỗ Thông, gỗ Dổi, Gõ, Gáo… nhiều năm tuổi bị cắt đổ ngổn ngang.

Điều đáng nói, những “công trường” đốn, cắt, xẻ gỗ đều nằm trong những khu vực thuộc rừng phòng hộ và được trông coi quản lý nghiêm ngặt (?). Trách nhiệm của chủ rừng, của các cơ quan quản lý ra sao khi để xảy ra tình trạng như vậy?

Đề nghị các cơ quan ban, ngành của tỉnh Kon Tum cần khẩn trương vào cuộc để kiểm tra, xử lý; chấm dứt ngay tình trạng phá rừng nghiêm trọng trên!