Mô hình giao đất, giao rừng ở Quế Phong

ThienNhien.Net – Huyện Quế Phong (Nghệ An) là huyện giáp tỉnh Hủa Phăn (Lào), có hơn 73 km đường biên giới Việt Nam – Lào. Trong những năm gần đây, huyện được UBND tỉnh đánh giá là điểm sáng về mô hình giao đất, giao rừng, xây dựng nông thôn mới và phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc ở vùng biên.

Xóa đói, giảm nghèo từ giao đất, giao rừng

Chúng tôi lên Hạnh Dịch là xã biên giới của tỉnh Nghệ An, gặp già làng Vi Ðình Văn, nay hơn 80 tuổi, người dân tộc Thái ở bản Chiếng. Già nói: “Từ xưa đến nay, rừng và đất rừng là không gian sinh tồn của người Thái, huyện Quế Phong nói chung, xã Hạnh Dịch nói riêng. Người Thái quan niệm rằng: “Sống rừng nuôi, chết rừng chôn” cho nên cộng đồng người Thái rất quý trọng rừng, sống thân thiện với rừng”. Ngoài ý nghĩa về tâm linh và văn hóa, rừng còn đóng vai trò bảo vệ, nuôi dưỡng nương, ruộng, ao cá và chăn nuôi gia súc; nơi lấy thuốc, thu hái măng, củi, gỗ làm nhà ở và chuồng trại… Từ khi có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Nhà nước, đồng bào ổn định sinh kế, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho bà con sản xuất phát triển kinh tế từ rừng.

Chủ tịch UBND xã Hạnh Dịch Lương Tiến Lê cho biết: Xã biên giới Hạnh Dịch có 95% số dân là người Thái, bà con đoàn kết cùng nhau làm kinh tế và bảo vệ rừng. Từ khi giao đất, giao rừng cho cộng đồng và người dân, xã Hạnh Dịch phát triển kinh tế, nhiều hộ dân còn mở thêm dịch vụ mua bán nông sản, trao đổi hàng hóa, mua thuốc chữa bệnh, mua giống nông sản… giữa các bản, làng quanh vùng. Từ năm 2012 đến nay, huyện Quế Phong đã phối hợp Viện Nghiên cứu Sinh thái chính sách xã hội (Viện SPERI), UBND xã Hạnh Dịch, Hạt kiểm lâm huyện cùng các cơ quan, đơn vị tiến hành giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho năm cộng đồng bản. Ðó là bản Pỏm Om với 426,52 ha; bản Khốm, Pà Cọ, Pà Kỉm với 130,68 ha, bản Chiếng với 56,45 ha.

Người dân bản Pỏm Om, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong (Nghệ An) trao đổi kinh nghiệm chăm sóc và bảo vệ rừng (Ảnh: Nhân Dân)
Người dân bản Pỏm Om, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong (Nghệ An) trao đổi kinh nghiệm chăm sóc và bảo vệ rừng (Ảnh: Nhân Dân)

Ông Kim Văn Dân, dân tộc Thái, là già bản Pà Cọ, xã Hạnh Dịch chia sẻ: Trước đây đời sống của người Thái khổ lắm, chỉ biết trồng cây thuốc phiện, vào rừng khai thác gỗ để bán và đổi lấy muối ăn, dầu thắp sáng, gieo trồng thì lấy cây rừng vót nhọn chọc lỗ để tra hạt, cho nên bà con trong bản thường xuyên bị mất mùa, đời sống đói khổ. Bây giờ, nhờ có Ðảng, Chính phủ quan tâm giao đất, giao rừng, làm đường giao thông, kéo điện về tận bản, đồng bào mừng lắm. Bây giờ, nhà nào cũng được xem ti-vi, nghe đài; xã có lớp học từ mẫu giáo đến tiểu học, THCS; Trạm y tế bản có nhân viên chăm sóc sức khỏe cho bà con. Ðến nay, người Thái chúng tôi không còn lạc hậu nữa, nhà nào cũng đủ ăn, có xe máy, nhiều nhà có xe tải nhỏ chở ngô, thóc ra tận huyện bán lấy tiền mua sắm cho gia đình. Cả bản có 100 con trâu, bò và nhiều gia súc, gia cầm lắm, không chỉ phục vụ cày kéo mà còn để bán và cung cấp giống cho các bản quanh vùng.

Bí thư Chi bộ bản Pỏm Om Lô Cẩm Xuyên cho biết, nay bà con ở bản Pỏm Om ấm no, hạnh phúc là được nhận đất, nhận rừng sản xuất. Ngoài ra, Chi bộ còn phân công mỗi đảng viên giúp một hộ nghèo, đồng thời tuyên truyền bà con trong bản thực hiện tốt Quy chế biên giới. Ngoài việc thành lập các cụm liên gia tự quản đường biên, mốc giới, chi bộ còn giao cho lực lượng thanh niên, dân quân của bản thường xuyên phối hợp Bộ đội Biên phòng xã Hạnh Dịch bảo vệ rừng và tham gia giữ gìn an ninh trật tự vùng biên giới. Từ khi được giao đất, giao rừng, mọi người dân trong cộng đồng bản có ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ và phát triển rừng.

Trách nhiệm của người đứng đầu

Bí thư Chi bộ bản Pỏm Om kiến nghị, các cơ quan chức năng cần vào cuộc giải quyết giúp đồng bào Thái bị Nông trường cao-su Quế Phong lấn chiếm đất rừng đã giao cho cộng đồng bản Pỏm Om và Pà Cọ tại TK82. Cộng đồng bản Pỏm Om được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 30-7-2012 với diện tích 426,52 ha. Tháng 3-2013, Nông trường cao-su Quế Phong, thuộc Công ty cổ phần Ðầu tư phát triển cao-su Nghệ An đã lấn sang diện tích 1,17 ha và sau đó tiếp tục lấn thêm diện tích lên tới 7,6 ha. Không chỉ lấn đất, Nông trường cao-su Quế Phong còn dùng thuốc hóa học phun để bảo vệ cây cao-su non, làm chết hàng loạt cây bản địa mà người dân đang ươm, trồng và gây ô nhiễm đầu nguồn nước sinh hoạt của các bản. Mặc dù UBND huyện và UBND xã Hạnh Dịch đã có các văn bản chỉ đạo giải quyết việc Nông trường cao-su lấn đất của cộng đồng bản Pỏm Om và Pà Cọ, nhưng Nông trường cao-su Quế Phong vẫn không chấp hành và làm ngơ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong Lang Văn Minh cho biết: “Ðể công tác quản lý rừng và đất rừng hiệu quả, Chính phủ đã ban hành Nghị định 163 về giao đất, thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp. Ðối với việc Nông trường cao-su Quế Phong cố tình lấn chiếm đất đai của bản Pỏm Om, Pà Cọ, UBND huyện đã có công văn chỉ đạo các ban, ngành chức năng phối hợp với UBND xã Hạnh Dịch xử lý dứt điểm để người dân yên tâm sản xuất, quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên mà họ được giao. Ðáng chú ý, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các cấp cần có những chính sách ưu tiên, hỗ trợ phát triển nghề rừng cho vùng dân tộc và miền núi, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo bền vững cho bà con dân tộc Thái nói riêng và vùng biên giới Quế Phong nói chung.