“Lâm tặc” trồng… rừng!

ThienNhien.Net – Nạn phá rừng đã khiến cho các cấp chính quyền phải nhức nhối, đau đầu tìm các biện pháp xử lý. Thế nhưng vài năm trở lại đây ở xã Thái Thủy, H. Lệ Thủy (Quảng Bình) cũng chính “lâm tặc” đã trồng rừng phủ xanh đồi trọc, đi lên làm giàu từ những cái cây do chính mình trồng ra.

Tàn phá rừng kinh hoàng

Xã Thái Thủy có diện tích tự nhiên 5.580 ha, phần lớn là đất đồi núi khô cằn không thích hợp cho việc trồng lúa. Xã có 1.192 hộ với 5.500 khẩu. Do đất đai không phù hợp trồng lúa nên đời sống của người dân nơi đây vô cùng khó khăn. “Đói ăn vụng túng làm liều” đó là lý do khách quan dẫn đến tình trạng cả xã hầu hết ai cũng lên rừng đốn gỗ về đem bán đổi lấy miếng cơm manh áo. Đây cũng là điểm khởi nguồn cho xã nổi tiếng khắp tỉnh về độ tàn phá rừng. Không kể cây lớn, cây bé, người dân đều chặt phá vì thế hàng ngàn héc-ta rừng nhanh chóng trơ trọi, trong đó có một số cánh rừng nguyên sinh bị tiêu diệt trắng. Bình quân mỗi ngày có khoảng 1 ha rừng bị chặt phá. Người dân ở đây đi phá rừng không phải để làm giàu mà là vì miếng ăn hằng ngày nên khi bị lực lượng kiểm lâm, chủ rừng truy quét, họ chống đối rất quyết liệt.

Ông Phạm Văn Hồng, Phó chủ tịch UBND xã Thái Thủy nhớ lại: “Do thiếu đất canh tác, đời sống nhân dân khó khăn, lại giáp với dãy Trường Sơn nên vì miếng cơm manh áo hồi xưa người dân trong toàn xã đều lên rừng đốn gỗ về bán lo cho cuộc sống gia đình mình. Biết là sai với chủ trương của Nhà nước, nhưng không có cách mưu sinh nào khác ngoài việc dựa vô rừng nên người dân cũng cố tình làm ngơ trước những việc mình làm…”.

Ở Thái Thủy cách đây vài chục năm, mỗi gia đình trong xã đều có ít nhất một con trâu mộng để kéo gỗ. Rừng cũng toàn là gỗ quý hiếm như lim, gõ… Vậy mà dựa vào rừng, đời sống của người dân vẫn không được cải thiện là bao, chỉ làm giàu cho một số đầu nậu gỗ từ các vùng khác đến thu mua. Có nhiều người vào rừng bị ngã nước, sốt rét ác tính đành nằm lại với rừng xanh. Cái khó lại chồng lên  cái khó lên đời sống của nhân dân nơi đây.

Lâm tặc trở thành “vua trồng rừng”

Không ai có thể nghĩ được rằng chuyện phá rừng ở xã Thái Thủy có ngày lại chấm dứt, và đáng vui hơn chính những “lâm tặc” trước đây chỉ chuyên đốn hạ rừng lại trở thành những ông “vua trồng rừng” có tiếng trong xã.

Một quả đồi ở xã Thái Thủy (H. Lệ Thủy) được phủ xanh bởi bàn tay của những người dân từng là “lâm tặc” (Ảnh: Báo Công an TP. Đà Nẵng)
Một quả đồi ở xã Thái Thủy (H. Lệ Thủy) được phủ xanh bởi bàn tay của những người dân từng là “lâm tặc” (Ảnh: Báo Công an TP. Đà Nẵng)

Khi thấy rừng ngày càng cạn kiệt, làm cách nào cũng không ngăn cản được nhân dân phá rừng, chính quyền các cấp của tỉnh Quảng Bình đã ngày đêm suy nghĩ phương cách nhằm giải quyết vấn đề nhức nhối do nạn phá rừng gây ra, đồng thời tìm sự giải thoát cho cái cảnh sống nghèo khổ cho người dân nơi đây. Phương pháp duy nhất và tốt nhất vẫn là rừng, song theo chiều hướng ngược lại: nuôi rừng. Bởi chỉ có rừng mới nuôi sống được họ và chính lâm tặc lại về trồng rừng, bám rừng mà sống.

Ông Nguyễn Quang Năm, Chủ tịch UBND H. Lệ Thủy phân tích: “Đứng trước vấn nạn phá rừng, đời sống người dân vô cùng khó khăn. Chúng tôi trăn trở ngày đêm, tìm mọi biện pháp nhằm xóa bỏ hẳn vấn nạn đau đầu này. May mắn đã đến đó là dự án trồng rừng Việt – Đức đã đến với vùng quê này. Từ dự án này, vấn nạn phá rừng được giải quyết triệt để, đời sống nhân dân ngày càng dần ổn định, khấm khá”.

Từ khi có dự án trồng rừng Việt – Đức, người dân nơi đây tự ra sức khai phá những vùng đồi hoang biến nó  thành đất canh tác trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như cây keo, tràm. Sau thời gian 5 năm thu hoạch, mọi nguyên liệu trên được dự án mua lại trả tiền cho người dân sau khi trừ đi chi phí mà dự án chi ra ban đầu. Đồng thời, qua kiểm tra thực địa của từng hộ gia đình để quyết định đầu tư cho kế hoạch trồng tiếp theo…

Một lâm tặc nổi tiếng của xã, từng cầm đầu một nhóm khoảng 15 – 20 người, nay nổi lên là một điển hình trồng rừng và thoát nghèo đi lên làm giàu từ nghề này, được mệnh danh là “vua trồng rừng” với diện tích trồng lên đến 30 ha. Đó là anh Trần Văn Trạng. Anh Trạng tâm sự: “Làm nghề rừng mấy chục năm, nhưng có để lại được đồng nào mô. Cái nghèo vẫn cứ bám riết lấy mình. May nhờ có dự án này nên tui và gia đình mới thoát nghèo, hồi đầu mới từ bỏ nghề đi rừng và lên đồi phát hoang trồng rừng ai ai trong xã cũng bảo tui là thằng điên”. Anh Trạng cho biết thêm, với 30 ha rừng đang trồng nếu thời tiết thuận lợi, thì sau 5 năm trừ đi tất cả chi phí như thuê nhân công, phân bón thì gia đình anh thu về ít nhất là 1 tỷ đồng lợi nhuận.

Cả xã Thái Thủy hiện có diện tích đất tự nhiên 5.580 ha, trong đó có 3.700 ha rừng trồng. Ngoài trồng rừng, các hộ dân nơi đây còn được hướng dẫn trồng cây nén. Với một sào nén thu hoạch đem về thu nhập cho bà con khoảng 15 – 20 triệu đồng, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Hiện tại toàn xã, nhà nào ít cũng có vài ba héc-ta rừng trồng, điển hình như nhà ông Lê Văn Thế (thôn Minh Tiến), ông Võ Công Xướng (thôn Nam Thái) có hơn 50 ha rừng trồng. Hai ông cũng một thời vác rìu lên rừng đốn gỗ. Họ còn biết kết hợp giữa trồng rừng và chăn thả đàn trâu, bò nhằm tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Trước khi chia tay chính quyền và người dân nơi đây, chúng tôi có một niềm vui khó tả, mảnh đất xưa kia chỉ là đồi trọc, cằn cỗi nay đã được phủ một màu xanh bạt ngàn, màu xanh của bao hy vọng đổi mới trên quê hương của những lâm tặc đang chuộc lại lỗi lầm mà mình đã gây ra nhằm trả nợ đời, trả nợ cho rừng.