Indonesia trở thành quốc gia tuân thủ EITI đầu tiên ở Đông Nam Á

ThienNhien.Net – Indonesia vừa chính thức được Hội đồng Sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác (EITI) công nhận trở thành quốc gia tuân thủ EITI sau ba năm thực thi sáng kiến. Quyết định này được đưa ra tại cuộc họp Hội đồng EITI Quốc tế lần thứ 28 diễn ra tuần trước tại Naypitaw, Myanmar.

Nghị định số 26 năm 2010 về Minh bạch ngân sách Nhà nước và địa phương trong ngành công nghiệp khai khoáng là khung pháp lý để thực thi EITI ở Indonesia. Sau ba năm ở vị trí ứng viên (từ tháng 10/ 2010), Indonesia đã chính thức trở thành quốc gia tuân thủ EITI thứ 31 trong tổng số 48 quốc gia hiện đăng ký tham gia EITI. Với kết quả này, Indonesia trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên được công nhận là quốc gia tuân thủ EITI.

Khai thác khoáng sản ở Indonesia (Ảnh: dominik-photography.com)
Khai thác khoáng sản ở Indonesia (Ảnh: dominik-photography.com)

Bà Maryati Abdullah, điều phối viên Chiến dịch Publish What You Pay (Công bố các khoản chi – PWYP) Indonesia bình luận: “Indonesia trở thành quốc gia tuân thủ EITI là thành tích đáng ghi nhận. EITI giúp ngăn chặn nạn tham nhũng trong lĩnh vực khai thác dầu mỏ, khí đốt và khoáng sản, đặc biệt là trong quá trình cấp phép và giám sát sản xuất. Tuy nhiên, Sáng kiến này chỉ thực sự phát huy tác dụng khi chính phủ và hội đồng các bên liên quan thường xuyên theo dõi các kết quả và đề xuất trong Báo cáo EITI của nước này”.

“Trở thành quốc gia tuân thủ EITI là nhân tố cốt lõi giúp chính phủ của tân Tổng thống Joko Widodo nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong ngành công nghiệp khai thác ở Indonesia nói riêng, cũng như các nước ASEAN nói chung. Cùng với Philippines và Myanmar, Indonesia có thể thúc đẩy để EITI trở thành công cụ giúp hài hòa hóa chính sách, nâng cao năng lực quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản, dầu mỏ và khí đốt trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN” – Ông Fabby Tumiwa, thành viên Hội đồng EITI Quốc tế kiêm Chủ tịch Hội đồng PWYP Indonesia nhận xét.

PWYP cũng khuyến khích Chính phủ Indonesia thực thi Sáng kiến EITI một cách nghiêm túc và nhất quán, đặc biệt là quy trình soạn thảo và ghi nhận doanh thu phải tuân theo Bộ Tiêu chuẩn EITI 2013. PWYP cũng kì vọng Báo cáo EITI của Indonesia công bố vào năm 2015 về tình hình hai năm tài khóa 2012 và 2013 có thể đánh giá tính minh bạch trong các hợp đồng dầu mỏ, khí đốt, khai thác khoáng sản và công khai dữ liệu về đối tượng hưởng lợi theo Bộ tiêu chuẩn EITI 2013.

“Indonesia cần nâng cao chất lượng Báo cáo EITI, củng cố đội ngũ lãnh đạo cũng như nguồn lực của Ban thư ký EITI Indonesia, khuyến khích truyền bá thông tin rộng rãi ở cấp địa phương, đặc biệt là các khu vực giàu tài nguyên, và giám sát những những thay đổi trong lĩnh vực khai khoáng, dầu mỏ và khí đốt để đảm bảo nguồn thu từ tài nguyên được sử dụng cho phúc lợi xã hội”– Bà Maryati Abdullah nhấn mạnh.

EITI là liên minh các chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức xã hội dân sự trên toàn cầu cùng nỗ lực nâng cao tính minh bạch nguồn thu và trách nhiệm giải trình trong ngành công nghiệp khai thác thông qua việc các công ty dầu mỏ, khí đốt, khai thác khoáng sản công khai thuế và các khoản thanh toán cho chính phủ. Hiện có 48 quốc gia đăng ký tham gia EITI, trong đó 31 quốc gia tuân thủ, 17 quốc gia ứng viên, có tới 80 công ty lớn về khai khoáng và dầu mỏ trên thế giới đều ủng hộ và tham gia sáng kiến EITI ở nhiều quốc gia trên thế giới.