Chuyện lạ ở rừng phòng hộ

ThienNhien.Net – Chuyện thật như đùa khi một cá nhân vào rừng phòng hộ lập cơ ngơi chiếm hàng chục héc-ta rừng suốt mấy chục năm qua. Và điều lạ là chính quyền còn cấp hộ khẩu cho ông này ở…rừng phòng hộ.

Dựng nhà giữa rừng

Từ trung tâm xã Tư (H. Đông Giang, Quảng Nam) đi khoảng 40 phút vào khu rừng phòng hộ đầu nguồn sông Vàng sẽ bắt gặp một căn nhà gỗ cùng các loại máy móc, ô-tô tải, tàu cuốc, ao cá… tọa lạc ngay giữa rừng. Những hàng rào thép gai được giăng ra để bảo vệ những vườn cây keo lá tràm. Đó là cơ ngơi của ông Vũ Văn Tam (quê ở H. Giao Thủy, Nam Định). Theo UBND H. Đông Giang, hiện ông Tam đang chiếm dụng đến hơn… 56ha đất, trong đó có hơn 11ha đất rừng phòng hộ, khoảng 45ha là các loại đất khác.

Ngày chúng tôi vào nhà ông Tam cũng đúng thời điểm lực lượng liên ngành gồm Công an và Kiểm lâm H. Đông Giang đang lập biên bản vi phạm vì đốt và san ủi gần 700m2 đất rừng phòng hộ. Người bị lập biên bản vi phạm hành chính là Đặng Công Tình (em vợ ông Tam). Khi PV đề nghị cho gặp ông Tam để làm việc nhưng người nhà nói ông đi vắng.

Cơ ngơi, xe cộ của gia đình ông Tam ở rừng thuộc thôn Láy, xã Tư (Ảnh: Công an TP. Đà Nẵng)
Cơ ngơi, xe cộ của gia đình ông Tam ở rừng thuộc thôn Láy, xã Tư (Ảnh: Công an TP. Đà Nẵng)

Theo ông Bùi Văn Thảo, Phó Phòng TN-MT H. Đông Giang, từ năm 1990, ông Tam vào khu vực rừng phòng hộ suối nước Trong (thốn Láy, xã Tư) để làm vàng sa khoáng, làm gỗ, buôn bán hàng hóa. Tháng 10-1993, khi có chủ trương đóng cửa rừng, các xí nghiệp lâm trường trên địa bàn đều phải rút ra khỏi rừng nhưng ông Tam vẫn không chịu di dời. Đến năm 2004, ông Tam làm đơn xin xác nhận có nhà ở, vườn hợp pháp hơn 1.000m2 tại rừng phòng hộ và được trưởng thôn, UBND xã Tư xác nhận sau đó được cơ quan chức năng cấp hộ khẩu.

Tiếp đó, ông Tam làm đơn xin san lấp mặt bằng trồng rừng với diện tích lên đến 30ha, thời gian xin mượn đất là 15 năm. “Ông ta làm đơn gửi lên UBND xã để xin san ủi đất rừng, nhưng xã chỉ phê là: Theo đơn trình bày của ông Tam là đúng, kính chuyển các ngành tạo điều kiện giúp đỡ, kính chuyển cấp liên quan giải quyết. Thay vì mang lên huyện, ông Tam đưa giấy vào rừng và xem như được cấp phép nên cứ thế làm, san ủi và đến nay diện tích là 56,4 ha”, ông Thảo cho biết.

Huyện nói lỗi là do xã

Khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn suối nước Trong từ nhiều năm qua là điểm nóng về khai thác vàng sa khoáng, rừng bị tàn phá nên H. Đông Giang đã nhiều lần truy quét nhưng vẫn không thể triệt tiêu được. Theo UBND H. Đông Giang, bản thân ông Tam, từ khi cư trú ở rừng thì phá rừng trồng cây, làm vàng, gỗ trái phép, buôn bán hàng hóa phục vụ các đối tượng làm lâm khoáng sản trái phép; phân chia đất để bán cho các đối tượng làm vàng. “Khi lực lượng truy quét vào, ông Tam lý luận rằng ông chỉ giữ đất còn việc làm vàng do nhiều đối tượng nên không thể chống lại được, chính quyền muốn thì vào mà giữ”, một  lãnh đạo H. Đông Giang cho biết.

Theo ông Bùi Văn Thảo, để xảy ra tình trạng này là do chính quyền cấp thôn, xã quản lý lỏng lẻo nên đã làm xác nhận và cấp hộ khẩu cho ông Tam trái quy định. Vì nơi cấp hộ khẩu của ông Tam không phải là khu dân cư mà là… rừng phòng hộ. Khi ông Tam san ủi hàng chục héc-ta đất rừng nhưng Kiểm lâm địa bàn buông lỏng quản lý dẫn đến việc bây giờ huyện khó khăn trong việc thu hồi đất rừng. Ông Đỗ Tài, Chủ tịch UBND H. Đông Giang cho biết, lực lượng liên ngành dùng máy định vị và đo được số diện tích ông Tam hiện đang sử dụng là 56,4 ha rừng phòng hộ. Trong đó, có 1.880m2 là hợp lệ, diện tích còn lại là bất hợp pháp.

Máy móc tập kết trên đất nhà ông Tam (Ảnh: Công an TP. Đà Nẵng)
Máy móc tập kết trên đất nhà ông Tam (Ảnh: Công an TP. Đà Nẵng)

Cũng theo UBND H. Đông Giang, trong quá trình cư trú trong rừng phòng hộ, ông Tam đã nhiều lần thực hiện những vi phạm hành chính, điển hình như tháng 8-2011, CAH Đông Giang xử phạt 8,5 triệu đồng, tịch thu 23 phuy dầu diesel vì kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Tháng 3-2012, Hạt Kiểm lâm huyện xử phạt 2 triệu đồng vì hành vi đưa phương tiện trái phép vào rừng phòng hộ. Tiếp đó, tháng 6-2014, lực lượng liên ngành đã truy quét các hộ buôn bán trong rừng mà thực chất là tiếp tế lương thực, nhiên liệu cho các đối tượng làm vàng và lâm tặc. Tuy nhiên, trong số 7-8 hộ thì chỉ còn mình ông Tam ở lại rừng. 3 tháng qua, H. Đông Giang cũng thành lập một tổ công tác do đích thân một phó chủ tịch huyện đóng chốt tại xã Tư để xử lý một số tình hình nổi lên tại thôn Láy. Tuy nhiên, việc để đưa ông Tam ra khỏi rừng phòng hộ cũng không phải chuyện dễ dàng.

Theo ông Tài, hiện H. Đông Giang đã xin ý kiến của Công an tỉnh Quảng Nam, Thanh tra tỉnh, cùng các sở, ngành về việc xử lý trường hợp ông Tam. Ông Tài cho hay: “Thường vụ huyện ủy đã họp và xác định phải giải quyết dứt điểm trường hợp của ông Tam. Không có chuyện một cá nhân nào có thể ôm cả chục héc-ta đất rừng mà tồn tại trong rừng phòng hộ như vậy được”. Ông Tài cho rằng, với diện tích 1.880m2 đất hợp lệ, với tài sản trên đất, huyện sẽ kiểm kê bồi thường. Còn với diện tích cây keo, chỗ nào thu hoạch được sẽ cho thu hoạch, chỗ nào cây còn nhỏ thì giao lại ban quản lý rừng chăm sóc, bảo vệ…

Liên quan đến trách nhiệm để cho một cá nhân “tự trị” giữa rừng phòng hộ, ông Tài cho rằng do sự nhập nhằng của lịch sử kéo dài qua các thời kỳ ở cấp xã. Lãnh đạo xã quản lý lỏng lẻo, hệ thống chính quyền yếu kém nên dẫn đến tình trạng trên. “Huyện đã xử lý cảnh cáo lãnh đạo xã Tư, đồng thời luân chuyển cán bộ từ huyện xuống làm lãnh đạo xã” – ông Tài cho hay.