Thâm nhập quy trình ‘xẻ thịt’ rừng đầu nguồn của lâm tặc (Kỳ II)

ThienNhien.Net – Lợi dụng địa hình hiểm trở và sự lơ là của lực lượng bảo vệ rừng, “lâm tặc” ồ ạt vào phân chia lãnh địa, “xẻ thịt” hàng loạt rừng đầu nguồn ở Đại Sơn (Quảng Nam).

Tại hiện trường rừng đầu nguồn ở Đại Sơn như khe cạn, khe lim, 9 đạn và Phượng Hoàng… cho thấy, việc phá rừng diễn ra ngang nhiên trong thời gian dài, nhưng các ngành chức năng không hề hay biết(!?)

Những khúc gỗ lớn được kéo ra tạo thành rãnh có độ sâu cả mét. (Ảnh: nguoiduatin.vn)
Những khúc gỗ lớn được kéo ra tạo thành rãnh có độ sâu cả mét. (Ảnh: nguoiduatin.vn)

“Ngụy trang” lán trồng dứa để… phá rừng?

Sau một đêm ngủ tại khu vực ngã ba khe Hoa, sáng 23/1, PV bắt đầu cuộc hành trình đột kích những điểm “nóng” về nạn lâm tặc hoành hành, tại các rừng thuộc xã Đại Sơn (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) trong nhiều năm qua.

Vượt qua quãng đường dài, băng qua hàng chục quả đồi trồng dứa dựng đứng nào là C1, D7, sau hơn 3 tiếng đánh vật với con đường đầy hiểm trở, cuối cùng PV cũng đến được cánh rừng đầu nguồn cạnh khe cạn.

Có mặt tại hiện trường, PV giật mình vì quy mô phá rừng ở đây: Dọc đường lên núi, “lâm tặc” đã phá đi hàng ngàn héc-ta rừng, sau đó họ phát quang trồng dứa, dựng lán trại, mở hẳn một con đường hơn 15 km để đưa xe ô tôvào tận nơi vận chuyển gỗ và dứa. Anh D. cho biết: “Ở đây rất nhiều “lâm tặc” ngang nhiên lập trại. Chúng ngụy trang bằng việc lập lán trồng dứa để vào rừng khai thác gỗ. Ngoài việc lấy nơi ăn nghỉ thì nơi đây còn là điểm trung chuyển và mua bán gỗ lậu được đưa từ trong rừng ra”.

Tiến sâu hơn theo những rãnh nước sâu hơn cả mét, do “lâm tặc” dùng trâu kéo gỗ tạo nên, lần lượt nhiều điểm khai thác gỗ hiện ra trước mắt PV. Rất nhiều thanh gỗ giẻ, dổi, gội và gõ, đường kính trên 300cm bị “lâm tặc” tàn sát, cắt xẻ vuông vắn vứt la liệt khắp nơi.

Đi dọc theo các con đường mòn có rất nhiều cây gỗ được đánh dấu bằng sơn đỏ và rất nhiều cây cọc nhỏ được cắm hai bên đường. Anh D. giải thích, rừng ở đây đã được các nhóm “lâm tặc” phân chia lãnh địa khai thác. Những cây đó giống như ranh giới, để báo hiệu cho các nhóm khác không xâm phạm và khai thác chồng lấn. Còn cây cọc nhỏ là vì ở đây có rất nhiều xai (dốc), “lâm tặc” dùng cây nhỏ cắm quanh đường để chuyển gỗ khỏi rơi xuống.

Sau hơn hai tiếng đột nhập vào căn cứ địa của “lâm tặc”, PV đang trên đường quay ra, thì gặp một nhóm “lâm tặc” ngang nhiên dùng trâu kéo gỗ ở rừng ra địa điểm tập kết. Ba con trâu kéo ba khúc gỗ giẻ trắng chặn hết lối đi của PV. Gặp PV một người trong nhóm “lâm tặc” chừng 30 tuổi, mặt mũi lầm lỳ, hậm hực. Ánh mắt đầy vẻ soi mói hỏi PV: “Bọn mày làm gì trong này?”.

Hỏi xong, nhóm “lâm tặc” này làu bàu rồi phết mạnh một roi vào mông con trâu, để nó tấp vào vũng nước bên đường. Sợ mấy tên “lâm tặc” phát hiện PV đang ghi hình sẽ ảnh hưởng đến tính mạng, nên PV đành “qua mặt” nhóm “lâm tặc” này tiếp tục đi nhanh ra ngoài.

Gỗ được “lâm tặc” tập kết ngay bản cấm chặt phá rừng. (Ảnh: nguoiduatin)
Gỗ được “lâm tặc” tập kết ngay bản cấm chặt phá rừng. (Ảnh: nguoiduatin)

Ông T. (60 tuổi, xã Đại Sơn) – một người trồng dứa trong rừng cho biết: “Ngày nào ở đây cũng có hàng chục nhóm “lâm tặc” khai thác và vận chuyển gỗ ra đường, núi Phượng Hoàng giáp với huyện Quế Sơn, nên ở đây có cả lâm tặc người Quế Sơn sang khai thác”.

Đang trò chuyện, nhóm “lâm tặc” mà PV vừa gặp trong rừng kéo gỗ đi ngang qua. Ông Thạch nhận ra nhóm “lâm tặc” này do một người tên Huệ ở xã Đại Sơn vào khai thác. Đang trò chuyện, thì bà vợ ông Thạch chen vào: “Nhà nó (Huệ) giàu lắm, hiện nay nhà nó có tám con trâu chuyên phục vụ cho việc kéo gỗ, thu về tiền tỉ hàng năm”.

Ngang nhiên vận chuyển gỗ

Theo điều tra của PV, ở đây địa hình đồi dốc nên “lâm tặc” dùng trâu để kéo những phách gỗ ra ngoài đồi trồng dứa sau đó tập kết lên xe ô tô chở về. Nếu ít, bọn chúng sẽ cho trâu kéo đi dọc theo dòng nước khe Hoa ra đến ngã ba cầu khe Hoa, bán lại cho các đầu nậu buôn gỗ.

Để kéo được một khúc gỗ ra đến đường quốc lộ, bọn chúng phải đi từ lúc 3h sáng đến 17h chiều mới tới nơi. Sau khi gỗ được tuồn khỏi rừng xuống điểm tập kết ngay ngã ba xã Đại Sơn, các đầu nậu trực sẵn để cất hàng lên xe ô tô.

Sau đó, gỗ lậu sẽ “chạy” qua hai con đường: Một đường chuyển xuống sông Vu Gia kết bè đổ về cầu Câu Lâu chỉ cách đó khoảng 2 km; Một đường chạy xe máy hoặc ô tô xuống Đà Nẵng qua cửa trạm kiểm soát lâm sản (thuộc hạt Kiểm lâm Đại Lộc) và đội Kiểm lâm cơ động số 2 (chi cục kiểm lâm Quảng Nam) đóng tại xã Đại Hồng cách đó khoảng 500m hoạt động 24/24.

Nhưng có một điều hết sức khó hiểu, là một trong hai con đường gỗ lậu tại đây, phải qua cửa trạm kiểm soát lâm sản, nhưng tất cả đều trót lọt.

Khoảng 15h ngày 23/1, PV đến ngã ba Đại Sơn, bắt gặp cảnh “lâm tặc” ngang nhiên vận chuyển hàng chục khúc gỗ tập kết cách nơi làm việc của tổ cơ động trực thuộc hạt Kiểm lâm Đại Lộc khoảng 300m, cách trạm kiểm soát lâm sản (thuộc hạt Kiểm lâm Đại Lộc) và đội Kiểm lâm cơ động số 2 (chi cục kiểm lâm Quảng Nam) khoảng 800m mà không gặp bất cứ sự ngăn cản nào từ các ngành chức năng.

Đứng quan sát từ xa, PV thấy xe máy BKS 92F8- 9338 chở hai khúc gỗ dài khoảng 1m ngang 40cm phóng vù vù qua trước mặt tổ cơ động trực thuộc hạt kiểm lâm Đại Lộc. Theo những chiếc xe chở gỗ, PV đến thôn 5, xã Đại Đồng. Tại đây, gỗ được để một cách công khai ngay trước hiên nhà và cả trong nhà của một hộ dân tên Sơn.

PV quay trở lại trạm kiểm soát lâm sản đóng tại xã Đại Hồng (thuộc hạt Kiểm lâm Đại Lộc) để báo cáo lại tình hình ghi nhận được. Chỉ khi biết có nhà báo đến tìm hiểu thông tin , các anh mới bắt đầu hạ tấm barie xuống và cho kiểm lâm viên ra trực chốt.

PV thắc mắc tại sao trạm kiểm soát lâm sản thuộc hạt kiểm lâm Đại Lộc, có cán bộ “canh gác” túc trực 24/24h , nhưng không hiểu sao hàng ngày gỗ trên rừng được chuyển về tập kết cạnh nơi làm việc của tổ cơ động hạt Kiểm lâm Đại Lộc và những chiếc xe chở gỗ kia vẫn “vô tư” vận chuyển gỗ đi qua mà không hề bị phát hiện, mặc dù sự việc trên diễn ra trong thời gian dài và công khai giữa ban ngày? Đó là không biết, hay cố tình làm ngơ?

Lý giải về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Thanh (Phó trạm Kiểm soát lâm sản) thừa nhận: “Trên địa bàn có tình trạng dùng xe khách để vận chuyển gỗ. Hiện, chúng tôi đang làm hết mình để ngăn chặn nhưng do nhiều yếu tố như đơn vị ít người, mà công việc lại nhiều, nên nhiều lúc cũng chưa kiểm soát được hết.

Thứ hai cách thức vận chuyển của những chủ xe rất tinh vi, thông thường họ bỏ gỗ dưới vật liệu xây dựng, cốt pha, gỗ tạp… để vận chuyển và cho người đi trước “thám thính”, những lúc anh em giao ca ngay lập tức các đối tượng cho xe đi qua.

Mặt khác tổ cơ động trực thuộc Hạt kiểm lâm Đại Lộc có nhiệm vụ quan sát tại Ngã ba Đại Sơn, nếu phát hiện có người chở gỗ thì phải điện báo về để anh em dưới này biết mà ra đón chặn. Hằng ngày, có hàng ngàn chiếc xe qua lại nếu anh em trên kia không báo về thì dưới này không thể chặn tất cả các xe để kiểm tra…”.

Sau nhiều ngày lội rừng ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, PV ghi nhận rất nhiều trường hợp vận chuyển lâm sản trái phép tại các huyện Phước Sơn, Nam Giang, Đại Lộc… qua đường Hồ Chí Minh về TP.Đà Nẵng với số lượng rất lớn.

Điều đáng nói, dù tỉnh này đã có công văn chỉ đạo quyết liệt trong công tác bảo vệ rừng trước trong và sau tết nhưng ngày ngày gỗ lậu vẫn ung dung lọt qua các trạm kiểm soát để về xui. Dư luận đặt câu hỏi rằng: Liệu có sự “bắt tay ngầm” giữa một số cán bộ đầu ngành biến chất với “lâm tặc”?. Câu trả lời xin dành lại cho các cơ quan có trách nhiệm của tỉnh Quảng Nam.

Có người điện báo thì anh em vẫn có thể đi làm!Khi PV trao đổi với ông Nguyễn Văn Thanh (Phó trạm Kiểm soát lâm sản) về lâm tặc tập kết gỗ ngay sau lưng tổ cơ động trực thuộc hạt Kiểm lâm Đại Lộc, ông Thanh cho rằng: “Đơn vị có nhiệm vụ chốt chặn kiểm soát lâm sản lưu thông trên quốc lộ. Còn vấn đề đó thuộc thẩm quyền của hạt Kiểm lâm Đại Lộc. Nhưng nếu có người điện báo thì anh em vẫn có thể đi làm!”.