Nguy cơ mất an toàn từ những hồ đập do địa phương quản lý

ThienNhien.Net – Các hồ đập do địa phương quản lý trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, việc duy tu, sửa chữa thường xuyên không thực hiện được hoặc chưa tương xứng với tài sản nên công trình bị xuống cấp, rò rỉ tổn thất nước lớn. Nhiều địa phương quản lý nhưng không có hồ sơ công trình, không có quy trình kỹ thuật quản lý… Nên đến nay, đều nằm trong tình trạng thiếu an toàn, nguy cơ vỡ hồ đập có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong mùa mưa bão.

Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân xã Quang Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) luôn cảm thấy bất an về độ an toàn của đập Văn Sơn mỗi khi mùa bão đến do 5 năm nay, tiến độ thi công sửa chữa con đập vẫn chưa hoàn thành.

Đập nước Văn Sơn bắt đầu xuống cấp trầm trọng từ năm 2009. Năm 2009, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt dự án “Sửa chữa nâng cấp hồ chứa nước Văn Sơn” có diện tích 18 ha, dung tích 1,8 triệu m3.

Tháng 11-2009, công trình do UBND huyện Đô Lương làm chủ đầu tư, tổng kinh phí dự toán ban đầu hơn 4.178 triệu đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ được khởi công xây dựng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2010 thì dừng lại suốt từ đó đến nay. Việc dự án sửa chữa nâng cấp hồ chứa nước Văn Sơn thi công gần 5 năm vẫn chưa xong, khiến các hộ dân sống dưới hạ lưu con đập vô cùng lo lắng.

Hồ Ba Cơi ở xã Long Sơn, huyện Anh Sơn có dung tích gần 3 triệu m3 , phục vụ tưới cho trên 200 ha cây trồng. Do nằm ở vùng địa hình miền núi nên hồ này được xây dựng trên cao. Đối với những người làm công tác chuyên môn, những hồ như thế này chẳng khác gì “bom” nước. Đây là mối hiểm họa đối với an toàn hồ đập mỗi khi mùa mưa bão về.

Hiện nay, hồ Ba Cơi đang được giao cho xã Long Sơn quản lý. Với hồ có dung tích lớn như thế này, địa phương cũng đang gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong quản lý vận hành và đảm bảo an toàn, nhất là khi mùa mưa bão đến.

Không riêng gì hồ Ba Cơi, đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An có nhiều hồ, đập có dung tích trên 1 triệu m3 đang giao cho chính quyền địa phương quản lý, trong đó hầu hết đều do cấp xã quản lý.

Đập Tây Nguyên, được xây dựng từ năm 1966, đến năm 2009 được tu sửa, nâng cấp. Đập có dung tích 1,2 triệu m3, tưới cho trên 200 ha, giao cho UBND xã Quỳnh Thắng quản lý mà trực tiếp là một HTX, đơn vị này lại giao cho tư nhân bảo vệ và vận hành đóng, mở cửa cống mà chưa được qua một lớp đào tạo, tập huấn nào về sử dụng, vận hành hồ chứa, nên việc quản lý hồ chứa rất khó khăn. Do vậy, đã xảy ra sự cố nghiêm trọng là đập bị vỡ vào tháng 9-2012.

Huyện Yên Thành có 252 hồ, đập do địa phương quản lý. Riêng xã Đồng Thành, huyện Yên Thành có đến năm hồ, đập lớn nhỏ chủ yếu các xóm tự đứng ra vận hành, do kinh nghiệm và kỹ thuật vận hành chưa được đào tạo và hệ thống hồ đập chưa được đầu tư nâng cấp.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy Lợi Nghệ An Nguyễn Văn Hoa, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 625 hồ chứa nước lớn nhỏ, với dung tích hơn 387 triệu m3, các hồ nước này ngoài nhiệm vụ cung cấp nước cho 40 nghìn ha đất sản xuất, phục vụ dân sinh, còn có nhiệm vụ điều tiết lũ bảo vệ vùng hạ du.

Các hồ, đập chứa nước tại Nghệ An có thời gian sử dụng đã lâu từ 30-40 năm, cá biệt có hồ hơn 50 năm. Trong đó có 570 hồ chứa do xã, HTX quản lý. Các hồ này thường có dung tích chứa dưới 1 triệu m3, việc duy tu, sửa chữa thường xuyên không thực hiện được hoặc chưa tương xứng với tài sản nên công trình bị xuống cấp, rò rỉ tổn thất nước lớn.

Thân đập Đồn Húng, huyện Yên Thành (Nghệ An) tuy được sửa chữa nhưng nguy cơ mất an toàn cao trong mùa mưa bão do mái thân đập bị mối, rò rỉ... (Ảnh: VietNamNet)
Thân đập Đồn Húng, huyện Yên Thành (Nghệ An) tuy được sửa chữa nhưng nguy cơ mất an toàn cao trong mùa mưa bão do mái thân đập bị mối, rò rỉ… (Ảnh: VietNamNet)

Nhiều địa phương quản lý nhưng không có hồ sơ công trình, không có quy trình kỹ thuật quản lý… Nên hiện nay đều nằm trong tình trạng thiếu an toàn, nguy cơ vỡ hồ đập có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong mùa mưa.

Đập Tràng Riềng, xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, (Hà Tĩnh) tuy đang mùa nước hồ thấp, đã thấy rõ sự xuống cấp, mất an toàn của con đập này khi thấy cả mái thượng và hạ lưu của thân đập sạt lở nghiêm trọng, cống lấy nước bị hư hỏng hệ thống đóng mở. Người dân lấy đập làm tuyến đường đi tắt và bạt cả thân đập để làm đường lên xuống cho xe cơ giới.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh Phan Đăng Nhật cho biết: Hà Tĩnh có 345 hồ đập thì hầu hết được xây dựng từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Thời điểm đó, các tài liệu quan trắc khí tượng thuỷ văn còn nhiều hạn chế; chủ yếu thi công thô sơ; Tiêu chuẩn thiết kế, thi công áp dụng độ an toàn thấp, không phù hợp; Hệ thống tràn xã lũ đều có kích thước nhỏ; Nhiều tuyến tràn bị cây cối, công trình xây dựng lấn chiếm cả mặt tràn.

Một điều quan ngại nữa, phần lớn các cống lấy nước dưới đập đều có kích thước nhỏ, các khớp nối lâu ngày bị nước thẩm thấu, gây rò rỉ từ giữa thân đập… Đến nay, theo thời gian, tất cả các khiếm khuyết trên đã bộc lộ thành các hiểm họa, gây mất an toàn cao cho hồ đập.

Trong khi đó, diễn biến của biến đổi khí hậu rất khó lường, khi ngày càng nhiều của sự xuất hiện kiểu thời tiết cực đoan (mưa to đến rất to, trên dện rộng, thời gian kéo dài…); vào đó rừng đầu nguồn bị tàn phá làm cho dòng chảy tập trung nhanh hơn, vượt quá tần suất thiết kế ban đầu, khiến các hồ đập bị xuống cấp, lại càng không đủ sức chống đỡ. Điển hình là trận “lũ chồng lũ” cuối tháng 9 đến giữa tháng 10-2010 là trận lũ lịch sử hơn 100 năm qua tại Hà Tĩnh gây vỡ đập: Ngưng, Khe Mơ, Vàng Anh và hư hỏng nặng của hàng chục hồ đập khác. Chưa kể, nhiều hồ đập trên địa bàn đều không có nhà quản lý và đường ứng cứu cứu nên phương án bốn tại chỗ đều không phát huy hiệu quả.

Bên cạnh đó, tác nhân gây hại còn từ phía con người và công tác quản lý khai thác. Một số hồ đập mới xây dựng sau này bị hư hỏng, thậm chí bị vỡ đập do thi công ẩu, tính toán sai, công tác quản lý thiếu trách nhiệm như đập: Mạc Khê, Họ Võ, Ke 2/20 Rec, Đá Bạc…

Huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh có khoảng 150 hồ đập, chủ yếu là hồ đập nhỏ, cũng trong tình trạng xây dựng từ khá lâu, lại không có kinh phí sửa chữa nên phần lớn bị xuống cấp. Nghiêm trọng hơn, hàng chục hồ đập bị vỡ và hư hỏng nặng qua các đợt mưa lũ năm 2007 và 2010 nhưng đến nay vẫn chưa có kinh phí để hàn gắn. Hiện, có đến 1/3 số hồ đập không bảo đảm an toàn; trong đó có nhiều hồ đập đặc biệt nguy hiểm.

Không chỉ Hương Sơn, Hương Khê, đến các huyện, thị khác cũng thấy rõ sự xuống cấp các hồ đập. Nhiều địa phương đang hết sức lo lắng khi mùa mưa bão đã đến bởi hồ đập chưa được xử lý, nguy cơ mất an toàn rất cao.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết: “Các hồ đập do các địa phương quản lý, có ưu điểm là nằm trên địa bàn, tuy nhiên, từ thực tiễn cho thấy, khi các hồ có dung tích lớn do các địa phương quản lý, trong quá trình vận hành chống hạn hay phòng chống lụt bão đều thiếu khoa học, vì những người vận hành hồ chứa thường chỉ mới trải qua những lớp tập huấn ngắn hạn, thiếu kiến thức chuyên sâu về ngành Thủy lợi. Trong khi đó, hồ, đập luôn tiềm ẩn nhiều hiểm họa bên trong như: các ổ mối, rò rỉ… nếu không có chuyên môn sẽ không xử lý tốt. Tỉnh đã quyết định, sắp tới các công trình hồ có dung tích trên 1 triệu m3, đập có chiều cao trên 15m sẽ giao cho các đơn vị chuyên ngành Thủy lợi quản lý. Điều nay sẽ tốt hơn cho công tác bảo đảm an toàn hồ, đập, bởi các công ty có đội ngũ quản lý chuyên môn tốt hơn”.

Bên cạnh đó, nhiều hồ đập do các công ty TNHH quản lý cũng đang đặt trong tình trạng báo động về nguy cơ mất an toàn. Phó giám đốc TNHH Một thành viên Thủy lợi Nam Nghệ An Thái Văn Hùng cho biết: Công ty quản lý 13 hồ chứa nằm trên địa bàn hai huyện Nam Đàn và Nghi Lộc, mỗi hồ có dung tích gần 40 triệu m3. Trong số 10 hồ đập trong tình trạng ách yếu, có năm hồ nặng nhất do thẩm thấu mái đập, mặt cắt chiều cao thân đập chưa đạt yêu cầu kỹ thuật an toàn.

Bà Phan Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên (MTV) Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh, phụ trách địa bàn Hương Sơn, nói: “Trong số tám hồ đập lớn do đơn vị quản lý, có ba hồ đập dung tích từ 1,5 đến 1,7 triệu m3/hồ đều xuống cấp nghiêm trọng do mưa lũ gây ra đến nay vẫn chưa được sửa chữa. Trong đó, nghiêm trọng nhất là hồ Vực Rồng, xã Sơn Tiến, thân đập cao 16m, có hiện tượng đùn nước và chảy thành dòng dưới mái hạ lưu. Vị trí thấm cách cửa lấy nước vài chục mét… Đập Khe Dẻ, xã Sơn Mai nước thấm toàn bộ thân đập; đuôi tràn, cống tiêu và đường dân sinh bị lũ 2010 xói mất, nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục mặc dù cử tri xã Sơn Mai đã nhiều lần kiến nghị”. Cũng theo bà Vân Anh, đây là hai công trình thủy lợi lớn nhất Hương Sơn nhưng đến nay vẫn chưa có nhà quản lý và đường cứu hộ bị chia cắt hoàn toàn khi mưa bão đến. Thậm chí đối với đập Khe Dẻ, khi mưa lũ về phải đi vòng qua Nam Đàn (Nghệ An) mới tiếp cận được.

Hệ thống hồ đập ở Nghệ An, Hà Tĩnh mất an toàn là vậy, nhưng do thiếu kinh phí, hàng năm, các địa phương, đơn vị quản lý chỉ sửa chữa theo kiểu “chắp vá“ nên khó bảo đảm an toàn bền vững cho các công trình.

Các hồ, đập chứa nước tại Nghệ An chủ yếu được xây dựng từ những năm 1960 – 1980 (thế kỷ trước) nên hiện nay đều nằm trong tình trạng thiếu an toàn, nguy cơ vỡ hồ đập có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong mùa mưa. Theo ông Nguyễn Văn Đệ, phó giám đốc sở NNPTNT Nghệ An, để nâng cấp sửa chữa các hồ đập xung yếu bền vững phải cần có lượng kinh phí khoảng 1 nghìn tỷ đồng. Ở Hà Tĩnh con số kinh phí cho công tác này cũng không thua kém Nghệ An.

Với nhiều công trình đã xuống cấp, trước yêu cầu cấp bách bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu và dân sinh, do điều kiện ngân sách địa phương hạn chế, Chính phủ, các bộ ngành cần có giải pháp ưu tiên nguồn kinh phí cho công tác này.