Sáng chế thành công máy xử lý rác thải bằng động cơ

ThienNhien.Net – Sinh ra, lớn lên ở xã Hải Bình, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá sôi động ở huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), Ngô Thái Nguyên sớm gắn bó với nghề cơ khí. Hải Bình đất hẹp, đông dân nên vấn đề xử lý khối lượng lớn rác, chất thải sinh hoạt luôn đặt ra hàng ngày. Ngô Thái Nguyên nảy sinh ý tưởng sáng chế máy chế biến rác, góp phần cải thiện môi trường nông thôn.

Máy xử lý rác của tác giả Ngô Thái Nguyên (Ảnh: Nhân Dân)
Máy xử lý rác của tác giả Ngô Thái Nguyên (Ảnh: Nhân Dân)

Bài toán đặt ra là phần lớn các hộ chưa có thói quen phân loại rác sinh hoạt, làm sao xử lý, tái chế rác thải thập cẩm, giảm khí thải ra môi trường. Tìm hiểu công nghệ xử lý rác hiện có, Nguyên thấy yếu điểm là còn lạm dụng nhiệt để xử lý rác, chất thải, làm gia tăng khí thải ra môi trường. Theo đó, anh càng quyết tâm nghiên cứu, chế tác thành công máy xử lý rác thải bằng động cơ.

Mày mò nghiên cứu, chế tác, hai lần thử nghiệm mô hình nhưng kết quả đạt thấp. Đang có việc làm, thu nhập ổn định, chuyển hướng sáng chế máy xử lý rác, gánh nặng mưu sinh, bổn phận, trách nhiệm của người chồng, người cha trong gia đình có phần làm anh phân tâm. Ngoài đảm đương công việc, thu nhập hằng ngày, anh tìm mua, tận dụng phế liệu, trốn ra xưởng âm thầm chế tác. Sau này vợ anh mới biết nhưng thấu hiểu sự đam mê của anh nên cùng vun đắp cho ý tưởng sáng tạo sớm thành hiện thực. Anh tiếp tục dành thời gian tìm hiểu nguyên lý hoạt động của một số loại động cơ, thử nghiệm mô hình lắp mô-tơ công suất lớn hơn để vận hành trục quay chế biến rác thì cho kết quả như mong muốn.

Nhà sáng chế chia sẻ kinh nghiệm chế tác bộ dao xử lý rác (Ảnh: Nhân Dân)
Nhà sáng chế chia sẻ kinh nghiệm chế tác bộ dao xử lý rác (Ảnh: Nhân Dân)

Giới chuyên môn ghi nhận sự sáng tạo trong chế tác bộ dao băm kép của chủ nhân. Bộ dao có 18 lưỡi dao chính bố trí ở bốn tầng băm gắn vào trục quay (có thể xoay thuận chiều hoặc ngược chiều kim đồng hồ) và 16 lưỡi dao gắn vào thành máy. Khi vận hành công nghệ này có thể xử lý, phân loại rác bằng động cơ, ít phải dùng nhiệt đốt rác. Tiếng lành đồn đến tai các đối tác đang tìm công nghệ xử lý rác ít gây ô nhiễm môi trường, có khả năng tái sử dụng thành phẩm rác sau xử lý. Đại diện Công ty Duy Anh ở tỉnh Bình Định tìm đến nhà sáng chế, quyết định đầu tư 270 triệu đồng cho Ngô Thái Nguyên sản xuất máy chế biến rác, công suất 30 đến 35 m3/bảy giờ hoạt động. Anh Nguyên còn vào Bình Định hơn một tháng để chuyển giao thiết kế, quy trình xây dựng, hoàn thiện các hầm ủ rác sau xử lý cho xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn nhằm tái chế rác thành phân hữu cơ.

Ngô Thái Nguyên giới thiệu hiệu quả phân loại, xử lý rác bằng động cơ (Ảnh: Nhân Dân)
Ngô Thái Nguyên giới thiệu hiệu quả phân loại, xử lý rác bằng động cơ (Ảnh: Nhân Dân)

Chiếc máy thứ hai được đối tác ở huyện An Lão, TP Hải Phòng đầu tư 160 triệu cho anh sản xuất máy xử lý 20 đến 25 m3 rác trong bảy giờ hoạt động. Các máy xử lý rác vừa nêu phù hợp với khối lượng rác thải của một xã và có thể nâng công suất chế biến 60 m3 rác thải/7 giờ hoạt động. Nhà sáng chế Ngô Thái Nguyên đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với “Công nghệ HUD và máy xử lý rác”. Một số đối tác đang thương thảo, phối hợp với nhà sáng chế chuyển giao công nghệ, triển khai xây dựng nhà máy chế tạo máy xử lý rác đại trà, tung ra thị trường. Vừa qua, “Công nghệ HUD và máy xử lý rác thải ở địa phương” của tác giả Ngô Thái Nguyên đoạt giải nhất cuộc Thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ V, 2013-2014. Theo đánh giá của Ban tổ chức, máy xử lý rác thải của tác giả Ngô Thái Nguyên ở thôn Liên Hưng, xã Hải Bình có nhiều ưu điểm như quy mô nhỏ, dễ vận hành, có khả năng phân loại, tinh chế rác để tái sử dụng làm phân vi sinh, nguyên liệu xây dựng. Công nghệ xử lý rác thải này thân thiện môi trường, phù hợp với nông thôn Việt Nam, có thể ứng dụng rộng rãi trong xây dựng nông thôn mới.