Giống tốt, gạo xoàng

ThienNhien.Net – Nước ta vừa giành 3 trong 23 giải thưởng về thành tựu trong đột biến tạo giống đóng góp hiệu quả vào bảo đảm an ninh lương thực và phát triển bền vững, do Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trao tặng, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Phòng thí nghiệm liên hợp giữa IAEA và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO). Với một đất nước được mệnh danh là cường quốc xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới như VN, tin vui này có ý nghĩa đặc biệt.

Đây cũng là cơ hội để giới khoa học, chuyên gia và quản lý phân tích, bình luận vì sao Việt Nam có thể phát triển những giống lúa chất lượng cao, cho giá trị thương mại cao, mà cả trăm giống lúa kém chất lượng vẫn tung hoành trên đồng ruộng khiến chất lượng hạt gạo xuất khẩu nước ta luôn thấp và yếu thế cạnh tranh.

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, nghiên cứu ứng dụng giống thích nghi về cây trồng, đặc biệt là lúa, cũng như vật nuôi, thủy sản khi bị nước ngập và xâm nhập mặn, tạo ra nông sản chất lượng cao phục vụ xuất khẩu là yêu cầu cấp bách. Song như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát thừa nhận, Việt Nam đã có 102 giống lúa nhưng chất lượng gạo xuất khẩu không được nâng lên. Phải nhìn ra những bất cập trong tổ chức sản xuất và thị trường để lý giải vì sao tồn tại nghịch lý này.

Mùa bội thu (Ảnh: Hoàng Long/Đại Đoàn Kết)
Mùa bội thu (Ảnh: Hoàng Long/Đại Đoàn Kết)

Trên thực tế có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng gạo mà giống lúa là một nhân tố chính. Vựa lúa ĐBSCL diện tích sản xuất trên 4 triệu ha/năm, sản lượng trên 24 triệu tấn/năm, chiếm hơn 54% tổng sản lượng cả nước, cung cấp trên 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước. Song thói quen của phần lớn nông dân vùng này, đáng lo thay, vẫn là lấy “lúa thịt” tức lúa trong kho ra làm giống, chứ không mấy khi đầu tư đầu tư mua lúa giống tốt.

Chỉ tính từ đầu tháng 10 tới nay, một số tỉnh ĐBSCL đã phải khuyến cáo nông dân địa phương mình không xuống giống các loại lúa không có trong “Danh mục được phép sản xuất kinh doanh” của Bộ NN&PTNT, dù cho chúng có tên là giống mới. Trung tâm Khảo kiểm nghiệm Giống, sản phẩm cây trồng vùng Nam Bộ đã lấy mẫu của 15 lô lúa giống bày bán ở Tiền Giang, có đến 11 lô lúa giống không có giấy chứng nhận hợp quy, phiếu kết quả kiểm nghiệm hạt giống; 3 lô giống không đạt quy chuẩn kỹ thuật và 2 mẫu lúa giống không đạt chất lượng, chủ yếu là giống lúa IR 50404.

Trong khi đó nông dân tỉnh Tiền Giang vụ này vẫn xuống giống một loại lúa mới là AP 2010, vì bà con cho rằng loại này cho năng suất cao, ít đổ ngã, chất lượng gạo tốt giá bán khá hấp dẫn, được thương lái chọn mua nhiều. Trung tâm nói trên đã lấy mẫu giống lúa AP 2010 này tại một cửa hàng bán lúa giống ở địa phương để kiểm nghiệm, cũng lại không có trong “Danh mục” của Bộ. Điều này lý giải phần nào việc gạo Campuchia sẽ tấn công vào thị trường Mỹ, Hàn Quốc, trong khi gạo ta vẫn dựa loanh quanh các nước trong khu vực và Châu Phi.

Đáng lẽ phải tập trung phát triển một số giống lúa thực sự hiệu quả lâu dài đồng thời hỗ trợ nông dân kịp thời về kinh phí và kỹ thuật sát sao, tạo vùng sản xuất lúa tập trung, vùng sản xuất lúa hàng hóa, thì nhiều địa phương để mặc tư thương chi phối nông dân qua giá mua/bán sản phẩm, khi người dân chỉ trông lợi trước mắt. Một số nơi còn trồng giống “chui” ngay tại các vùng trồng lúa chất lượng cao đã được tỉnh quy hoạch.

Tương tự, do được thị trường nội địa tiêu thụ mạnh, chấp nhận mua với giá cao để phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm bún, làm bột…, nông dân Trà Vinh vụ lúa Thu Đông này là vụ lúa thứ 6 tiếp tục mở rộng diện tích trồng giống lúa Ma Lâm 202, nông dân quen gọi là lúa “gà, không nằm trong bộ giống lúa chất lượng cao được Bộ NN&PTNT khuyến cáo sản xuất.

GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp lý giải, nguyên nhân do giống lúa VN do các Viện làm ra quảng cáo không mạnh bằng những công ty nhập giống của Trung Quốc. Ngoài ra, giống lúa Trung Quốc nhận được sự hỗ trợ của chính quyền, khuyến khích dân mua giống lúa đó.

Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam ông Ngô Văn Giáo ở góc nhìn khác cho rằng, nhu cầu lúa giống sản xuất ở ĐBSCL cần đạt khoảng 490.000 tấn/năm nhưng thực tế chỉ khoảng 18,1% khối lượng lúa giống gieo sạ hàng năm đạt tiêu chuẩn cấp xác nhận. “Cứ đà này, không biết đến năm 2020 mục tiêu tỷ lệ dùng giống có xác nhận trong sản xuất lúa đạt 70-85%?”. GS.TS Nguyễn Ngọc Kính, Phó Chủ tịch Kiêm Tổng thư ký Hội giống cây trồng Việt Nam mới đây nhắc lại dự án phát triển giống lúa lai được Bộ NN&PTNT thực hiện 10 năm trước với sự nuối tiếc và bức xúc: “Đầu tư dự án 338 tỉ đồng mà hiện nay giống lúa lai vẫn nhập khẩu trên 70%”.

Và một khi doanh nghiệp khi mua gạo kể cả gạo xuất khẩu, hầu như mọi phẩm cấp đều cùng một giá tràn lan, không phân biệt giống tốt hay xấu, nông dân càng có cớ bỏ qua luôn khâu giống tốt, một trong 4 khâu theo kinh nghiệm nhà nông – “nhất nước nhì phân tam cần tứ giống” – sẽ làm nên mùa màng bội thu.

Trở lại câu chuyện Việt Nam giành giải thưởng của IAEA trong đó Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam nhận giải “Thành tựu xuất sắc”. Thực ra kỹ thuật đột biến gien, thúc đẩy nhanh hơn sự lựa chọn và biến đổi gien trong tự nhiên, đã được nghiên cứu ứng dụng ở nước ta từ những năm 1970. Những năm 80 của thế kỷ trước, được IAEA giúp đỡ thông qua các dự án hợp tác kỹ thuật, Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu long và các cơ sở nghiên cứu nông nghiệp nước ta đã đạt nhiều thành tựu nổi bật, cho ra đời một số giống lúa mới có năng suất, chất lượng tốt và có khả năng chịu ngập, mặn cao. Năm ngoái 2013 các nhà khoa học Anh giúp lần đầu tiên Việt Nam giải mã hoàn chỉnh hệ gen đầy đủ của một loại thực vật bậc cao nhất là cây lúa…

Để VN có thể phát triển một số giống lúa đặc sản chất lượng cao sẵn có, làm ra những hạt gạo trị giá 800 USD/tấn thay vì 400 USD/tấn như hiện nay, cần có nhiều hợp tác quốc tế hiệu quả như vậy. Vấn đề còn là nghiên cứu, chọn tạo giống lúa hay các cây trồng khác một khi thành công phải mở ra khả năng ứng dụng rộng lớn. Không thể để nghiên cứu khoa học nông nghiệp nói chung và nghiên cứu giống nói riêng kéo dài tình trạng không có hiệu quả, tính ứng dụng hoặc được ứng dụng thực tiễn rất ít.

Nhìn ra lỗ hổng chính sách trong quản lý nghiên cứu giống từ thực trạng chất lượng nông sản, từ tổ chức sản xuất và thị trường, là cách để giống lúa Việt đòi lẽ công bằng, để gạo VN tự tin cạnh tranh trực tiếp với các nước xuất khẩu gạo lớn trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Myanmar…, kể cả nước xuất khẩu gạo mới nổi là Campuchia.

Định hướng phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao tới dưới tác động của biến đổi khí hậu đã rõ ràng. Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 14 – Agro Viet 2014 chủ đề “Nông nghiệp Việt Nam hướng tới giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững” sẽ diễn ra tại Hà Nội vào tháng 11 tới. Việt Nam không thể lãng phí tụt hậu trong ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp lâu hơn, lãng phí giống lúa chất lượng cao lâu hơn.