TP.HCM cần đổi mới giải pháp xử lý rác thải

ThienNhien.Net – Ở TPHCM, mỗi ngày có 6.700 – 7.500 tấn chất thải rắn thải ra, là mối đe dọa thường trực với tình hình môi trường TP. Không chỉ vậy, về lâu dài việc xử lý rác thải chỉ bằng phương pháp chôn lấp như hiện nay sẽ khiến TP gặp nhiều khó khăn khi phải tìm kiếm quỹ đất phục vụ cho hoạt động này.

Khả thi biến rác thải thành năng lượng

Mỗi ngày, TPHCM thải ra khoảng 6.700 – 7.500 tấn rác sinh hoạt đô thị. Tiềm năng thu hồi năng lượng từ nguồn rác thải là rất lớn vì có khoảng 70% trong tổng lượng rác có thể sử dụng làm nguồn nguyên liệu sản sinh năng lượng (đốt phát điện). Tuy nhiên, cho đến nay tiềm năng này vẫn bị lãng phí vì vẫn còn 90% lượng rác được xử lý theo kiểu chôn lấp. Trên thực tế, hầu hết công nghệ xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp đang phát sinh nhiều bất cập cho môi trường, đặc biệt là nước rỉ rác và khí thải phát sinh. Không phải ở bãi rác nào cũng có nhà máy xử lý nước rỉ rác. Hơn nữa, nếu có thì cũng ít khi chạy hết công suất.

Vận hành máy phát điện từ khí của bãi rác Gò Cá (Ảnh: Cao Thăng/Sài Gòn Giải Phóng)
Vận hành máy phát điện từ khí của bãi rác Gò Cát (Ảnh: Cao Thăng/Sài Gòn Giải Phóng)

Ông Nguyễn Trung Việt, Chánh văn phòng biến đổi khí hậu TPHCM cho biết, việc biến rác thải thành nguồn nguyên liệu sản xuất điện sạch là giải pháp hay vì vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa cung cấp thêm nguồn năng lượng vốn đang có nguy cơ thiếu hụt. Tuy nhiên, để có thể tận dụng nguồn năng lượng từ rác thải, rất cần tập trung đầu tư đúng mức cho các công nghệ xử lý tiên tiến. Từ năm 2003 đã có rất nhiều nhà đầu tư xử lý rác bằng phương pháp đốt để thu hồi năng lượng tìm đến TPHCM khảo sát đầu tư. Thế nhưng, TP chưa có nhiều ưu đãi, giá điện thu mua quá thấp… nên nhiều đối tác đến rồi lại đi.

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, thực tế hiện nay đã thay đổi, xử lý hiệu quả các nguồn rác thải trở thành năng lượng phục vụ cho lợi ích kinh tế – xã hội của TP đang là vấn đề được các cấp, ban, ngành rất quan tâm. Bởi nếu ngày càng có nhiều dự án xử lý rác thải bằng phương pháp đốt phát điện sẽ giúp giải quyết ô nhiễm môi trường, góp phần giải bài toán năng lượng mà đặc biệt giúp TP giảm quỹ đất cần sử dụng chôn lấp rác thải.

Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Văn Phước, trở ngại lớn nhất cho các chủ đầu tư dự án là quỹ đất quy hoạch đã hết. Bên cạnh đó, rác thải của TP được thu gom hỗn tạp, không có sự phân loại rác tại nguồn, ngoại trừ mô hình khu phố xanh của quận Tân Phú (tại đây đã có 2.000 hộ gia đình hưởng ứng tự nguyện duy trì vĩnh viễn hoạt động phân loại rác tại nguồn. Và đây được xem là mô hình khu dân cư thực hiện phân loại rác tại nguồn thành công nhất tại TP, tính đến thời điểm hiện nay). Chỉ có điều, so với địa bàn dân cư rộng lớn với hơn 10 triệu dân thì số hộ gia đình trên vẫn chưa được xem là nhiều, đủ để tạo nền tảng vững chắc cho các nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải bằng phương pháp đốt phát điện.

Nhiều lợi ích về kinh tế và môi trường

Ông Mizuno Yuji, Giám đốc đàm phán quốc tế, Văn phòng cơ chế thị trường, Bộ Môi trường Nhật Bản, cho biết: Chúng tôi đã thực hiện nghiên cứu về hiện trạng chất thải rắn tại TPHCM trong gần 3 năm qua. Theo kết quả nghiên cứu, lượng chất thải rắn phát sinh tại TPHCM là 7.500 tấn/ngày và 90% trong số đó được đưa đến các bãi chôn lấp rác thải. Qua tham khảo quy hoạch quản lý chất thải rắn tại TPHCM, chúng tôi nhận thấy lượng chất thải rắn phát sinh tại TPHCM vào năm 2020 là 12.000 tấn/ngày và đạt đến 21.000 tấn/ngày vào năm 2030. Nếu lượng rác này được xử lý bằng phương pháp đốt sẽ đóng góp đáng kể vào mục tiêu bảo vệ môi trường và chương trình TP carbon thấp. Cụ thể, giúp giảm lượng chất thải phải chôn lấp tại bãi rác khoảng 300.000 tấn/năm; tạo ra năng lượng điện xanh 128GWh/năm; giảm phát thải khí nhà kính 70.000 tấn/năm…

Ông Mizuno Yuji cho biết thêm, Bộ Môi trường Nhật Bản đang xem xét việc hỗ trợ vốn cho các dự án đốt rác phát điện tại TPHCM. Trước mắt, Công ty Hitachi Zosen của Nhật Bản đang nghiên cứu và dự kiến sẽ triển khai xây dựng nhà máy đốt rác phát điện tại TP vào năm 2015. Ông Takashi Tanisho, đại diện Công ty Hitachi Zosen, cho biết dự án đốt rác phát điện mà công ty nghiên cứu triển khai tại TPHCM có công suất xử lý 1.000 tấn/ngày với vốn đầu tư là 445 triệu USD. Vấn đề còn lại là các doanh nghiệp đầu tư dự án đốt rác phát điện Nhật Bản rất mong được hưởng các ưu đãi về thuế, tăng giá xử lý rác, giá mua điện của các dự án đốt rác phát điện tại TPHCM.

Có thể thấy, nguồn năng lượng hóa thạch đang đứng trước những thách thức không nhỏ khi đang ngày càng cạn kiệt nhanh chóng. Trong khi đó, việc sử dụng công nghệ đốt chất thải rắn tái tạo năng lượng lại đang ngày càng phát triển và được ứng dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Đã đến lúc Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng phải tranh thủ cơ hội khi các nhà đầu tư có thiện chí hỗ trợ cho việc xử lý chất thải.