Viết tiếp câu chuyện “hậu thủy điện” – Kỳ 3

Kỳ 3:  Sống trong… bóng tối

ThienNhien.Net – Là một trong những địa phương có nhiều công trình thủy điện nhất cả nước nhưng đến nay, tại Quảng Nam vẫn còn 4 xã chưa biết đến… ánh sáng văn minh từ nguồn điện.

Đường vào xã Phước Lộc (H. Phước Sơn) bây giờ đã thông tuyến, thảm nhựa. Tuy nhiên, trong 4 tiêu chí quan trọng nhất làm động lực thúc đẩy phát triển là điện, đường, trường, trạm thì tiêu chí đầu tiên và “quan trọng của quan trọng” là điện cho đến nay, đối với người dân Phước Lộc vẫn là một ước mơ không ngơi nghỉ. Một mặt để “sánh ngang” với người dân ở các xã bên cạnh, mặt khác là tự tìm cho mình cách tiếp cận với “ánh sáng văn minh”, không còn cách nào khác là người dân phải tự thân vận động.

Tận dụng sức nước, một số hộ dân gần trung tâm xã, có khe suối chảy qua đã đầu tư mua dây điện, sắm tua-bin (còn gọi là củ điện). Tuy nhiên, cái gì cũng có giá của nó, máy phát điện đơn giản như vậy cũng chỉ đủ dùng cho 1 đến 2 bóng đèn… tiết kiệm điện. Lợi thế khi sử dụng loại “thủy điện” tự tạo này là có điện dùng thoải mái cả ngày lẫn đêm, tất nhiên là khi suối có nhiều nước, nhất là vào mùa mưa. Tuy nhiên, bất lợi lại ở chỗ, “nhà máy” cháy như cơm bữa.

Lôi “củ điện” bị vứt lăn lóc dưới gầm giường đưa ra cho chúng tôi xem, anh Hồ Văn Cương (1971) bảo: “Cháy liên tục. Dùng được vài tháng là phải thay máy mới nếu muốn có điện”. Nguyên nhân cháy, theo anh Cương là do dòng nước lên xuống bất thường, rác rưởi cuộn vào máy cũng cháy. “Dùng điện tự tạo ở đây cũng giống như trò trẻ con, lúc có lúc không thất thường lắm. Còn chuyện cháy củ điện, cháy bóng đèn thì khỏi phải bàn”, anh Cương thở dài. Hỏi anh Cương có muốn sử dụng điện lưới quốc gia không, anh nói như đùa: “Mong từ năm này qua năm khác rồi”.

Không có điện, sau bữa cơm tối tất cả các em học sinh đều phải lên giường đi ngủ. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Không có điện, sau bữa cơm tối tất cả các em học sinh đều phải lên giường đi ngủ. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Tại phòng làm việc của Chủ tịch UBND xã Phước Lộc Nguyễn Đức Toàn, vào thời điểm đầu giờ làm việc buổi chiều, bên ngoài trời nắng nóng oi bức nhưng chiếc quạt điện vẫn đứng im như thóc, bụi bặm bám một lớp dày. Hỏi sao chưa có điện thì sắm quạt làm gì, ông Toàn bảo “có điện chứ, nhưng thất thường lắm”. Hóa ra, điện mà ông Toàn nói ở đây cũng là điện… thủy luân. Xã cũng đầu tư sắm một “củ điện”, một máy nổ để dùng lúc cần thiết.

Ông Toàn nói, bây giờ cái gì cũng liên quan đến điện, có điện thì mới phát triển được, còn không thì sẽ rất khó khăn, không muốn nói là tụt hậu. “Biết là vậy nhưng địa phương cũng bó tay vì vượt tầm”, ông Toàn nói. “Có điện thì đời sống của người dân sẽ được nâng lên, các phương tiện nghe nhìn, máy xay xát, tivi, tủ lạnh người dân cũng dễ tiếp cận; nó sẽ kéo theo sự phát triển của hàng loạt dịch vụ khác thiết yếu hàng ngày của người dân như ăn uống, sửa chữa điện tử, điện lạnh, xe máy… cũng phát triển theo. Đằng này, muốn bơm cái xe, xay hạt lúa thôi cũng vã mồ hôi vì… phải dùng sức. Như thế thì anh bảo làm sao mà phát triển được”, ông Toàn bỏ ngỏ câu trả lời.

Ông Nguyễn Đức Toàn cho rằng: Ở Phước Lộc mà dùng được quạt điện, máy tính có thể xem là... thú vui xa xỉ nhất. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Ông Nguyễn Đức Toàn cho rằng: Ở Phước Lộc mà dùng được quạt điện, máy tính
có thể xem là… thú vui xa xỉ nhất. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Hỏi về xây dựng nông thôn mới ở Phước Lộc đã hoàn thành được bao nhiêu tiêu chí, ông Toàn chậm rãi bảo “hình như 3”. Căn ke lắm thì đó là các tiêu chí quy hoạch, ANTT và trường học. “Còn các tiêu chí khác làm động lực cho phát triển, đặc biệt là điện và đường thì xem ra chưa biết đến bao giờ mới đạt. Ngay như ở ủy ban xã đây, bây giờ muốn dùng điện để phục vụ họp hành, cập nhật văn bản chỉ đạo của cấp trên cũng phải bỏ tiền ra thuê người chuyên canh chừng củ điện với mức lương 1 triệu đồng/tháng. Nhưng chắc đến sang năm họ cũng xin nghỉ, bởi phải sửa liên tục mà mức lương thì không đủ sống”, ông Toàn nói.

Cũng theo ông Toàn, vì dùng điện tự tạo, tùy thuộc vào dòng chảy nên chuyện cháy máy vi tính, quạt, bóng đèn… cũng liên tục xảy ra. Vừa dứt lời thì chiếc quạt đứng im như thóc lúc nãy bỗng nhiên quay vù vù. Thấy chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, ông Toàn cười: “Hình như vừa mới sửa xong… củ điện”!

Anh Hồ Văn Cương với “củ điện” bị cháy. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Anh Hồ Văn Cương với “củ điện” bị cháy. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Mặt trời xuống núi, các em lên… giường

Đó là lịch trình mà các em học sinh Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Phước Lộc đã thực hiện hàng chục năm nay. Cũng là giải pháp bất đắc dĩ, bởi không ai muốn các em sống, sinh hoạt theo “quy luật tự nhiên” như vậy, nói theo cách của thầy Nguyễn Văn Ấn, Hiệu trưởng. Toàn trường hiện có 187 em học sinh các bậc, trong đó có 118 em ở nội trú. Mọi sinh hoạt, ăn uống hàng ngày các em đều được các thầy cô giáo chăm sóc tận tình, chu đáo. Duy chỉ có vấn đề thiếu điện, nước sinh hoạt là nan giải nhất. “Ăn cơm tối xong các em không đi ngủ thì biết làm gì. Học bài, sinh hoạt tập thể ban đêm mà không có điện thì cũng bó tay; các nhu cầu thiết thân khác như đọc báo, xem tivi xem ra vẫn còn xa xỉ lắm”, thầy Ấn giãi bày.

Với các em học sinh là vậy, còn các thầy cô giáo ở trường thì cuộc sống, sinh hoạt và công tác giảng dạy có gì đặc biệt. “Hiện tại nhà trường chưa thể áp dụng đưa vào giảng dạy môn tin học, còn giáo viên vẫn phải chịu thiệt thòi khi soạn giáo án vì không có điện. Thậm chí muốn sạc pin máy tính, điện thoại cũng phải ra tận trung tâm huyện hoặc nhờ nhà người quen ở các xã bên cạnh. Chuyện hưởng thụ văn hóa thông tin qua các phương tiện truyền thông thì hầu như không có”, thầy Ấn cho biết.

Thầy Nguyễn Văn Ấn cho biết, ngoài tiền mua đèn, mỗi tuần phải mất từ 15 đến 20 ngàn đồng mua pin khi sử dụng (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Thầy Nguyễn Văn Ấn cho biết, ngoài tiền mua đèn, mỗi tuần phải mất từ 15 đến 20 ngàn đồng mua pin khi sử dụng (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Để khắc phục tình trạng “sống trong bóng tối” này, các thầy cô giáo nơi đây phải sắm cho mình bộ đèn điện sử dụng pin để soạn giáo án. Và cái giá để được sử dụng đèn này là mỗi tuần, bình quân mỗi thầy cô phải mất từ 15 đến 20 ngàn đồng tiền mua pin. “Hồi trước công tác tại xã Phước Thành, đã quen với cảnh sống cùng đèn điện, tivi; bây giờ chuyển đến nơi xa với ánh sáng văn minh nên có phần hụt hẫng. Ấy vậy nhưng rồi cũng đã quen dần. Đến lúc có điện lại hụt hẫng cũng chẳng chơi”, thầy Ấn đùa.

Đặt vấn đề tại sao có nhiều thủy điện đóng trên địa bàn nhưng đến nay chỉ duy nhất xã Phước Lộc (có thủy điện Đăk Mi 2 đóng trên địa bàn) là chưa có điện, ông Hoàng Hoa, Chánh văn phòng UBND H. Phước Sơn đưa ra lý do hết sức “thuyết phục”:  “Dân số ít, địa bàn xa xôi hẻo lánh, chi phí đầu tư rất lớn nhưng thu lại chẳng được bao nhiêu…, vì thế điện lực dễ gì họ bỏ tiền vào đây. Nếu không có chương trình, dự án của Nhà nước thì không biết đến bao giờ người dân nơi đây mới có điện”. Và theo như thông tin Chánh văn phòng UBND huyện cung cấp thì dự án kéo điện về Phước Lộc đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt và giao Sở Công Thương tỉnh làm chủ đầu tư, dự kiến đến năm 2015 điện lưới quốc gia sẽ về đến trung tâm xã.