Du lịch cộng đồng: Phát triển nhưng chưa thành công

ThienNhien.Net – Cùng với du lịch có trách nhiệm, loại hình Du lịch cộng đồng có vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch bền vững. Đây là 1 định hướng không chỉ Việt Nam mà các nền du lịch trên thế giới đang hướng đến.

Homestay là loại hình du lịch rất hấp dẫn khách châu Âu (Ảnh: Chinhphu.vn)
Homestay là loại hình du lịch rất hấp dẫn khách châu Âu (Ảnh: Chinhphu.vn)

Homestay: Du lịch ngon-bổ-rẻ

Việt Nam là một đất nước có các nền văn hóa phong phú và lối sống đa dạng, được tạo dựng bởi 54 dân tộc khác nhau. Khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đặc biệt là vùng miền núi phía Bắc, là những nơi có tiềm năng rất lớn để phát triển loại hình du lịch cộng đồng (hay còn gọi là homestay).

Chi phí đầu tư 1 điểm homestay không nhiều, trung bình chỉ từ vài trăm triệu tới hơn một tỷ đồng. Chẳng hạn, kinh phí để xây dựng 1 ngôi nhà sàn Samu ở Bắc Hà (Lào Cai) cho 30 người ở là gần 1,7 tỷ đồng. Và nếu gia đình nào tận dụng luôn ngôi nhà của mình để cho khách ăn nghỉ thì chi phí đầu tư ban đầu hầu như không đáng kể.

Do chi phí đầu tư thấp nên giá thành ăn, ngủ, nghỉ ở đây rất bình dân,từ 70-120 ngàn đồng/đêm. Thực phẩm do các hộ gia đình xung quanh, hoặc chính nhà chủ tự cấp, tự túc.

Khách du lịch, ngoài tham quan các điểm du lịch của làng bản, còn có thể trực tiếp trải nghiệm, giao lưu tìm hiểu khám phá về đời sống sinh hoạt của người dân bản địa thông qua chủ nhà. Việc tự mình tham gia ăn, ở, sinh hoạt với người dân là một trải nghiệm thú vị khó quên với bất cứ du khách nào.

Những địa danh như bản Lác (Mai Châu), Chiềng Yên (Sơn La), Sapa, Vườn quốc gia Cát Bà, Khu bảo tồn Cù Lao Chàm… là những điểm du lịch cộng đồng đã đầu tư và đưa vào khai thác, có thương hiệu và được nhiều du khách biết đến. Trong những năm gần đây, số du khách đến thăm các điểm du lịch tự nhiên, tìm hiểu cuộc sống của cộng đồng dân cư ở Việt Nam ngày càng tăng.

Loại hình du lịch này đặc biệt hấp dẫn và phù hợp với giới trẻ Việt Nam và du khách phương Tây do đặc tính gần gũi thiên nhiên và mức độ trải nhiệm chiều sâu của nó. Homestay thực sự mang du khách đến gần hơn, sâu hơn với các nét đẹp văn hóa, đầy bản sắc của người dân bản địa. Với loại hình du lịch này, du khách không bị lệ thuộc vào lịch trình của hãng lữ hành mà tự do thưởng thức mọi thứ ở nơi họ đến theo cách mà họ muốn. Do đó, có thể nói không ngoa, homestay thực sự là loại hình du lịch “ngon, bổ, rẻ” dành cho du khách yêu thích trải nghiệm, khám phá.

Phát triển, nhưng chưa thành công

Nhận xét về loại hình du lịch này, bà Mary McKeon, Trưởng nhóm Tư vấn của dự án EU cho rằng, thực tế đã chứng minh rằng du lịch cộng đồng tốt mang lại các cơ hội mới để cải thiện môi trường kinh tế-xã hội, đặc biệt cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn và các cộng đồng dân tộc thiểu số.

“Với nguồn tài nguyên phong phú này, Việt Nam có thể trở thành một nước hàng đầu về du lịch cộng đồng trên thế giới nếu du lịch cộng đồng được phát triển một cách bền vững và có sự quản lý tốt”, bà Mary McKeon nhận xét.

Hình thành và phát triển từ gần 10 năm trở lại đây, du lịch cộng đồng hiện có mặt ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc và khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Ngoài các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, Huế, Nha Trang, Vũng Tàu… du lịch gắn với cộng đồng địa phương đã được quan tâm hơn, cộng đồng đã tích cực tham gia góp phần phát triển du lịch ở rất nhiều địa phương như Quảng Nam (Hội An, Mỹ Sơn), Đà Nẵng, Cần Thơ, các tỉnh Nam Bộ, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Lào Cai, Tuyên Quang và nhiều địa phương khác.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Dương Minh Bình, Tổng giám đốc Công ty CBT, một chuyên gia về loại hình du lịch này, “thời gian qua du lịch homestay ở Việt Nam có phát triển, nhưng không thành công”.

Theo phân tích của ông Bình, homestay của chúng ta mang tính tự phát, chưa được tổ chức bài bản và chưa đi vào thực chất. Các hình thức hoạt động của loại hình du lịch này mới chỉ mang ý nghĩa tham quan, hưởng thụ môi trường, ít đạt được mục đích nâng cao nhận thức, giáo dục môi trường và cảm nhận nét đặc sắc, cái hay, cái đẹp trong văn hoá của cộng đồng bản địa.

Chúng ta cũng chưa đầu tư thực sự cho loại hình du lịch này. Chi phí đầu tư ít không có nghĩa là chỉ tận dụng vốn tự có. Vẫn ngôi nhà sàn của đồng bào, nhưng để phục vụ khách, đặc biệt là khách nước ngoài, thì nơi ăn ở phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ. Đặc biệt là khu vệ sinh phải văn minh, chứ không thể truyền thống như cư dân bản địa.

Homestay đang nở rộ ở nhiều nơi. Nhà nhà mở homestay, nơi nơi làm homestay. Nhưng có một thực tế là loại hình du lịch cộng đồng này chưa hề được quy hoạch. Có những địa phương dày đặc homestay như Hòa Bình, hoặc một số huyện của Yên Bái, Sơn La… Tuy nhiên, do tài nguyên văn hóa, cảnh quan của một số điểm chưa thực sự đặc sắc nên chưa thu hút được nhiều khách. Trong khi đó, nhiều nơi có tiềm năng, nhưng lại chưa quan tâm phát triển homestay.

Người dân và chính quyền địa phương chưa biết cách làm homestay theo đúng nghĩa của nó. Chưa biết các tổ chức các tour tuyến tham quan, thưởng thức, khám phá văn hóa ở địa phương mình, dù tiềm năng không nhỏ. Nhiều điểm du lịch cộng đồng ở Mù Cang Chải, Điện Biên lúng túng không biết làm thế nào để khôi phục lại các trò chơi, hoạt động văn hóa truyền thống để trình diễn cho du khách.

Một khó khăn nữa cản trở sự phát triển của loại hình du lịch này là do đặc thù địa lý, cơ sở hạ tầng đường giao thông chưa phát triển.

Chủ đề của Ngày Du lịch Thế giới (27/9) năm nay là “Du lịch cộng đồng gắn với phát triển bền vững”. Đây là một động thái nhằm khuyến khích và thu hút sự quan tâm chú ý của cộng đồng, cơ quan quản lý với loại hình du lịch này.

Trong lễ mitting kỷ niệm ngày 27/9, Tổng Cục trưởng Tổng Cục du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết, ngành Du lịch cũng đã có chính sách để phát triển du lịch cộng đồng, song có lẽ để loại hình du lịch này thực sự thành công và bền vững, cần phải có nhiều chính sách hiệu quả, sâu sát hơn nữa, vừa góp phần phát triển du lịch, cải thiện đời sống cộng đồng, vừa bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.

Thời gian qua, nhằm hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch có trách nhiệm, Dự án EU đã hỗ trợ 10 nhà văn hóa xã của 10 cộng đồng trên cả nước (Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Thanh Hóa, Phú Thọ, Kon Tum, Đắk Lắk, Cần Thơ và An Giang) với các trang thiết bị giá trị lên tới 100.000 euro. Đồng thời, Dự án đã và đang triển khai hàng chục khóa tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực thực hành du lịch có trách nhiệm cho các cộng đồng nói trên.Bên cạnh đó, Dự án cũng đã huy động các chuyên gia trong nước và quốc tế xây dựng các tài liệu cho cộng đồng như Sổ tay du lịch cộng đồng và Tài liệu hướng dẫn vận hành du lịch lưu trú tại nhà dân. Các khóa tập huấn cũng đã liên tục được tổ chức hướng tới đối tượng là các cộng đồng có tiềm năng phát triển du lịch.

Hy vọng rằng, với sự quan tâm của ngành du lịch, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế sẽ hỗ trợ và đưa du lịch cộng đồng của Việt Nam phát triển một cách bài bản, tương xứng với tiềm năng.