Về dự án trồng rừng nhiều sai phạm ở Cà Mau: Đáng ngờ việc “thất lạc” hồ sơ

ThienNhien.Net – Một dự án trồng rừng tại U Minh Hạ (Cà Mau) kéo dài 13 năm nhưng khi bị thanh tra thì hồ sơ, chứng từ của 10 năm đầu thực hiện dự án đã biến mất một cách đáng ngờ.

Thanh tra tỉnh Cà Mau vừa công bố kết luận thanh tra đối với Công ty TNHH một thành viên U Minh Hạ (gọi tắt là Công ty U Minh Hạ) liên quan đến quá trình thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng theo Quyết định 661 ngày 29.7.1998 của Thủ tướng Chính phủ (Dự án 661). Dự án này đã được triển khai thực hiện tại U Minh Hạ trong 13 năm (từ 1998-2010) nhưng công ty chỉ cung cấp được cho đoàn thanh tra hồ sơ thực hiện dự án trong giai đoạn 2008-2010. Theo giải trình của lãnh đạo công ty, qua nhiều lần chuyển đổi mô hình và sáp nhập, hiện tại hồ sơ, chứng từ của giai đoạn 1998-2007 đã bị… thất lạc (!).

Dù hồ sơ của dự án trong 10 năm đầu bị thất lạc, nhưng chỉ kiểm tra trong giai đoạn 3 năm cuối dự án (từ 2008 – 2010), thanh tra, đã phát hiện khá nhiều sai phạm. Cụ thể, Công ty Lâm Nghiệp U Minh Hạ (nay là Công ty U Minh Hạ) thực hiện trồng rừng chỉ đạt 68,60% so với phương án được duyệt. Đặc biệt, năm 2009 chỉ đạt 45,01% song chi phí trồng rừng lại vượt 6,02% so với tỷ trọng diện tích thực hiện.

Người dân huyện U Minh làm đơn tố cáo cán bộ thao túng đất rừng (Ảnh: Dân Việt)
Người dân huyện U Minh làm đơn tố cáo cán bộ thao túng đất rừng (Ảnh: Dân Việt)

Thanh tra xác định trong các năm 2008-2009, công ty đã “xén” mất hơn 71,7 triệu đồng tiền hỗ trợ trồng rừng cho 257 hộ dân ở các xã đặc biệt khó khăn ở huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau). Đồng thời, việc hỗ trợ cho 102 hộ dân cũng bị thiếu 462.200 cây tràm giống (trị giá hơn 28,8 triệu đồng) so với thực tế thi công theo phương án được phê duyệt trong giai đoạn này.

Qua xác minh hàng loạt nội dung người dân tố cáo cán bộ thâu tóm đất rừng, thanh tra kết luận những nội dung tố cáo của người dân là có cơ sở, trong đó: Nhiều nhất là các ông Nguyễn Hữu Phước (Phó Giám đốc công ty) có 35ha; ông Nguyễn Ngọc Tuấn (nguyên Giám đốc Lâm trường Sông Trẹm, hiện là Phó ban Dân vận huyện Thới Bình, Cà Mau) cùng với 3 người con của mình có tổng cộng 50ha…

Chỉ kiểm tra, xác minh trong giai đoạn 3 năm cuối thực hiện Dự án 661 nhưng thanh tra cũng đã phát hiện quá nhiều sai phạm đối với đơn vị, cá nhân liên quan. Cho nên dư luận băn khoăn, nếu hồ sơ liên quan đến dự án trong giai đoạn 10 năm trước đó không bị “thất lạc” thì còn bao nhiêu sai phạm nữa. Đáng tiếc, trong bản Kết luận thanh tra số 13 do ông Đinh Phước Thọ – Chánh Thanh tra tỉnh Cà Mau ký ngày 15.8.2014, không có dòng kiến nghị xử lý nào đối với cá nhân, tổ chức đã để thất lạc toàn bộ số hồ sơ trong giai đoạn 10 năm đó.

Theo một cán bộ ngành thanh tra, việc để thất lạc tài liệu, hồ sơ quan trọng trong 10 năm thực hiện một dự án là hy hữu. Bởi thông thường, hồ sơ không chỉ lưu trữ ở một đơn vị mà nhiều đơn vị liên quan. Việc để thất lạc hồ sơ, chứng từ trong giai đoạn 10 năm này sẽ dẫn đến bản chất của các sai phạm không được thể hiện đầy đủ trong kết luận thanh tra.

Quyết định số 218 ngày 29.12.2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành chế độ lưu trữ tài liệu kế toán có quy định rõ: Chứng từ kế toán có thời hạn lưu trữ tối thiểu là 5 năm; sổ kế toán có thời hạn lưu trữ tối thiểu là 20 năm; báo cáo tài chính có thời hạn lưu trữ tối thiểu là 20 năm… Mọi hành vi làm hủy hoại, làm hư hỏng hoặc mất tài liệu kế toán lưu trữ, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.