U Minh Hạ, Cà Mau: Dân bị xén tiền, cắt đất cho quan

ThienNhien.Net – Người dân được Chính phủ hỗ trợ tiền trồng rừng 2 triệu đồng/ha thì bị công ty chặn lại 825.000 đồng/ha.

Thanh tra tỉnh Cà Mau vừa có kết luận thanh tra về những “nghịch lý ở U Minh Hạ” (Pháp Luật TP.HCM đã có loạt bài điều tra vào tháng 9-2012). Theo đó, các trào lãnh đạo quản lý rừng đã qua đều có sai phạm.

Tăng tiền cho cán bộ, xén bớt tiền của dân

Cuối năm 2013, thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra việc thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng theo Quyết định 661/QĐ-TTg năm 1998 của Chính phủ (gọi tắt Dự án 661). Đồng thời kết hợp thanh tra theo tố cáo của người dân và phản ánh của báo chí.

Dự án 661 tại Cà Mau được thực hiện từ năm 1998 với hàng trăm tỉ đồng của ngân sách đã bỏ ra hỗ trợ trồng rừng. Tuy nhiên, khi thanh tra vào cuộc thì các đơn vị quản lý rừng cho biết toàn bộ hồ sơ của dự án ở 10 năm từ 1998 đến 2007 đã “thất lạc trong quá trình chuyển giao các trào giám đốc và tách nhập các lâm ngư trường, công ty lâm nghiệp”, chỉ còn phần hồ sơ của ba năm cuối từ 2008 đến 2010.

Tuy nhiên, chỉ ở ba năm còn hồ sơ, thanh tra vạch ra hàng loạt sai phạm. Theo đó, trong việc trồng rừng, cán bộ được trả tiền cao, dân thì bị xén bớt. Cụ thể, định mức cho chi phí khảo sát thiết kế theo quy định là 50.000 đồng/ha nhưng Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ đã trả cho cán bộ mình mức 168.000 đồng ở năm 2008 và 270.000 đồng ở năm 2009 – cao hơn 3-5 lần so với định mức quy định (tổng mức thanh toán vượt định mức hai năm này là 90 triệu đồng). Trong khi người dân được Chính phủ hỗ trợ tiền trồng rừng 2 triệu đồng/ha thì bị công ty chặn lại 825.000 đồng/ha. Chỉ trong hai năm 2008 và 2009, công ty đã xén bớt của dân hơn 46 triệu đồng.

Sau khi bị cắt đất, nhiều hộ dân ở phân trường Sông Trẹm chỉ còn lại vài công đất ruộng khiến cuộc sống càng khó khăn (Ảnh: Trần Vũ/Pháp luật TP.HCM)
Sau khi bị cắt đất, nhiều hộ dân ở phân trường Sông Trẹm chỉ còn lại vài công đất ruộng khiến cuộc sống càng khó khăn (Ảnh: Trần Vũ/Pháp luật TP.HCM)

Khi vào khai thác ăn chia rừng, công ty trừ của dân thêm khoản tiền gọi là dành cho đầu tư trồng lại rừng. Đến mùa trồng rừng, dân đến nhận giống về trồng. Nhưng thực chất giống này thuộc chương trình hỗ trợ từ Dự án 661 của Chính phủ.

Tuy nhiên, ở ba năm cuối của Dự án 661, diện tích rừng trồng mới thuộc diện được hỗ trợ của dự án chỉ hơn trăm hộ với chỉ vài chục hecta. Trong khi ở những năm đầu của dự án (đã mất hết hồ sơ), số hộ được hỗ trợ mỗi năm là vài trăm hộ với hàng ngàn hecta.

Cắt đất của dân chia cho quan

Thanh tra tỉnh Cà Mau phát hiện hàng loạt cán bộ, công chức được ưu ái cấp đất trong khi dân nghèo đất vốn ít lại bị xén bớt cho quan. Vào năm 1995-1996, Lâm ngư trường Sông Trẹm (nay là phân trường của Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ) đã cắt 500 m phần hậu đất của người dân ở các ấp 19, 20, 21 để giao lại cho người khác. Dân từ chỗ được cấp 7-10 ha đất (30% nông nghiệp, 70% lâm nghiệp), sau khi bị cắt chỉ còn lại 4-5 ha/hộ.

Số đất bị cắt đi được giao cho những người giàu có và quan chức to. Như giao cho ông Trần Công Lộc – lúc bấy giờ là viện trưởng VKSND tỉnh Cà Mau với trên dưới 40 ha. Ông Phạm Minh Hồng – lúc ấy là trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Thới Bình 42 ha… Người dân ấm ức đi thưa kiện khắp nơi không ai giải quyết dù trong tay người dân có hợp đồng thể hiện rõ được giao 1.000 m chiều dài hậu, nay bị cắt còn 500 m. Giám đốc công ty giải thích hồi cắt hậu đất có họp dân, được dân thống nhất và việc ghi chiều hậu đất 1.000 m là do cán bộ ghi nhầm. Tuy nhiên, Thanh tra tỉnh Cà Mau bác cách giải thích này vì không có biên bản họp dân và không có hồ sơ thể hiện cải chính việc ghi nhầm của cán bộ.

Liên doanh với… người nhà

Thanh tra còn phát hiện Công ty Khánh Linh được giao 200 ha đất để trồng rừng nguyên liệu nhưng lại lấy 20 ha đi trồng lúa; ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ, sau thanh lý hợp đồng với đối tượng liên doanh liên kết đã lấy đất lại để hợp tác đầu tư với em ruột mình là Trần Quang Vinh và các nhân viên của mình là Huỳnh Hải Đăng, Lương Tấn Đạt, Trần Mộng Sương. Những người này bị kết luận là không ai có hợp đồng liên doanh liên kết cũ như quy định ưu tiên của UBND tỉnh Cà Mau…