Bán đảo Cà Mau bị sụt lún do khai thác nước ngầm quá mức?

ThienNhien.Net – Do thiếu nước sinh hoạt, phần lớn người dân ở Cà Mau đều khai thác nước ngầm dẫn đến tình trạng sụt lún bán đảo.

Trong bối cảnh nước biển dâng kéo theo hệ quả là những dải rừng ngập mặn, phòng hộ ven biển tỉnh Cà Mau ngày càng suy giảm, càng làm tăng tình trạng xói mòn bờ biển. Hậu quả của tình trạng này theo các nhà khoa học có nguyên nhân sụt lún đất ở quy mô toàn khu vực bán đảo Cà Mau, làm diện tích đất tự nhiên ngày càng mất dần.

Phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn với ông Tô Quốc Nam – Phó GĐ Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn Cà Mau xoay quanh chủ đề này.

Tình trạng khoan giếng để khai thác nước ngầm quá nhiều đã dẫn đến sụt lún bán đảo Cà Mau (Ảnh: VOV Online)
Tình trạng khoan giếng để khai thác nước ngầm quá nhiều đã dẫn đến sụt lún bán đảo Cà Mau (Ảnh: VOV Online)

PV: Thưa ông, theo thống kê cho thấy, toàn tỉnh Cà Mau hiện có gần 1.100 giếng khoan, trung bình hút khoảng 373.000m3/ngày. Do vậy tình trạng khai thác nước ngầm quá mức có phải là nguyên nhân gây sụt lún ở Cà Mau?

Ông Tô Quốc Nam: Theo đánh giá của Viện Địa kỹ thuật Na Uy tại hội thảo thì Cà Mau mỗi năm sụt lún 10 -15 cm. Vấn đề này theo chủ quan của ngành vấn đề sụt lún đất là có. Địa bàn sụt lún là Năm Căn, Ngọc Hiển, các huyện ven biển và TP. Cà Mau. Tôi nghĩ vấn đề khai thác nước ngầm quá mức dẫn đến sụt lún đất. Một trong các nguyên nhân triều cường năm sau cao hơn năm trước. Tôi nghĩ một mặt do triều cường dâng cao, thứ hai là do sụt lún đất.

PV: Do đâu người dân khai thác qua mức lượng nước ngầm ở Cà Mau?

Ông Tô Quốc Nam: Đối với Cà Mau, gần như 6 tháng mùa khô không có nguồn nước ngọt bổ sung. Cà Mau là tỉnh khan hiếm nguồn nước ngọt, do đó bà con bắt buộc sử dụng từ khai thác nước ngầm là chính trong các tháng mùa khô. Hiện nay, trên 80% hộ dân ở nông thôn cũng như thành thị đã sử dụng nguồn nước ngầm trong các tháng mùa khô.

PV: Trước tình hình này các ngành chức năng tỉnh Cà Mau có phương án gì để hạn chế tình trạng khai thác nước ngầm, giảm thiểu tình trạng sụt lún bán đảo Cà Mau?

Ông Tô Quốc Nam: Trong chiến lược về cung cấp nước ngọt phục vụ cho sản xuất cung như trong sinh hoạt, đề nghị Bộ NN&PTNT có chiến lược dài hạn hơn cũng như là dẫn nước từ sông Hậu về hỗ trợ cho Cà Mau. Nếu phục vụ cho sản xuất không được, thì trước mắt đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt của nhân dân của các tỉnh ven biển. Đặc biệt là TP Cà Mau.

Đối với Cà Mau, từ bao đời nay chúng tôi đã thích ứng với việc thiếu nguồn nước ngọt bổ sung. Do đó trong việc bố trí cây trồng, vật nuôi làm sao cho đúng thời vụ, phù hợp những lúc thiếu nước. Đặc biệt Cà Mau không khuyến cáo bà con sản xuất vụ lúa Đông xuân vì ngay vụ này thì không có nước.

Hiện, Cà Mau có 260.000 ha nuôi trồng thủy sản nước lợ. Tỉnh đã bố trí, sắp xếp lại sản xuất. Những vùng sản xuất lúa được, nuôi tôm được thì sẽ bố trí lại 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm. Cà Mau có gần 45.000 ha diện tích đạt tiêu chuẩn nói trên.

Xin cảm ơn ông!.