Tan nát thượng nguồn sông Re – Bài 1

Bài 1: Tìm vàng giữa rừng xanh

ThienNhien.Net – Những tưởng nơi thượng nguồn sông Re (thuộc xã Hiếu, H. Kon Plông, tỉnh Kon Tum) xa xôi sẽ không bị xâm phạm bởi bàn tay con người. Thế nhưng, những điều chúng tôi chứng kiến hoàn toàn ngược lại: thượng nguồn dòng sông bị băm nát bởi vàng tặc. Súng đã nổ, máu đã đổ ở nơi đây!

Sau nhiều lần làm quen, vừa làm “công tác tư tưởng”, A P. một cư dân địa phương mới đồng ý dẫn chúng tôi vượt rừng tiếp cận bãi vàng tại khu vực thôn Kon Piêng, thôn Kon Plinh (xã Hiếu). Có đi mới biết, nếu không có người bản địa dẫn đường, khó có thể tìm đến nơi “vàng tặc” đóng đô. Sau khi “dụi” vội 2 chiếc xe máy vào cuối con đường bị chắn bởi đá và dòng suối, A P. dẫn chúng tôi nhảy qua những tảng đá vượt dòng sông qua con đường mà “vàng tặc” mở vào bãi vàng trái phép. Để có đường đưa máy móc vào làm vàng, các chủ bãi đưa máy múc, máy đào vào múc đất, hạ cây để làm đường. A.P nhận định: “Trữ lượng phải lớn lắm mới đầu tư như thế này”.

Con đường “vàng tặc” đưa máy móc, phương tiện vào bãi khai thác trái phép. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Con đường “vàng tặc” đưa máy móc, phương tiện vào bãi khai thác trái phép. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Sau gần 2 giờ vượt qua nhiều con suối, các cánh rừng đầy vắt, chúng tôi cũng dần tiếp cận bãi vàng ở thung lũng Kon Plinh. Hai bên bờ suối bị băm nát như bom cày, với hố, hầm sâu hút, ống hút nhựa, dàn sàng vàng vứt lăn lóc khắp nơi. A P. chỉ về phía những hầm vàng sâu 10m, rộng hàng chục mét cho biết: “Cách đây mấy tháng ở đây họ (vàng tặc) làm nhiều lắm. Giờ vừa bị truy quét, vừa hết vàng nên họ chuyển xuống phía dưới”. Những lán trại đã được tháo dỡ, nhưng xung quanh vẫn ngổn ngang hàng trăm nghìn mét khối đã bị đào xới, hàng trăm gốc cây rừng bị đốn hạ phục vụ cho việc bới đất hút vàng, vừa làm lán trại. Dòng sông Re gần như bị vùi lấp hoàn toàn bởi đất mà “vàng tặc” đào bới ra. Chỉ chưa đầy 1km đã có đến 3 bãi vàng khai thác dang dở, mùi xyanua còn bốc nồng nặc và bám vết ố đỏ trên những viên đá dọc bờ sông.

Những hố, hầm vàng mà “vàng tặc” cày nát dọc thượng nguồn sông Re (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Những hố, hầm vàng mà “vàng tặc” cày nát dọc thượng nguồn sông Re (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Tưởng chừng như những cuộc truy quét của chính quyền địa phương đã đẩy đuổi “vàng tặc” ra khỏi nơi đây, song A P. ghé tai tôi thì thầm: “Còn đấy! Đi xuống dưới nữa vẫn còn bãi họ đang làm! Nhưng cẩn thận, bọn chúng có cả dao, súng, anh em mình không cẩn thận là nằm lại giữa rừng sâu đó!”. A.P và chúng tôi đều lo ngại, nên A.P quyết định tiếp cận bãi vàng này bằng con đường vòng đi xuyên qua những cánh rừng đầy gai mây và vắt để ghi hình. 15 phút sau, chúng tôi đã ở đối diện bên kia bãi vàng, nơi “vàng tặc” vẫn ngang nhiên hoạt động. Máy hút được đẩy sát vào bìa rừng dọc suối, lán trại vẫn được dựng lên và có khoảng 8-10 lao động công khai khai thác.

Bãi vàng khai thác trái phép mà lâm tặc vẫn hoạt động (Ảnh chụp ngày 20/8/2014 - Công an TP Đà Nẵng)
Bãi vàng khai thác trái phép mà lâm tặc vẫn hoạt động (Ảnh chụp ngày 20/8/2014 – Công an TP Đà Nẵng)

Bên triền sông, chiếc máy hút nổ chọc ống vào hầm vàng bên bờ suối, ầm ì hoạt động hết công suất hút từng dòng nước đục ngầu đất lên máng đãi. Thi thoảng, từ trong lán trại một người đàn ông khoảng 30 tuổi đi ra kiểm tra bên máng. Bên trong lán, vài người đàn ông khác đang ngủ vật vạ trên sàn. A P. khẽ kéo tôi rồi chỉ lên bầu trời: “Sắp mưa rừng rồi, ra nhanh không chứ không có đường về đâu! Mình dẫn lên trên kia, bãi của hai “ông trùm” lớn nhất ở đây!”.

Máy hút lên dàn sàng của “vàng tặc” vẫn hoạt động. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Máy hút lên dàn sàng của “vàng tặc” vẫn hoạt động. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Chúng tôi lại nhón từng bước chân về lại bên bờ sông. A P. tiếp tục dẫn chúng tôi đi men theo con đường mòn ven suối mà lâm tặc đã mở để vận chuyển lương thực, mắm muối, xăng dầu vào tận nơi cũng như tránh cơn mưa rừng về đột ngột. Gần 2 tiếng đồng hồ sau, chúng tôi tiếp tục chứng kiến một bãi vàng khác với quy mô khá lớn ngay tại thung lũng núi Kon Piêng, nơi đánh dấu lãnh địa của 2 “ông trùm” làm vàng Ngàn – Thùy và những trận thanh toán nhau đổ máu. Tương tự sông Re, nơi này cũng như trải qua một trận “mưa bom” với những hố, hầm, những đống đất, đá được đào lên để tìm vàng chất cao như núi và trải rộng trên hơn 500m2.

Lán trại, nơi in trận thanh toán nhau giữa 2 “ông trùm” vẫn còn đó trong việc tranh giành lãnh địa, mua đất sản xuất của người dân để “bới” vàng. Qua tìm hiểu thông tin, chúng tôi được biết “vàng tặc” vừa rút hết máy đào, máy múc cách đây vài hôm, bởi thời điểm cao nhất ở khu vực dọc sông Re này có 5 máy đào, hàng chục máy hút, máy sàng và hàng trăm người làm vàng ở đây. “Họ khai thác vàng ở đây rồi cô vàng ở đây, đợi đêm xuống vàng sẽ được hộ tống ra thôn. Ra đây đã có ô-tô con đợi sẵn và vàng họ chở đi đâu thì không ai biết được”, A P. cho biết thêm.