Đắk Nông: Nhà xây bất thường trên đất sắp thu hồi khai thác alumin

Xây mới, cơi nới nhà cửa, nhiều căn tạm bợ nhưng diện tích lên đến 300-400m2 đang là hiện tượng bất thường nhưng khá phổ biến tại hai xã Nghĩa Thắng và Đắk Wer.

Xây mới, cơi nới nhà cửa, nhiều căn tạm bợ nhưng diện tích lên đến 300-400m2 đang là hiện tượng bất thường nhưng khá phổ biến tại hai xã Nghĩa Thắng và Đắk Wer (huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông).

Một căn nhà được xây dựng tạm bợ, vội vàng, bên ngoài là một hàng rào bít kín, không có cả lối vào. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Không chỉ nhà cửa, cổng rào, tường rào, giếng khoan cũng được xây dựng tạm bợ nhưng quy mô lớn bất thường.

Mục đích của người xây dựng là chờ được kiểm đếm, đền bù khi thu hồi đất khai thác quặng bôxít.

Những căn nhà không người ở

Không vật dụng, không vách ngăn dù diện tích lên đến hàng trăm m2, không người ở, thậm chí không có cổng vào là tình trạng chung của hàng loạt căn nhà vừa được mọc lên tại các thôn Bù Đốp, Quảng Sơn (xã Nghĩa Thắng).

Đi dọc tuyến đường chính dẫn vào các thôn nêu trên, phóng viên không khỏi bất ngờ bởi quá nhiều căn nhà được xây dựng tạm bợ, nằm trên diện tích gần 300ha đất dự kiến thu hồi để khai thác quặng alumin từ nay đến năm 2021.

Bên ngoài các căn nhà là hệ thống tường rào được xây bằng bêtông, có những hàng rào kéo dài cả trăm mét.

Thử đi vào bên trong một số căn nhà, phóng viên nhận thấy điểm chung là mọi thứ đều tạm bợ. Nền móng không có hoặc được làm sơ sài. Tường được xây lên nhưng không tô vữa hoặc làm rất sơ sài. Bên trên được đóng bằng ván gỗ chắp vá loang lổ.

Bên trong, nhiều căn nhà vẫn còn nền đất hoặc phủ nền ximăng. Hầu hết không có vách ngăn, cửa sổ, vật dụng nhưng đa số có giếng khoan. Một số căn được khóa cửa, số khác thì được bỏ mặc cửa, hoặc không có cửa ra vào.

Hàng chục căn nhà đã được xây dựng mới hoặc cơi nới trên diện tích gần 300ha đất sắp được thu hồi để khai thác quặng bôxít. Nhiều căn nhà được dựng lên nằm khuất dưới tán cao su, tại những vị trí thậm chí không có đường vào.

Theo một người dân tại xã Nghĩa Thắng, gia đình làm nhà trước thời điểm công bố quy hoạch thu hồi đất. Mục đích là làm chòi trên rẫy để chứa nông sản, để các vật dụng phục vụ sản xuất và sinh hoạt, trú mưa nắng mỗi khi đi làm rẫy.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc các căn nhà được dựng lên mới chỉ 1-2 tháng trở lại đây liệu có phải để được kiểm đếm, đền bù? Một hộ dân cho rằng không biết việc thu hồi đất, chỉ biết rằng có nhu cầu sử dụng thì làm. Còn việc làm chòi rộng thì do nhu cầu bao nhiêu thì làm bấy nhiêu.

Một tường rào dài hàng trăm mét được xây dựng trên đất trồng cao su tại xã Kiến Thành, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông, hoàn thành đúng vào thời điểm công bố kế hoạch thu hồi đất. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Ông Mai Chiến Thắng, Phó Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV, cho biết vào các ngày 4-5/4 và 22/4 vừa qua, công ty phối hợp với ngành chức năng huyện Đắk R’Lấp và chính quyền hai xã Nghĩa Thắng, Đắk Wer tổ chức công bố kế hoạch thu hồi đất khai thác mỏ bôxít từ nay đến năm 2021. Dự kiến sẽ có tổng cộng 288ha được thu hồi để khai thác quặng bôxít phục vụ chế biến alumin.

Ngay sau khi công bố, công ty đã phối hợp với ngành chức năng bàn giao ranh giới, ghi nhận hiện trạng và nhận thấy đa số đất đai đã được trồng xen rất nhiều loại cây. Nhiều căn nhà, tường rào, giếng khoan đã được xây dựng, cơi nới, khoan mới.

Tình trạng này đang gây ra nhiều khó khăn cho quá trình kiểm kê, đền bù và giải phóng mặt bằng. Mong muốn của công ty là các ngành chức năng vận động tuyên truyền các hộ dân về các quy định liên quan. Đồng thời xử lý các đối tượng cố tình làm nhà để trục lợi từ chính sách đền bù.

Công khai, minh bạch trong thống kê, đền bù

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân xã Nghĩa Thắng, từ ngày công bố quy hoạch thu hồi đất (4-5/4) đến ngày 2/5 vừa qua, toàn xã có 27 căn nhà xây dựng trái phép với tổng diện tích hơn 4.000m2; trong đó, căn có diện tích lớn nhất gần 400m2.

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân xã Đắk Wer cho biết đang tiến hành việc thống kê và sẽ có báo cáo cụ thể sau.

Ông Lê Mai Toản, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đắk R’Lấp, cho hay việc thu hồi đất để khai thác quặng bôxít được đa số người dân thuận tình, ủng hộ. Bà con mong muốn Nhà nước sớm hoàn thành việc kiểm kê, trả tiền sớm để bà con sớm ổn định cuộc sống.

Ngành chức năng của huyện cũng phối hợp với Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV hoàn thành việc công bố, cắm mốc giới tại các khu vực dự kiến thu hồi từ nay đến năm 2021. Có hơn 210 hộ dân thuộc diện bị thu hồi đất đai, nhà cửa trong đợt này.

Trước tình trạng nhà cửa, vật kiến trúc được xây mới, cơi nới bất thường, huyện đã chỉ đạo thành lập hai tổ phản ứng nhanh. Một là tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định của Nhà nước về thu hồi đất, không tự tiện cơi nới nhà cửa, trồng mới cây trồng để chờ đền bù. Hai là lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp cố tình vi phạm, làm căn cứ thực hiện giải tỏa, đền bù.

Cơ quan công an cũng đã vào cuộc xác minh, điều tra các trường hợp có dấu hiệu lợi dụng việc thu hồi đất để xây nhà, vật kiến trúc nhằm trục lợi chính sách đền bù.

Bên trong một căn nhà không phải để ở được xây dựng tại khu vực chuẩn bị thu hồi đất khai thác bôxít, không có điện, nước, vật dụng. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Ông Lê Mai Toản chia sẻ thêm theo quy định của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông, các trường hợp làm nhà không hợp pháp, không đúng quy định sau thời điểm ngày 1/1/2014 sẽ không được hỗ trợ, đền bù. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất.

Huyện chỉ đạo hai xã Nghĩa Thắng, Đắk Wer thành lập hội đồng gồm lãnh đạo xã, các ngành đoàn thể, già làng hoặc những người cư trú lâu năm, có uy tín đứng ra thẩm định thời điểm xây dựng nhà cửa. Đây là cơ sở để quyết định chính sách đền bù.

Quan điểm của Ủy ban Nhân dân huyện Đắk R’Lấp là thực hiện chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng đúng các quy định pháp luật. Không bồi thường, hỗ trợ đối với các trường hợp, đối tượng không đúng quy định, tránh tình trạng không công bằng giữa các hộ dân cũng như tiền lệ xấu về sau.

Dự kiến, từ nay đến năm 2050, sẽ có khoảng 3.000ha đất tại huyện Đắk R’Lấp được giải tỏa, thu hồi để khai thác quặng bôxít. Các ngành chức năng cần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong diện bị thu hồi đất sớm ổn định cuộc sống cũng như xử lý nghiêm các hành vi, các đối tượng cố tình trục lợi từ chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng của Nhà nước.