Vươn lên nhờ làm nông theo hướng công nghiệp

ThienNhien.Net – Ngày 24/08, tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ III, 66 nông dân đã được tuyên dương và nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Tất cả họ đều là những người nông dân hàng ngày bám ruộng, bám đồng, quyết tâm làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội, với niềm đam mê, cần cù, chịu khó, mạnh dạn áp dụng công nghệ, kỹ thuật mới.


Mạnh dạn áp dụng chuẩn quốc tế

Ít ai nghĩ rằng một lão nông ở cái tuổi thất thập cổ lai hy vẫn hăng say tăng gia sản xuất, trăn trở với những phương thức khoa học kỹ thuật để áp dụng hiểu quả cho vụ mùa chôm chôm đạt năng suất cao. Đó là ông Võ Văn Hớn, sống tại Ấp Phụng Đức B, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre năm nay đã trên 70 tuổi.

Vốn xuất thân trong gia đình nghèo, thuần nông, khi mới lập nghiệp, ông gắn bó với nghề trồng cam, quýt. Nhưng sau 10 năm, thấy năng suất không cao, cây trái thường bị bệnh nhiều, ông quyết định chuyển sang trồng chôm chôm. Đây là cây cổ thụ, dễ trồng, không kén đất. Tuy nhiên, thời gian đầu ông cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Không nản chí, với quyết tâm đưa gia đình thoát nghèo, năm 2000, ông Hớn đã rút kinh nghiệm và có sáng kiến dùng ni lông đậy gốc cây chôm chôm, “xiết nước khô mương” cho ra hoa trái vụ. Kết quả thật bất ngờ, cây ra trái tốt và vì trái vụ nên giá cao gấp 7 lần so với chính vụ. Nhờ thành công này, gia đình ông đã cải thiện được đời sống. Không chỉ vậy, ông còn giúp đỡ bà con làng xóm kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật, nhân rộng mô hình trồng chôm chôm năng suất cao.

Đến nay, dù đã lớn tuổi, ông không quản ngại học hỏi những kỹ thuật tiên tiến, áp dụng các phương pháp trồng trọt hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế. Tháng 10/2009, ông bắt đầu sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) và được xuất khẩu chôm chôm nhờ đạt được những tiêu chuẩn gắt gao về chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm của quốc tế.

Hiện ông đã trồng 6,4 ha vườn chôm chôm đạt Global GAP. Đó không chỉ là niềm vui riêng với ông mà còn là niềm vui lớn cho bà con miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long.


Anh Phạm Ngọc Tuấn. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Nuôi lợn theo hướng công nghiệp

Cùng với lão nông Võ Văn Hớn, anh Phạm Ngọc Tuấn (xã Liêm Tuyền, huyện Thanh Liêm, Hà Nam) cũng là một gương mặt nông dân điển hình với mô hình chăn nuôi lợn tập trung theo hướng công nghiệp.

Anh Tuấn cho biết, để xây dựng khu chăn nuôi lợn tập trung theo hướng công nghiệp, anh phải học hỏi, tìm hiểu những mô hình làm kinh tế giỏi ở khắp nơi, mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật về quản lý chăm sóc, nuôi dưỡng theo quy trình an toàn sinh học, xử lý phân chuồng bằng thức ăn vi sinh, không mùi, không gây ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, trang trại của anh đã xây dựng 5 chuồng lợn 3.000m2, với hệ thống dây chuyền khép kín từ khu lợn đẻ đến khu cai sữa sau đó chuyển sang nuôi thịt và xuất chuồng; có hệ thống máng ăn, uống tự động; hệ thống chống nóng, làm mát, quạt hút gió và dàn phun mưa trên mái; hệ thống nước rửa chuồng được đưa về hầm biogas; hệ thống cây xanh xung quanh đảm bảo không khí trong lành.

Bởi vậy, trong khi rất nhiều hộ chăn nuôi phải gạt nước mắt tiêu hủy những đàn lợn vì dịch tai xanh thì trang trại của anh vẫn an toàn. Điều này là nhờ anh đã áp dụng 4 bước trong chăn nuôi: thứ nhất, phòng chống dịch từ xa, người vào trại phải phun thuốc sát trùng. Thứ hai, xe chở lợn xuất chuồng được sát trùng và đi theo đường riêng. Thứ ba, chuồng trại luôn được vệ sinh sạch sẽ, tiêm phòng vắc xin cho lợn đều đặn. Cuối cùng, bổ sung chất dinh dưỡng nhằm tăng sức đề kháng cho lợn; con nào còi, ốm thì cách ly riêng để điều trị, tiêm thêm kháng sinh để chống viêm nhiễm.