Đường đi của gỗ quý

ThienNhien.Net – Những cánh rừng đại ngàn ở H. Kbang được xem như khá đặc hữu ở tỉnh Gia Lai với nhiều loại cây gỗ quý, có tuổi thọ hàng trăm năm. Song những cánh rừng như thế đang dần rỗng ruột khi lâm tặc dùng đủ mọi cách để triệt hạ và dễ dàng “qua mặt” lực lượng bảo vệ rừng hay được sự tiếp tay của một số cán bộ Kiểm lâm biến chất.

Từ “xẻ thịt” rừng Hương…

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, những cánh rừng đại ngàn của H. Kbang lại rền tiếng cưa máy, tiếng cây đổ, nhất là các khu rừng thuộc các xã phía Bắc của huyện như Sơn Lang, Kroong, Đăk Rong… Đặc biệt trong nhóm gỗ quý, gỗ Hương (nhóm I) trở thành mục tiêu khai thác và săn lùng hàng đầu của các nhóm mua bán, khai thác gỗ trái phép. Từ đầu năm 2013 đến nay, riêng đối với gỗ Hương đã xảy ra 66 vụ vi phạm, trong đó khai thác trái phép 29 vụ, vận chuyển, cất giấu, mua bán trái phép 37 vụ. Với 300 cây gỗ Hương có đường kính từ 35cm đến hơn 1m được tỉnh Gia Lai thống kê nhằm bảo tồn gene, thế nhưng từ đầu năm đến nay đã có 47 cây gỗ Hương với khối lượng gần 140m3 thuộc lâm phần Cty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Pa đã bị lâm tặc đốn hạ.

Điều đáng chú ý là từ đầu tháng 3-2014 đến đầu tháng 4-2014, ròng rã một tháng trời, mỗi ngày lâm tặc chặt hạ từ 2-3 cây gỗ Hương khu vực gần đường đi nhưng bảo vệ rừng của Cty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Pa, Kiểm lâm địa bàn, Kiểm lâm cơ động tỉnh thường xuyên có mặt tuần tra kiểm soát trên địa bàn xã Kroong không hay biết. Chỉ đến khi kiểm tra, hàng chục cây Hương cổ thụ đã bị đốn hạ trơ gốc, có cây đã bị lâm tặc xẻ thành phách, có cây vẫn chưa kịp xẻ còn ứa nhựa. Tình trạng vận chuyển gỗ Hương cũng nóng bỏng hơn bao giờ hết nhưng lực lượng Kiểm lâm, bảo vệ rừng phát hiện chỉ nhỏ giọt.

Nhiều vụ vận chuyển lâm sản trái phép đều được cơ quan CAH phát hiện, xử lý. Đầu tháng 7-2014, CQCSĐT CAH Kbang vừa kết luận điều tra vụ án đối với Nguyễn Công Cường (1994, trú tại TT Kbang, H. Kbang) vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng và chuyển hồ sơ, vật chứng vụ án, bị can qua VKSND huyện khởi tố. Trước đó, vào ngày 11-4-2014, Cường được một đối tượng (nói giọng Quảng Bình) thuê chở 59 hộp gỗ Hương từ làng Klư (thôn 5, xã Kroong) về thị trấn Kbang với giá 7 triệu đồng. Tuy nhiên, khi đến địa bàn làng Tăng (thôn 5, xã Lơ Ku, H. Kbang) thì bị lực lượng tuần tra của CAH Kbang phát hiện, bắt giữ, thu giữ trên xe tổng khối lượng gần 6m3 gỗ Hương (qui ra gỗ tròn gần 9,5m3).

Nguyễn Công Cường cùng tang vật (Ảnh: Công an TP.Đà Nẵng)
Nguyễn Công Cường cùng tang vật (Ảnh: Công an TP.Đà Nẵng)

… Đến kiểm lâm hộ tống gỗ lậu

Đầu tháng 7-2014, CAH Kbang cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Hồ Như Khôi (1982, trú thôn 7, xã Đông), Nguyễn Ngọc Quýnh (1963, trú tổ dân phố 18, TT Kbang), Hồ Văn Vĩnh (1974, trú thôn 5, xã Đông), Văn Hoàng Tùng (1991, trú xã Đông), Nguyễn Cảnh Dinh (1971, trú TT Kbang) và Phạm Văn Đạt (1983, trú TT Kang) cùng H. Kbang về hành vi vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng. Sự việc khiến dư luận xôn xao bởi Khôi chính là cán bộ của Hạt kiểm lâm H. Kbang, phụ trách địa bàn xã Kon Pne nhưng đã trực tiếp đi hộ tống cho chiếc xe chở gần 21m3 gỗ lậu gồm các loại gỗ Bách Xanh (nhóm IIA), gỗ Sao Cát (nhóm III) và gỗ Tô Hạp (nhóm V).

Qua điều tra, xác định Nguyễn Ngọc Quýnh sau khi xẻ hộp cây gỗ Sao Cát (bị đối tượng lâm tặc khác cắt hạ trước đó) tại xã Kon Pne (H. Kbang) thì gặp Khôi và “ngỏ ý” nhờ Khôi chuyển giúp số gỗ đã xẻ ra các trạm bảo vệ rừng để ra thị trấn Kbang tiêu thụ. Không những không ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật của Quýnh mà Khôi còn đồng ý “giúp đỡ” và “đề nghị” Quýnh tới gặp anh ruột mình là Hồ Văn Vĩnh để thuê xe BKS 81C-01628 của Vĩnh chở số gỗ trên ra với giá 30 triệu đồng. Sau khi Quýnh thuê Dinh, Đạt bốc gỗ cho Quýnh, còn Vĩnh thuê thêm Tùng lái xe cho mình rồi chở cả bọn được Khôi “bảo kê” đi vào khu vực tập kết gỗ tại xã Kon Pne.

Do có sự thống nhất từ trước giữa Quýnh và Khôi, việc đưa xe chở gỗ qua trạm gác cửa rừng là do Khôi chịu trách nhiệm. Về phần Quýnh, sau khi chất số gỗ Sao Cát lên thì tiếp tục cho 2 người khác đưa lên xe 9 hộp gỗ xẻ và 2 lóng gỗ tròn (gỗ Bách Xanh) và 15 hộp gỗ xẻ (gỗ Bách Xanh). Sau đó, Quýnh nhờ người đi mua 4 tấn củ mỳ tươi bốc đổ phủ lên toàn bộ gỗ trên xe để ngụy trang và đưa 14 cây gỗ xẻ (6x12cm) loại gỗ Tô Hạp để lên phía trên nhằm lấy cớ “anh Khôi nhờ đưa 14 cây gỗ xẻ này về để làm nhà”.

Chiều ngày 13-6, Khôi mặc đồng phục kiểm lâm rồi dùng xe máy chạy trước dẫn đường cho chiếc xe tải trên. Khi qua trạm gác cửa rừng của Cty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Rong, Khôi đã vào xin qua trạm và được nhân viên ở đây cho đi. Đến khoảng 18 giờ khi đến trạm gác cửa rừng Cây Đa của Cty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Pa, Khôi tiếp tục vào xin cho xe qua với lý do “tranh thủ xe chở mỳ ra nên có bỏ thêm 14 cây gỗ xẻ về làm nhà”. Tuy nhiên, nghi ngờ thái độ của Khôi, nhân viên trạm đã kiểm tra lại và phát hiện một số lượng gỗ lớn phía dưới đống củ mỳ nên không đồng ý cho qua và chặn xe lại.

Điều đáng nói là sau khi nhận được tin báo của nhân viên trạm gác cửa rừng nhưng về phía lãnh đạo Cty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Pa và một số cán bộ kiểm lâm của Hạt kiểm lâm H. Kbang có mặt tại hiện trường nhưng không có hướng xử lý nào. Vài tiếng sau, chỉ đến khi tổ công tác của CAH Kbang có mặt tại hiện trường mới kiên quyết xử lý vụ việc, lập biên bản và đưa ô-tô BKS 81C-01628 cùng toàn bộ tang vật, các bên liên quan về trụ sở xử lý.

Liên quan đến việc 47 cây Hương với gần 140m3 bị đốn hạ nhưng không có một đối tượng nào bị xử lý, các cơ quan chức năng chỉ giải thích: do phát hiện lẻ tẻ từng vụ nên không thể khởi tố, truy tìm đối tượng. Điều đó khiến dư luận nghi ngờ rừng Hương bảo tồn gene ở Kbang mấy chốc sẽ không còn, bởi lâm tặc cứ chặt phá rồi để đấy, cơ quan chức năng lại phát hiện, lại tịch thu, lại thuê phương tiện đưa ra và lâm tặc chỉ chờ… đấu giá rồi mua lại một cách hợp pháp.