Cao su Việt Nam vượt khó để tăng sức cạnh tranh – Bài 2

Khó khăn đến từ phía cầu sụt giảm

ThienNhien.Net – Theo đánh giá của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), bước vào năm 2014, ngành cao su Việt Nam, phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do nền kinh tế thế giới và trong nước chưa có tín hiệu khởi sắc. Tình hình này cũng khiến thị trường tiêu thụ cao su thiên nhiên trong nước và quốc tế trì trệ, sụt giảm mạnh so với đỉnh điểm năm 2011. Cùng với đó, nguồn cung dồi dào từ các quốc gia có thế mạnh về cao su đã tạo áp lực giảm giá từ đầu năm đến nay và dự kiến sẽ tiếp tục khó khăn trong thời gian tới.

Từ khủng hoảng thừa 

Theo báo cáo của Tổ chức nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG), sản lượng cao su thiên nhiên thế giới trong năm 2014 sẽ thừa khoảng 714.000 tấn. Trong khi đó, Công ty tư vấn Rubber Economist ở Luân Đôn dự báo, sản lượng cao su thiên nhiên năm nay sẽ thừa khoảng 652.000 tấn so với nhu cầu tiêu thụ thay vì 366.000 tấn như dự báo trước đó do sản lượng mủ của Thái Lan tăng nhanh, tạo ra lượng tồn kho lớn nhất trong vòng một thập niên trở lại đây. Hiện tại, giá cao su còn khoảng 1.840 USD/tấn, giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm 2013 và giảm khoảng 60% so với thời kỳ đỉnh điểm (tháng 2 năm 2011). Chính vì giá cao su thế giới liên tục sụt giảm đã làm ảnh hưởng mạnh đến việc sản xuất, xuất khẩu cao su của Việt Nam.

Phân tích từ các nguồn thông tin, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dự báo, thị trường cao su thế giới sẽ tiếp tục dư thừa trong 2 năm tới, tuy nhiên mức thặng dư sẽ thu hẹp lại bởi nhu cầu sẽ tăng trưởng tốt hơn (năm 2015 sẽ thừa 483.000 tấn và 2016 là 316.000 tấn mủ cao su). Trong bối cảnh đó, những năm tới Việt Nam có thêm khoảng 400.000 ha cao su đưa vào khai thác, sản lượng mủ sẽ tiếp tục tăng lên, tạo áp lực rất lớn cho tiêu thụ.

Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho biết, giá cao su xuất khẩu giao dịch cuối tháng 6 đầu tháng 7/2014 giữ ở mức từ 36-41 triệu đồng/tấn mủ sơ chế tùy loại, trong khi giá thành sản xuất mủ đang ở mức 40 triệu đồng/tấn.

Ảnh minh họa: ThienNhien.Net
Ảnh minh họa: ThienNhien.Net

Đến nguy cơ giảm giá 

Phát biểu tại cuộc họp tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh mới đây về sản xuất cao su năm 2014, ông Trần Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc VRG cho biết, có 3 kịch bản được đưa ra trong thời gian tới là: mức giá tốt ở 2.500 USD/tấn; giá vừa ở mức 2.000 USD/tấn và kịch bản xấu giá thấp là 1.500 USD/tấn, trong đó khả năng giá ở mức 2.000 USD/tấn trong vòng 3 năm tới là có cơ sở. Tuy nhiên, người trồng cao su cần tính toán theo chiều hướng thấp nhất để chủ động hạ giá thành sản phẩm. Riêng đối với VRG, ông Thuận cho hay, ở mức giá 42 triệu đồng/tấn người trồng cao su vẫn có lãi từ 3-5 triệu đồng/tấn. Ngoài ra, trong 38 triệu đồng giá thành, tiền lương công nhân chiếm 50%, điều này góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo ông Trần Ngọc Thuận, giá cao su hiện nay không phải là quá thấp mà chỉ thấp hơn so với những năm giá đạt đỉnh như 2011-2012. Trong điều kiện giá cao su hiện nay, người trồng cao su vẫn làm ăn có lãi, tất nhiên lợi nhuận không thể bằng như các năm trước. Chính vì vậy, người dân chỉ nên chuyển đổi hoặc trồng mới những vườn cây có quá trình đầu tư và giống không tốt hoặc trồng trên loại đất không phù hợp.

Đánh giá về sự phục hồi của thị trường cao su thế giới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã nhận định, nhu cầu cao su của thế giới vẫn tăng nhưng dư thừa cao su trước mắt đã làm giá sụt giảm, tuy nhiên, chênh lệch cung cầu sẽ rút ngắn dần trong vài năm tới nhờ kinh tế đang phục hồi. Do vậy, Bộ trưởng cho rằng, các đơn vị liên quan cần thông tin rõ nguyên nhân và triển vọng của thị trường cao su để người dân hiểu rõ bản chất của khó khăn hiện nay, bình tĩnh ứng phó để duy trì phát triển vì cây cao su là cây lâu năm, cần tính toán hiệu quả trên 25 năm. Ngành cao su cần rà soát quy hoạch, không chạy theo diện tích, thúc đẩy việc tái cơ cấu ngành và kiên trì phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững, nâng cao giá trị giá tăng.

Về thị trường, mặc dù hiện nay Việt Nam đã xuất khẩu cao su tới 70 thị trường trên thế giới, tuy nhiên, hiện Trung Quốc vẫn là nơi nhập khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam nhưng cũng là thị trường có nhiều biến động thất thường nhất. Đánh giá của Cục Trồng trọt cho thấy, do tình hình kinh tế chung, nhu cầu nhập khẩu cao su vào Trung Quốc đang giảm cộng với những diễn biến phức tạp trên Biển Đông đã ảnh hưởng đến ngành cao su trong nước. Vì vậy, về lâu dài bên cạnh việc duy trì quan hệ kinh tế bình thường với Trung Quốc thì ngành cao su cần tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và tìm kiếm các thị trường tiềm năng có nhu cầu lớn, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Với bài toán khó khăn do tình trạng giá mủ cao su xuống thấp, VRA cũng đã có những đề xuất như: giảm cường độ cạo, ví dụ trước đây 3 ngày cạo 1 lần thì nay nên chuyển sang 4 ngày cạo 1 lần, vừa đảm bảo dưỡng cây tốt hơn, giảm sản lượng và giảm giá nhân công; không mở cạo sớm và tạm kéo dài các năm cuối của thời gian kiến thiết cơ bản; tái canh bằng giống mới cao sản… Trong lúc này, VRA cho rằng, Nhà nước cần xem xét tháo gỡ khó khăn về thuế giá trị gia tăng trong kinh doanh xuất khẩu cao su, đưa thuế xuất khẩu cao su trở lại mức 0%…. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp trước mắt, về lâu dài còn cần những phương án đồng bộ ở cả tầm vĩ mô và sự nỗ lực của các doanh nghiệp, bà con nông dân sản xuất cao su tiểu điền.