Ngành chăn nuôi đẩy mạnh thụ tinh nhân tạo cho gia súc

Sau khi trải qua các tác động ghê gớm của thiên tai (đợt rét lịch sử vụ Đông Xuân 2008) và dịch bệnh (dịch tai xanh xảy ra từ tháng 05/2008), ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với một khó khăn được đoán trước: Thiếu giống để tái sản xuất.

Một trong những giải pháp để thúc đẩy sản xuất và cung ứng đủ giống cho thị trường đầu vào của chăn nuôi là phát triển công tác thụ tinh nhân tạo (TTNT). Cùng với sự lớn mạnh của ngành chăn nuôi trong những năm gần đây, công tác TTNT cũng khá phát triển. Số cơ sở TTNT lợn trong cả nước tăng từ 282 cơ sở năm 2000 lên 549 cơ sở năm 2007, tốc độ tăng bình quân đạt 10,0%/năm.

Bình quân năng suất mỗi lợn đực giống tại các cơ sở TTNT đáp ứng phối giống cho 320-400 con lợn nái/năm trong khi lợn nhảy trực tiếp chỉ đáp ứng được 30- 33 nái/năm. Vì vậy, ưu thế của công tác TTNT lợn đã góp phần không nhỏ cho công tác cải tạo giống lợn, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong ngành chăn nuôi. Nhận thức rất rõ đóng góp tích cực của công tác TTNT trong chăn nuôi lợn, nhiều tỉnh như Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình, Đồng Tháp, Bình Thuận, Lâm Đồng, Quảng Trị… đã có nhiều chính sách ưu tiên hỗ trợ, khuyến khích riêng cho TTNT.

Tuy nhiên, công tác TTNT lợn còn đang phải đối mặt với nhiều thứ “vướng”: Tuy số cơ sở TTNT tăng nhưng hiện số lượng lợn đực giống tại các cơ sở này còn ít (chỉ chiếm 5,2% tổng đàn lợn đực cả nước), tỷ lệ TTNT chỉ đạt bình quân 29,1% tổng đàn nái. Tổng số liều tinh tiêu thụ hàng năm tại các cơ sở TTNT hiện là 4,55 triệu liều trong tổng số 5,77 triệu liều tinh sản xuất, tức liều tinh tiêu thụ chỉ chiếm 79,0% tổng số liều tinh sản xuất ra. Số lượng dẫn tinh viên lợn hiện khoảng 10,4 ngàn người nhưng tỷ lệ người chưa qua đào tạo cơ bản còn cao (41,4%) nên kết quả thụ tinh có chửa cho nái còn thấp.

Công tác TTNT bò còn ít thành công hơn. Cả nước hiện mới chỉ có duy nhất 1 cơ sở nuôi bò đực giống và sản xuất tinh bò đông lạnh, các cơ sở cung ứng vật tư kỹ thuật TTNT vùng cũng chưa nhiều và chủ yếu làm dịch vụ. Số lượng dẫn tinh viên hiện có khoảng 3.225 người được đào tạo và 1.485 người đang hoạt dộng dịch vụ phối giống bò.

Tuy còn nhiều khó khăn nhưng công tác TTNT bò đã đạt được nhiều kết quả rất đáng kích lệ. Hàng năm ở nước ta có trên 500 ngàn con bò cái được TTNT, thích nghi tốt với điều kiện chăn nuôi trong nước mà năng suất thịt, sữa cao hơn bò địa phương 30 -40%. TTNT bò thực sự đã góp phần quan trọng vào tốc độ phát triển đàn bò Việt Nam (tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2001 -2007 đạt 11,8%/năm), tỷ lệ bò lai hiện chiếm hơn 30% tổng đàn bò cả nước. Chưa kể giá trị giống bò lai Zebu thường cao hơn bò địa phương 40 -50% nên TTNT còn góp phần tích cực đem lại lợi nhuận tốt cho người chăn nuôi.