Ấn Độ xây hàng nghìn nhà vệ sinh để cứu “dòng sông linh thiêng”

ThienNhien.Net – Chính phủ Ấn Độ sẽ xây dựng hàng nghìn nhà vệ sinh ven sông để cứu dòng sông Hằng linh thiêng. Động thái này nhằm ngăn chặn việc hàng triệu người dân lâu nay vẫn xem dòng sông là “nhà vệ sinh ngoài trời”.

Chính phủ Ấn Độ đã cam kết sẽ xây dựng hàng nghìn nhà vệ sinh công cộng dọc bờ sông Hằng dài hơn 2.400 km. Bộ Vệ sinh môi trường và nguồn nước Ấn Độ đã gửi công văn tới chính quyền các tiểu bang mà dòng sông Hằng chảy qua (bao gồm Uttarakhand, Uttar Pradesh, Bihar, Jharkhand và Tây Bengal), yêu cầu gấp rút xây các nhà vệ sinh công cộng cho 450 triệu người dân sống gần dòng sông.

Chính phủ cũng cam kết chi hơn 3 tỷ USD để làm sạch dòng sông vô cùng linh thiêng đối với các tín đồ Ấn Độ giáo (Hindus) nhưng đang bị ô nhiễm bậc nhất trên thế giới.

Người đàn ông ở Allahabad, Ấn Độ uống nước từ dòng sông Hằng linh thiêng (Ảnh: Telegraph)
Người đàn ông ở Allahabad, Ấn Độ uống nước từ dòng sông Hằng linh thiêng (Ảnh: Telegraph)

Nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm trầm trọng tại sông Hằng là do từ trước đến nay, hàng triệu người dân Ấn Độ có thói quen cố hữu xem đây là “nhà vệ sinh ngoài trời”. Theo ước tính, 600 triệu người dân Ấn Độ không có nhà vệ sinh riêng.

Ngoài ra, việc người dân thiếu ý thức xả rác, xác động vật chết và chất thải công nghiệp xuống sông Hằng cũng đang “giết chết” dòng sông linh thiêng này.

Theo ước tính, các thành phố, thị trấn dọc sông Hằng của Ấn Độ mỗi ngày thải ra 3 tỷ lít nước thải nhưng chỉ 1,2 tỷ lít được xử lý. Số nước thải còn lại bị đổ xuống sông Hằng.

Trong buổi lễ cầu nguyện bên bờ sông Hằng ở Varanasi, một trong những thành phố linh thiêng nhất của Ấn Độ, tân Thủ tướng Narendra Modi đã hứa sẽ “cứu sống” dòng sông.

Ngoài ra, trên thực tế, tình trạng thiếu nhà vệ sinh trầm trọng và thói quen cố hữu “giải quyết nhu cầu” ở ngoài trời của hàng triệu người dân cũng được xem là nguyên nhân chính gây ra vấn nạn cưỡng hiếp hàng loạt đáng báo động ở Ấn Độ.