Bát nháo vựa vàng Hợp Châu – Kỳ II

ThienNhien.Net – Dù tình trạng khai thác vàng “thổ phỉ” diễn ra trong thời gian dài; địa điểm khai thác chỉ cách trụ sở UBND xã không xa; người dân đã nhiều lần kiến nghị… nhưng cán bộ xã và huyện vẫn khẳng định: Chúng tôi không nắm rõ, chúng tôi chịu thua!

Xã không biết, huyện chịu thua

Xã không biết rõ

Ông Bùi Phú Cường, Chủ tịch UBND xã Hợp Châu (Hòa Bình) thẳng thắn thừa nhận, tình trạng khai thác vàng “thổ phỉ” trên địa bàn trong nhiều năm qua gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân là có thật. Hiện vẫn còn hai đội và máy móc ở thôn nằm ở Châu Dể. Hoạt động khai thác vàng không chỉ diễn ra ở khu vực đầu nguồn suối đồng Thao mà còn diễn ra trên nhiều diện tích đất đồi, rừng đầu nguồn.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc xã bán đất 5% trái thẩm quyền cho các đối tượng khai thác vàng trái phép, ông Cường không thừa nhận, nhưng ông cũng cho biết, tình hình ngân sách của xã rất khó khăn, nên xã đã tổ chức giao thầu quỹ đất này để có thêm nguồn thu.

Phương tiện khai thác vàng đang trong “giờ nghỉ” (Ảnh: Báo Công Thương)
Phương tiện khai thác vàng đang trong “giờ nghỉ” (Ảnh: Báo Công Thương)

Về các đối tượng khai thác vàng trái phép; quy mô, công nghệ khai thác, ông Phó Chủ tịch xã Nguyễn Như Đàn – cho rằng: “Người ở đâu họ đến mua đất của dân và tổ chức khai thác vàng, chúng tôi không nắm rõ được đâu”.

Trong khi, ông Chủ tịch xã lại bảo: “Phần lớn là người dân sinh sống tại địa phương”.

Nói như vậy, nhưng hai vị lãnh đạo xã lại không thể lý giải một cách thuyết phục vì sao không nắm rõ tình hình. Bởi, khu vực khai thác vàng chỉ cách trụ sở UBND xã không xa còn Phó Chủ tịch xã hiện đang sinh sống tại thôn Châu Dể!?

Thực tế cho thấy, ở đâu có tài nguyên, khoáng sản, ở đó sẽ có các tổ chức, cá nhân, khai thác lậu. Song với cách quản lý của huyện Lương Sơn thì tình trạng khai thác vàng ở thôn Châu Dể, xã Hợp Châu chưa biết bao giờ mới chấm dứt. Người nông dân nơi đây chắc sẽ phải bỏ ruộng đồng. Và biết đâu, trong lúc khó khăn, chính họ cũng sẽ phải đi làm… vàng “thổ phỉ”?

Tuy nhiên, hai vị lãnh đạo xã Hợp Châu không quên chuyển một phần trách nhiệm cho UBND huyện Lương Sơn khi cho biết, xã đã báo cáo huyện, huyện đã cử lực lượng xuống tổ chức giải tỏa, nhưng khi cán bộ rút đi, dân khai thác vàng lại kéo về hoạt động.

Vàng “thổ phỉ” thì chịu rồi!

Chúng tôi mang những thông tin, dữ liệu cập nhật từ Hợp Châu cùng các ý kiến của lãnh đạo UBND xã Hợp Châu về tình hình khai thác vàng trên địa bàn xã đến gặp ông Nguyễn Khắc Yến- Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Lương Sơn.

Ông Yến cho rằng: “Việc này xã không cần phải báo cáo huyện, nếu xã phát hiện các đối tượng vi phạm thì xử lý ngay, huyện không thể thâu tóm tất cả mọi cái được, chỉ làm công tác chỉ đạo chung”. Ông Yến còn khẳng định: “Năm 2014 không có đối tượng nào khai thác vàng trái phép cả, chỉ có “thổ phỉ” thôi, “thổ phỉ” thì chịu rồi, huyện bó tay, chỉ có xã làm được”.

Cũng theo ông Yến, các cơ quan chức năng chỉ xử lý được các đối tượng sử dụng cả dàn máy xúc, còn các đối tượng khai thác “thổ phỉ” chỉ có thể tuyên truyền, vận động chứ không thể xử lý theo pháp luật được, vì biết đối tượng nào mà xử phạt. Thậm chí, khi nói về công tác ngăn chặn nạn khai thác ở một số nơi khác, Phó Trưởng phòng TN&MT chốt lại: Sau hai năm từ khi ông được bổ nhiệm chức vụ Phó Trưởng phòng TN&MT, ông đã rất kiên quyết xử lý, ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép nói chung, vàng nói riêng trên địa bàn huyện Lương Sơn. Tuy nhiên, với vàng “thổ phỉ” thì“chẳng ai dập được, bất cứ cơ quan nào cũng không dập được. Tuyên truyền vận động không được thì bó tay rồi”.