Tan hoang rừng nghiến cổ: “Có thấy anh em báo cáo gì đâu”!

ThienNhien.Net – Những rừng nghiến cổ bị tàn phá tan hoang là thế, vậy mà các cơ quan chức năng vẫn khẳng định “không có chuyện đó”. Không chỉ vậy, việc bán đấu giá một cây nghiến ở thôn Lũng Rịch, xã Lương Thông (Thông Nông, Cao Bằng) cũng còn rất nhiều “vấn đề”.

Trao đổi với NTNN về công tác bảo vệ rừng ở Thông Nông, ông Linh Quang Nam – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thông Nông cho biết rằng: “Nhìn chung công tác bảo vệ rừng trong năm nay chúng tôi thực hiện khá tốt, không để xảy ra vụ phá rừng nào đáng kể. Tuy nhiên trên địa bàn vẫn còn một điểm “nóng” về nạn khai thác nghiến trái phép ở xã Lương Thông. Chúng tôi đã tăng cường công tác tuần tra, do đó không có cây nghiến mới bị chặt hạ”.

Ông Linh Quang Nam – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thông Nông. (Ảnh: V.T)
Ông Linh Quang Nam – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thông Nông. (Ảnh: V.T)

Nhưng theo điều tra của chúng tôi, hiện ở các xã Lương Thông, Cần Nông tình trạng khai thác nghiến trái phép bán qua biên giới đang diễn ra rất công khai. Ông có biết thực trạng này?

– Không biết các anh lấy thông tin ở đâu, chứ cán bộ kiểm lâm địa bàn của tôi hầu như ngày nào chẳng ở trong xã, tôi có thấy anh em báo cáo gì đâu.

Trước đây ở xã Cần Nông đúng là có chuyện người dân gùi gỗ nghiến qua biên giới bán cho thương lái Trung Quốc, nhưng gần đây chúng tôi tuần tra nghiêm ngặt, không còn tình trạng này nữa. Còn ở xã Lương Thông, hiện đang có một cây nghiến bán đấu giá ở thôn Lũng Rịch, chắc họ khai thác cây để bán đấu giá thôi.

Cây nghiến đó đấu giá khi nào, khối lượng bao nhiêu, ai trúng, ông có biết không?

– Trước đây ở Lương Thông có rất nhiều nghiến, mặc dù là nhóm gỗ quý cấm khai thác nhưng do nằm trong rừng sản xuất nên chúng tôi rất khó quản lý, thi thoảng người dân vẫn lén lút khai thác. Có vụ thì bắt được đối tượng khai thác trộm, có vụ thì không.

Cây nghiến đang đấu giá là do anh Triệu Văn Phụng, ở thôn Lũng Rịch chặt năm ngoái, chúng tôi bắt được và đã phạt hành chính hơn 1 triệu đồng. Ngày 18.11.2014 chúng tôi đã tổ chức bán đấu giá, kết quả bà Hà Thị Thiết ở thị trấn Thông Nông, người chuyên buôn bán lâm sản phụ trúng với giá 24,4 triệu đồng/9,4m3 gỗ nghiến.

Tại sao 9,4m3 gỗ nghiến mà chỉ bán được 24,4 triệu đồng – một mức rất thấp?

– Đúng là giá có thấp hơn so với giá chung trên thị trường, nhưng đây là cây nghiến nằm ở vị trí địa hình hiểm trở, xa, khó vận chuyển nên Hội đồng bán đấu giá đã họp bàn và quyết định mức giá này.

Trong biên bản đấu giá, Hạt, Hội đồng bán đấu giá có giới hạn phương tiện, số lượng người tham gia khai thác và thời gian khai thác không?

– Thời gian khai thác thì chúng tôi có giới hạn, cụ thể là 60 ngày kể từ ngày trúng đấu giá, vì cây nghiến ở chỗ khó, nên người trúng họ bảo cho họ thời gian dài chút.

Còn việc giới hạn phương tiện, số lượng người tham gia khai thác chúng tôi không để ý. Vì cứ nghĩ họ khai thác bằng phương tiện gì, bao nhiêu là tùy họ, vì sau khi bán đấu giá họ phải tự bảo vệ tài sản của họ, mất chúng tôi không chịu trách nhiệm nữa.

Điểm tập kết gỗ nghiến sau nhà ông Bàn Văn Triệu ở thôn Lũng Rịch, xã Lương Thông, huyện Thông Nông. (Ảnh: V.T)
Điểm tập kết gỗ nghiến sau nhà ông Bàn Văn Triệu ở thôn Lũng Rịch, xã Lương Thông, huyện Thông Nông. (Ảnh: V.T)

Theo phản ánh của người dân, thời gian gần đây đang xảy ra tình trạng một số đối tượng, chủ chuyên buôn bán lâm sản móc nối với người dân để xin làm nhà sàn bằng gỗ nghiến để hợp thức hóa số gỗ rồi bán, hoặc móc nối với lâm tặc chặt hạ nghiến, rồi xin mua đấu giá, thanh lý và “tiện tay” khai thác nghiến luôn. Có đúng là có tình trạng đó không, thưa ông?

– Hiện ở Lương Thông chỉ có một thôn xin gỗ nghiến làm nhà văn hóa thôi chứ không có hộ dân nào xin nghiến làm nhà cả. Thông tin phóng viên cung cấp về 2 nhà sàn, chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại.

Còn việc các đối tượng xấu móc nối như thế nào, hiện chúng tôi vẫn chưa phát hiện. Nếu phát hiện chúng tôi sẽ xử lý ngay. Quả thực các chiêu trò này, phóng viên nói chúng tôi mới biết.

Nhiều người dân cho rằng, có kiểm lâm đứng sau những “phi vụ” làm ăn này, nên mới có chuyện cấp giấy khai thác 1 cây nghiến tới 60 ngày?

– Như tôi đã nói, mặc dù chỉ 1 cây nghiến, với 9,4m3 gỗ, nhưng vì cây nghiến nằm ở vị trí khó khai thác, địa hình đi lại khó khăn, nên chúng tôi mới “nới” thời gian như vậy. Hơn nữa, việc quyết định có cả một Hội đồng bán đấu giá chứ không phải mình tôi quyết định.

Còn việc người dân cho rằng có Kiểm lâm đứng sau, tôi nghĩ là không có!

Xin cảm ơn ông!

Trong 9 tháng đầu năm 2014 lực lượng chức năng tỉnh Cao Bằng đã phát hiện 141 vụ vi phạm quản lý, bảo vệ rừng (cả năm 2013 là 151 vụ). Trong đó 23 vụ vận chuyển lâm sản trái phép, 5 vụ khai thác gỗ trái phép… tịch thu 9,39m3 gỗ các loại (trong đó gỗ quý hiếm là 2,23m3), đã xử phạt hơn 352 triệu đồng.

 

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cao Bằng: Kiểm tra ngay thông tin có kiểm lâm tiếp tay 

Ông Hoàng Phượng Vỹ - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cao Bằng. (Ảnh: V.T)
Ông Hoàng Phượng Vỹ – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cao Bằng. (Ảnh: V.T)

Xung quanh tình trạng khai thác nghiến bừa bãi ở huyện Thông Nông, phóng viên NTNN đã  làm việc với ông Hoàng Phượng Vỹ – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cao Bằng.

Ông Vỹ thừa nhận: Từ trước tới nay, công tác bảo vệ rừng ở Cao Bằng đã rất khó khăn do địa bàn rộng, nhiều huyện giáp vùng biên và có đường biên giới dài, trong khi đó lực lượng kiểm lâm thì mỏng. Đặc biệt Cao Bằng cũng là tỉnh có nhiều gỗ quý như nghiến, do đó lâm tặc luôn tìm mọi cách khai thác trái phép. Hơn nữa thời gian này đang là mùa khô và cũng là thời gian nông nhàn, nên tình trạng khai thác gỗ trái phép cũng phức tạp hơn.

Về việc đồng ý cho chính quyền thôn Lũng Rịch, xã Lương Thông (Thông Nông) xẻ gỗ nghiến làm nhà văn hóa thôn, ông Vỹ giải thích rằng ở Lũng Rịch có một cây nghiến to đã đổ từ lâu, người dân có xin xã khai thác để làm nhà văn hóa, nhưng không thông qua Hạt, nên Hạt đã báo cáo lên huyện và sau đó huyện đã đồng ý. Tuy nhiên, vì không có tiền nên họ có bán một phần cây nghiến đỏ để đổi lấy gạch.

Về thông tin 2 ngôi nhà sàn bằng gỗ nghiến mọc lên ở Tả Bốc cũng như tình trạng chặt phá gỗ nghiến bừa bãi, ông Vỹ thừa nhận đến giờ ông mới biết, vì chưa nhận được báo cáo, thông tin nào từ các Hạt là có tình trạng nghiến bị chặt phá bừa bãi.

“Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại. Còn 2 nhà sàn bằng nghiến đang dựng dở chắc chắn là làm chui vì ngoài nhà văn hóa thôn Lũng Rịch ra, không có thôn nào được phép làm nhà văn hóa bằng nghiến nữa. Chúng tôi sẽ thu hồi ngay” – ông Vỹ khẳng định.

Trước giả thiết có sự tiếp tay của kiểm lâm cho lâm tặc, ông Vỹ cũng đồng tình khi cho rằng: Việc dựng một ngôi nhà sàn không thể ngày một ngày hai. Tôi sẽ cho kiểm tra ngay, nếu phát hiện cán bộ kiểm lâm tư lợi, móc nối với kẻ xấu sẽ xử lý nghiêm.

Nam Tùng Sơn