Cần làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc để mất rừng

ThienNhien.Net – Sau hàng loạt tin, bài trên Báo Nhân Dân điện tử phản ánh về việc thời gian gần đây, rừng tự nhiên tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, tỉnh Đác Nông bị xâm hại nghiêm trọng do sự buông lỏng quản lý, bảo vệ rừng của Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung.

Ngày 10-6, đồng chí Trần Quốc Huy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đác Nông đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số sở, ban, ngành, huyện, xã, các Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đác N’Tao, Quảng Sơn, Đức Hòa, Nam Nung, Quảng Đức, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh nhằm quán triệt chỉ đạo của Tỉnh ủy về việc triển khai Kế hoạch số 43-KH/BCĐ ngày 3-6-2014 của Ban chỉ đạo 1079 của tỉnh, đồng thời tiến hành kiểm tra, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép, tổ chức lại mô hình quản lý, bảo vệ rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, rừng phụ cận do năm công ty lâm nghiệp và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh quản lý; làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan đến việc rừng tự nhiên tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung bị xâm hại nghiêm trọng.

Buổi làm việc tập trung kiểm tra nhằm đánh giá kết quả công tác tổ chức thực hiện quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng của các đơn vị chủ rừng và kiểm tra thực tế tình hình phá rừng, khai thác, xâm canh, lấn chiếm đất rừng, sang nhượng đất đai trái pháp luật.

Gỗ Du Sam thuộc nhóm IIa quý hiếm tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung bị khai thác trái phép được lực lượng kiểm lâm tỉnh Đác Nông phát hiện, bắt giữ (Ảnh: Nhân Dân)
Gỗ Du Sam thuộc nhóm IIa quý hiếm tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung bị khai thác trái phép được lực lượng kiểm lâm tỉnh Đác Nông phát hiện, bắt giữ (Ảnh: Nhân Dân)

Bí thư Tỉnh ủy Đác Nông chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh kiểm tra hồ sơ, tài liệu pháp lý liên quan và thực tế tại hiện trường. Ban Chỉ đạo 1079 cũng đã thành lập và giao nhiệm vụ cụ thể cho ba tổ công tác tiến hành kiểm tra kể từ thời gian từ đầu năm 2010 đến nay, thời gian kiểm tra dự kiến từ ngày 15-7 đến ngày 30-9-2014.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, tỉnh sẽ xử lý trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các đơn vị chủ rừng, tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, sang nhượng đất đai trái phép.

Bí thư Tỉnh ủy Đác Nông Trần Quốc Huy chỉ đạo: Qua đợt kiểm tra này, các tổ công tác phải làm rõ cho được trách nhiệm của mỗi bên từ chủ rừng, cấp xã, huyện, các ngành trong việc quản lý bảo vệ rừng. Trên cơ sở đó, các tổ phải phân tích được các nguyên nhân chủ quan, khách quan vì sao rừng bị mất, nguyên nhân do đâu để có cơ sở xử lý về sau; đề xuất, kiến nghị mô hình mới về quản lý, bảo vệ rừng phù hợp. Hằng tháng, các tổ có sự sơ kết, báo cáo tiến độ công việc cũng như những khó khăn, vướng mắc cho Ban chỉ đạo.

Trước đó, Báo Nhân Dân điện tử nhiều lần phản ánh về tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản, lấn chiếm đất rừng trái phép xảy ra tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đác Nông, từ đầu năm 2011 đến nay đã có 36 vụ vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, trong đó có 31 vụ khai thác, cất giấu và vận chuyển gỗ trái phép với khối lượng lên đến 298,775 m3 gỗ tròn, gỗ xẻ từ nhóm IIa đến nhóm V; hai vụ phá rừng trái phép làm thiệt hại 3,796 ha rừng đặc dụng và ba vụ săn bắn trái phép động vật rừng.

Thời gian gần đây, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản, phá rừng trái phép tại đây lại có chiều hướng gia tăng. Chỉ tính riêng trong ba tháng đầu năm 2014, lực lượng công an, kiểm lâm đã phát hiện 45,957 m3 gỗ các loại từ nhóm IIa đến nhóm IV là tang vật vi phạm tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung. Gần đây nhất là vào ngày 11-3-2014, Ðội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng số 1 thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ðác Nông đã phát hiện vụ khai thác lâm sản trái phép tại Tiểu khu 1618 thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung quản lý, tang vật thu giữ gồm 13,739 m3 gỗ tròn Bạch Tùng thuộc nhóm IV.

Vào ngày 12-2-2014, thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, Hạt Kiểm lâm huyện Ðác Glong đã phát hiện tại khoảnh 3 và khoảnh 5, Tiểu khu 1618 thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung quản lý, xảy ra vụ khai thác hai cây Du Sam thuộc nhóm IIa quý hiếm. Tang vật thu giữ tại hiện trường gồm gỗ tròn và gỗ xẻ thành phách vuông lên đến 32,336 m3. Ðây là những vụ khai thác gỗ quý hiếm lớn nhất xảy ra tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung từ trước đến nay. Ðiều khó hiểu là tất cả các vụ phá rừng, khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép này, nhưng lực lượng quản lý, bảo vệ rừng cũng như kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đều không phát hiện được hoặc có phát hiện cũng làm ngơ.

Liên quan đến tình trạng phá rừng, khai thác gỗ và lấn chiếm đất rừng trái pháp xảy ra tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, ngày 28-4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đác Nông cũng đã công bố các quyết định kỷ luật đối với năm cán bộ kiểm lâm thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung. Cụ thể, kỷ luật với hình thức khiển trách đối với các ông Dương Văn Tuân, quyền Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung và ông Ngân Văn Thỏa, Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Nâm N’đir. Kỷ luật cảnh cáo đối với các ông Phạm Công Trường, kiểm lâm viên phụ trách công tác quản lý, bảo vệ rừng kiêm Tổ trưởng tổ cơ động; ông Phan Xuân Anh, Tổ phó tổ cơ động và ông Võ Kim Hồng, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Nâm N’đir.

Tiếp đó,ngày 14-5-2014, UBND tỉnh Đác Nông cũng đã có Quyết định 710/QĐ-UBND về việc tạm đình chỉ chức vụ Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đối với ông Huỳnh Công Cẩn trong thời hạn 30 ngày để xem xét xử lý kỷ luật vì để xảy ra nhiều vụ vi phạm về khai thác lâm sản trái phép với khối lượng lớn trong thời gian dài, nhưng không có biện pháp ngăn chặn, xử lý và bảo vệ rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung. Đồng thời, UBND tỉnh cũng điều động, bổ nhiệm ông Đặng Xuân Lộc, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp giữ chức vụ quyền Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung.

Được biết, hiện nay Hội đồng kỷ luật của tỉnh đang xem xét xử lý trách nhiệm đối với ông Huỳnh Công Cẩn liên quan đến việc để mất rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung.