Xâm hại Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung

ThienNhien.Net – Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Nam Nung có diện tích hơn 12.300 ha, là Khu BTTN lớn thứ hai ở tỉnh Ðác Nông. Thời gian gần đây, rừng Nam Nung bị xâm hại nghiêm trọng do sự buông lỏng quản lý, bảo vệ (QLBV) rừng của Ban Quản lý Khu BTTN Nam Nung.

Có sự “tiếp tay” cho lâm tặc?

Theo quy định, rừng đặc dụng tại Khu BTTN Nam Nung phải được QLBV nghiêm ngặt, nghiêm cấm việc khai thác tài nguyên sinh vật và các tài nguyên thiên nhiên khác… Tuy nhiên, qua kiểm tra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ðác Nông mới đây đã phát hiện nhiều diện tích rừng tại Khu BTTN Nam Nung bị xâm hại nghiêm trọng trong thời gian dài, nhưng Ban Quản lý cũng như lực lượng kiểm lâm khu bảo tồn không phát hiện được và cũng không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả. Cụ thể, Ban Giám đốc và lãnh đạo Hạt

Kiểm lâm Khu BTTN Nam Nung triển khai các phương thức QLBV rừng chưa hiệu quả; chưa thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng, để lâm tặc mở đường từ các huyện Krông Nô, Ðác Glong, Ðác Song vào khu BTTN Nam Nung để khai thác gỗ trái phép với khối lượng lớn. Gần đây, lâm tặc đã ngang nhiên khai thác trái phép các cây gỗ Du Dam hàng trăm năm tuổi, thuộc nhóm IIa quý hiếm, nhưng Ban Quản lý cũng như Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Nam Nung không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, báo cáo thiếu trung thực và chỉ khi lực lượng kiểm lâm thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Ðác Glong và Ðội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng (KLCÐ & PCCCR) số 1 thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh kiểm tra mới phát hiện các vụ khai thác gỗ quý hiếm trái phép này.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ đầu năm 2011 đến nay đã có 36 vụ vi phạm các quy định về QLBV rừng tại Khu BTTN Nam Nung, trong đó có 31 vụ khai thác, cất giấu và vận chuyển gỗ trái phép với khối lượng lên đến 298,775 m3 gỗ tròn, gỗ xẻ từ nhóm IIa đến nhóm V; hai vụ phá rừng trái phép làm thiệt hại 3,796 ha rừng đặc dụng và ba vụ săn bắn trái phép động vật rừng.

Thời gian gần đây, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản, phá rừng trái phép tại đây lại có chiều hướng gia tăng. Chỉ tính riêng trong ba tháng đầu năm 2014, lực lượng công an, kiểm lâm đã phát hiện 45,957 m3 gỗ các loại từ nhóm IIa đến nhóm IV là tang vật vi phạm tại Khu BTTN Nam Nung. Gần đây nhất là vào ngày 11-3-2014, Ðội KLCÐ & PCCCR số 1 thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ðác Nông đã phát hiện vụ khai thác lâm sản trái phép tại Tiểu khu 1618 thuộc Khu BTTN Nam Nung quản lý, tang vật thu giữ gồm 13,739 m3 gỗ tròn Bạch Tùng thuộc nhóm IV.

Trước đó, vào ngày 12-2-2014, thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, Hạt Kiểm lâm huyện Ðác Glong đã phát hiện tại khoảnh 3 và khoảnh 5, Tiểu khu 1618 thuộc Khu BTTN Nam Nung quản lý, xảy ra vụ khai thác hai cây Du Sam thuộc nhóm IIa quý hiếm. Tang vật thu giữ tại hiện trường gồm gỗ tròn và gỗ xẻ thành phách vuông lên đến 32,336 m3. Ðây là những vụ khai thác gỗ quý hiếm lớn nhất xảy ra tại Khu BTTN Nam Nung từ trước đến nay.

Ðiều khó hiểu là tất cả các vụ phá rừng, khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép này, nhưng lực lượng QLBV rừng cũng như kiểm lâm Khu BTTN Nam Nung đều không phát hiện được hoặc có phát hiện cũng làm ngơ. Dư luận đặt câu hỏi, liệu cán bộ, nhân viên và lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Nam Nung có tiếp tay cho lâm tặc phá rừng hay không?

Gỗ Du Sam khai thác trái phép tại Khu BTTN Nam Nung bị lực lượng kiểm lâm tỉnh Ðác Nông phát hiện, bắt giữ
Gỗ Du Sam khai thác trái phép tại Khu BTTN Nam Nung bị lực lượng kiểm lâm tỉnh Ðác Nông phát hiện, bắt giữ

Cần xử lý nghiêm

Qua kiểm tra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ðác Nông còn phát hiện lực lượng kiểm lâm thuộc Khu BTTN Nam Nung trong một thời gian dài không có biện pháp kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các vụ phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Các tổ kiểm lâm cơ động không xây dựng kế hoạch công tác, không phân công nhiệm vụ rõ ràng, không thường xuyên tuần tra, kiểm tra địa bàn được phân công quản lý.

Các kiểm lâm viên, cán bộ trực tiếp tuần tra, bảo vệ rừng không có báo cáo, không có nhật ký tuần tra, bảo vệ rừng; các trạm kiểm lâm cửa rừng không có báo cáo hoạt động. Công tác phối kết hợp giữa Ban Quản lý và Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Nam Nung với chính quyền và các cơ quan chức năng ở địa phương trong công tác bảo vệ tài nguyên rừng chỉ dừng lại ở việc ký quy chế phối hợp, nhưng không triển khai thực hiện hoặc thực hiện không có hiệu quả.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ðác Nông Hà Công Tài cho biết: Rừng tại Khu BTTN Nam Nung bị xâm hại nghiêm trọng trong thời gian dài, ngoài sự buông lỏng công tác quản lý, tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý của cán bộ, nhân viên Ban Quản lý và lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Nam Nung, còn những nguyên nhân khác.

Theo quy định, rừng tại Khu BTTN Nam Nung phần lớn là rừng đặc dụng, cần được bảo vệ nghiêm ngặt, nghiêm cấm việc khai thác tài nguyên sinh vật và các tài nguyên thiên nhiên khác… Tuy nhiên, do cơ chế quản lý trong công tác quản lý rừng đặc dụng thiếu chặt chẽ như việc cho phép Thiền viện Trúc Lâm Ðạo Nguyên khai thác gỗ Du Sam tại khoảnh 2, Tiểu khu 1633 do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh quản lý liền kề với khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của Khu BTTN Nam Nung.

Bên cạnh đó, một số công ty lâm nghiệp giáp ranh với Khu BTTN Nam Nung khai thác gỗ theo chỉ tiêu vào sát khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của Khu BTTN Nam Nung… nên đã tạo kẽ hở cho lâm tặc lợi dụng lối mở sẵn có vào khai thác gỗ trái phép trong Khu BTTN Nam Nung… Trong khi đó, cán bộ, nhân viên QLBV rừng cũng như lực lượng kiểm lâm của Khu BTTN Nam Nung còn thiếu so với quy định; cơ cấu tổ chức bộ máy và quy hoạch khu rừng đặc dụng Nam Nung chưa được kiện toàn theo quy định tại Nghị định số 117/2010/NÐ-CP ngày 24-12-2010 và Thông tư số 78/2011/TT-BNNPTNT ngày 11-11-2011.

Trước tình trạng rừng tại Khu BTTN Nam Nung bị xâm hại nghiêm trọng, trong đó có nhiều vụ khai thác trái phép gỗ quý hiếm nhưng cán bộ, nhân viên QLBV rừng cũng như lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Nam Nung không phát hiện, xử lý kịp thời, một số vụ việc có phát hiện nhưng không ngăn chặn, xử lý…, đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Ðác Nông cần sớm vào cuộc điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm các cán bộ, nhân viên vi phạm, nhằm làm tốt công tác QLBV rừng tại Khu BTTN Nam Nung.