Chính quyền Trump gỡ lệnh cấm đối với các hóa chất độc hại như thế nào?

Chính quyền Trump đã tạm dừng lệnh cấm đối với các hóa chất độc hại được coi là có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Quyết định này được dẫn dắt sửa đổi bởi một cựu giám đốc điều hành công nghiệp, hiện lại làm việc tại chính Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) và cho phép tiếp tục sử dụng các sản phẩm được phát hiện là gây ra ung thư, dị tật bẩm sinh và một số bệnh khác.

TCE là một chất lỏng trong suốt, không màu, có mùi ngọt ngào đã được chứng minh trong nhiều thập kỷ là một cách đặc biệt hiệu quả cho các cửa hàng giặt khô để loại bỏ những vết bẩn cứng đầu khỏi quần áo như vết trang điểm mắt, đánh giày hoặc mực bút bi.

Còn NMP là một dung môi thần kỳ khác, mặc dù thường có màu vàng nhạt và mùi khá tanh nhưng nó là một chất tẩy sơn mạnh đến nỗi nếu xịt lên tường – như nhiều chính quyền thành phố đã làm trong nhiều năm – thì bạn chỉ cần dùn một miếng giẻ để lau các bức graffiti.

Điểm chung giữa hai chất này là cả hai đều cực kỳ có hại cho sức khỏe của bạn. Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy phơi nhiễm cao với TCE nói riêng có thể giết chết bạn, trong khi NMP gây ra dị tật bẩm sinh.

Đó là lý do mà EPA, vào cuối năm 2016, đã cấm nhiều cách sử dụng hai sản phẩm này, cũng như một hóa chất thứ ba thậm chí còn độc hại hơn gọi là methylene clorua (CH2Cl2), đã bị quy trách nhiệm trong hàng tá ca tử vong. Đây là một bước tiến mang tính cách mạng của EPA dù 25 năm trở về trước, cơ quan này từng bị tê liệt khi chế định các hóa chất độc hại. Sau một phán quyết của tòa án vào năm 1991, EPA đã bị tước bớt quyền lực trong việc loại bỏ khỏi thị trường các mối nguy đã biết như amiăng.

Năm 2016, nhờ luật dịnh mang tính bước ngoặt được Quốc hội thông qua, quyền lực của EPA đã trở lại và cơ quan này sẵn sàng bước vào một kỷ nguyên hoạt động mới đại diện cho sức khỏe cộng đồng khi có động thái loại bỏ các hóa chất được sử dụng rộng rãi trên thị trường nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí gây ra tử vong.

“Lần đầu tiên trong một thế hệ, chúng tôi có thể hạn chế các hóa chất đang được bày bán nhưng gây rủi ro cho sức khỏe cộng đồng và môi trường”, Jim Jones, phụ tá cho Giám đốc Văn phòng phòng chống ô nhiễm và an toàn hóa chất thuộc EPA, cho biết vào tháng 12 năm 2016, khi ông tự hào tuyên bố lệnh cấm theo kế hoạch đối với một số cách sử dụng TCE nhất định.

Kế hoạch là vậy nhưng đến thời chính quyền Trump thì lại bị đảo ngược hoàn toàn. Hơn hai năm sau, không có hành động cuối cùng nào được thực hiện đối với bất kỳ lệnh cấm nào trong ba lệnh cấm được đề xuất trên. EPA cho biết họ sẽ sớm có động thái với ít nhất là metylen clorua nhưng hiện tại không có hành động nào được lên kế hoạch cho TCE hoặc NMP mặc dù các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng được xác định rõ là có liên quan đến cả hai hóa chất này.

Tương tự, đối với thuốc trừ sâu, EPA thời Trump đã bác bỏ lệnh cấm sử dụng chlorpyrifos, được sử dụng trên hơn 60 loại cây trồng, đặc biệt là ở California và đã bị quy trách nhiệm gây bệnh cho các công nhân nông trại và khuyết tật cho con cái họ. Thay vào đó, EPA chỉ đơn giản là đồng ý thực hiện nhiều nghiên cứu hơn về các mối đe dọa của chlorpyrifos.

Việc rút lại các hạn chế theo kế hoạch đối với các chất này phản ánh sự thay đổi lớn trong triết lý quản lý và chế định đã diễn ra tại EPA trong kỷ nguyên Trump.

Jones, cựu quan chức EPA, không được tự do bảo vệ môi trường nữa. Ông đã có 30 năm làm việc tại cơ quan, dưới cả hai chính quyền Dân chủ và Cộng hòa, và sau khi rời EPA vào đầu năm 2017, ông làm việc cho một hiệp hội thương mại công nghiệp đại diện cho các công ty hóa chất công nghiệp lớn như Tập đoàn BASF.

Nhưng trước năm 2016, với bất cứ ai theo dấu các hóa chất độc hại được chế định ở Hoa Kỳ thì rõ ràng đã đến lúc EPA đưa ra một số lựa chọn khó khăn – trong một số trường hợp thì lựa chọn có nghĩa là hạn chế sử dụng một số hóa chất nhất định dù đó có thể là dòng bán hàng đầy lợi nhuận của các nhà sản xuất. Tuy nhiên, một khi đã ghi nhận rằng rõ ràng các hóa chất cụ thể là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng, cơ quan này cần phải có quyền lực để cấm sử dụng chúng.

Chính phủ liên bang đã tụt lại phía sau trong nhiệm vụ này khi trên thực tế thì các nhà bán lẻ lớn như Wal-Mart và Target trở thành người phán xử. Họ quyết định ngừng bán một số sản phẩm độc hại, bao gồm cả methylene clorua, thậm chí trước khi EPA hành động.

David McIntosh, cựu luật sư về ô nhiễm không khí tại Hội đồng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên (NRDC), một trong những nhóm môi trường có ảnh hưởng nhất nước Mỹ, tham gia từ giai đoạn đầu vào chính quyền Obama với vai trò cố vấn pháp luật cao cấp cho Lisa Jackson, giám đốc EPA lúc đó. Michael Goo, cựu giám đốc pháp luật về các vấn đề khí hậu của NRDC, ngay sau đó cũng gia nhập EPA và giúp Jackson soạn thảo Kế hoạch Năng lượng sạch; sau khi rời EPA, Goo được NRDC tuyển dụng làm chuyên gia vận động hành lang.

Vậy tại sao chính quyền Trump lại chỉ định một cựu giám đốc của Hội đồng Hóa học Mỹ, bà Nancy Beck để giám sát các quy định hóa học độc hại, hay chính EPA hiện đang được điều hành bởi một cựu chuyên gia vận động hành lang cho than đá cũng như Bộ Nội vụ được điều hành bởi một cựu chuyên gia vận động hành lang ngành dầu khí?

Câu trả lời là cả hai phe – tự do và bảo thủ – về cơ bản đều vụ lợi, đưa những người có thiện cảm với quan điểm của mình và cam kết thực hiện sứ mệnh đó vào những vị trí quan trọng. Nhưng có cái gì đó khác biệt quan trọng về sự sắp ghế trong kỷ nguyên Trump – đó là các vai trò cực kỳ lộn xộn, với những hậu quả to lớn đối với chính sách công.

Beck, với vai trò giám đốc điều hành hàng đầu tại Hội đồng Hóa học Hoa Kỳ – một hiệp hội thương mại đại diện cho một ngành công nghiệp bán ít nhất 500 tỷ USD sản phẩm mỗi năm – đã lĩnh xướng việc chống lại chế định một số hóa chất độc hại và chống lại các quy tắc mà EPA định sử dụng để quyết định khi nào việc sử dụng các chất đó nên bị cấm hoặc hạn chế.

Ngay trong vòng vài tuần sau khi đến EPA, Beck đã đưa ra những sửa đổi lớn trong các chính sách mà EPA đề xuất, cụ thể là chi tiết hóa cách cơ quan này sẽ xác định “rủi ro” và xác định ưu tiên kiểm tra những hóa chất nào. Những thay đổi này phản ánh các lập luận, gần như từng chữ, mà Beck đã thúc đẩy trong vai trò một người vận động cho ngành công nghiệp hóa chất. Bà ta sắp đặt những thay đổi này mặc cho sự phản đối mạnh mẽ từ những chuyên gia kỳ cựu của EPA.

Ảnh: Gary Kazanjuan/AP

Và đó chỉ là bước đầu tiên trong một loạt những bước dài đã được thực hiện – điều này cho thấy EPA đang có động thái, cũng tương đối khẩn cấp, để bảo vệ lợi ích của các nhà sản xuất hóa chất thay vì bảo vệ lợi ích người dân.

Hãy xem xét bức thư được một nhóm được gọi là Liên minh Công nghiệp Dung môi Halogen, một hiệp hội thương mại đại diện cho các nhà sản xuất TCE và những hóa chất khác, gửi tới EPA vào tháng 3 năm 2017. Nhóm này thúc giục EPA “rút lại quy tắc đề xuất” về cấm sử dụng TCE, cho rằng hành động được đề xuất bởi cơ quan này sau nhiều năm nghiên cứu, là “dựa trên đánh giá rủi ro còn chưa đầy đủ”. Theo hồ sơ của EPA, nhóm công nghiệp hậu thuẫn cho lời yêu cầu này bằng hai cuộc gặp riêng, trực tiếp tại trụ sở EPA.

Các nhà sản xuất hóa chất cũng yêu cầu Squire Patton Bogss, một trong những công ty vận động hành lang nổi tiếng nhất ở Washington, can thiệp với Hạ viện để buộc cơ quan do đảng Cộng hòa kiểm soát gây áp lực cho EPA nhằm làm chậm mọi lệnh cấm đối với TCE, NMP hoặc methylene clorua.

Liền đó, báo cáo chuyên đề hàng năm của Hạ viện cho EPA yêu cầu (mặc dù không bắt buộc) cơ quan này bỏ các lệnh cấm được đề xuất, sử dụng ngôn ngữ không trùng lặp với những lời yêu cầu mà ngành hóa chất đã trực tiếp gửi cho EPA.

Một cách riêng biệt, nhóm công nghiệp đã cùng với các nhà sản xuất hóa chất và thuốc trừ sâu khác chống lại cách EPA đánh giá nghiên cứu y học và học thuật, tấn công những gì các nhà phê bình của EPA gọi là “khoa học bí mật”. Nhóm công nghiệp trích dẫn cái gọi là “vấn đề minh bạch” với nghiên cứu mà EPA đã phần nào dựa vào để kết luận rằng nhiễm bẩn nước uống TCE là nguyên nhân gây ra dị tật tim ở trẻ sơ sinh. Nhóm tranh luận rằng “mối quan ngại về chất lượng dữ liệu” là “đủ để loại bỏ” nghiên cứu “được sử dụng làm cơ sở cho chế định”.

Trước yêu cầu của ngành hóa chất, EPA đã không tiếp tục triển khai quy tắc cấm TCE và NMP mà lại tiến hành khởi động lại quy trình để đánh giá lại rộng rãi hai hóa chất độc hại này. Điều này gây ra một sự chậm trễ lớn mà theo như ngành công nghiệp hóa chất coi là một chiến thắng. Việc bán hàng có thể tiếp tục mà không bị cản trở.

Đề xuất cấm sử dụng methylene clorua thương mại làm chất tẩy sơn vẫn đang được xem xét, nhưng theo thông tin thu thập được từ các nhóm môi trường thì dự thảo cuối cùng, đang chờ quyết định từ Nhà Trắng, sẽ thu hẹp đáng kể lệnh cấm, vì rất có thể chỉ áp dụng với việc bán hàng cho người tiêu dùng đơn lẻ chứ không phải với người dùng thương mại của sản phẩm.

EPA đang xem xét một quy định mới được đề xuất có tên là Tăng cường tính minh bạch trong Khoa học điều tiết – giống như ngành công nghiệp hóa học muốn – hạn chế việc cơ quan này phụ thuộc vào nghiên cứu, nếu dữ liệu không được công khai. Các nhà khoa học và nhà môi trường đã lưu ý rằng dữ liệu nghiên cứu sức khỏe quan trọng thường không thể được công bố do vấn đề riêng tư. Tuy nhiên, quy định EPA mới đề xuất có thể sẽ loại bỏ hàng tá nghiên cứu đã tìm ra tác hại do hóa chất độc hại và thuốc trừ sâu khiến EPA khó biện minh hơn cho bất kỳ động thái nào để cấm hoặc hạn chế sử dụng.

Vậy Beck phải giải quyết xung đột lợi ích rõ ràng thế nào khi chuyển từ đấu tranh với EPA sang cố gắng ngăn chặn các hạn chế đối với một số hóa chất độc hại để điều hành cơ quan này phân xử những vấn đề này?

EPA thời Trump đưa ra hai “quyết định vô tư” riêng biệt, cho phép Beck tham gia vào các cuộc tranh luận này, với lý do “chuyên môn, kiến ​​thức và kinh nghiệm trước đây của bà sẽ đảm bảo rằng Cơ quan có thể cân nhắc tất cả các quan điểm, kể cả của hiệp hội thương mại lớn của ngành đang bị chế định”.

Những bên bị chế định, trong ngắn hạn, đã trở thành bên quản lý. Và rồi văn phòng đạo đức vô dụng vì sự đảo ngược vai trò này lại thành chuẩn mực mới.

Vậy điều này có ý nghĩa gì đối với sức khỏe cộng đồng?

Hãy xem xét chlorpyrifos: mỗi năm xấp xỉ 3 triệu tấn được phun lên các cánh đồng trên khắp nước Mỹ – đặc biệt là trên các loại cây trồng như hạnh nhân, cỏ linh lăng và cam quýt.

Nếu Tổng thống Trump không đắc cử, thuốc trừ sâu đó gần như chắc chắn sẽ không được bán trên thị trường.

Cuối năm 2016, EPA bắt đầu quá trình cấm chlorpyrifos trước khi Scott Pruitt, Giám đốc EPA đầu tiên của Trump, không thèm đếm xỉa đến nỗ lực đó vào tháng 3 năm 2017, chỉ một tháng sau khi ông này nhậm chức.

Thay vào đó, việc phun thuốc vẫn tiếp tục, cũng như các trường hợp công nhân bị ốm – và các báo cáo về các biến chứng hô hấp, rối loạn phát triển và giảm I.Q ở trẻ em.

Đó là một sự lựa chọn mà EPA của kỷ nguyên Trump đã đưa ra.

Nhật Anh (Theo e360.yale.edu)

Nguồn: