Nuối tiếc rừng xanh

ThienNhien,Net – Sơn La là tỉnh miền núi với gần 1 triệu ha rừng/1,4 triệu ha tổng diện tích tự nhiên. Tuy rừng Sơn La giàu có nổi tiếng nhưng đã có thời điểm độ che phủ của rừng chỉ còn hơn 10%.

Hiện độ che phủ của rừng Sơn La sau nhiều năm dốc sức bảo vệ, đầu tư, phát triển đã nâng lên tới trên 40% nhưng trữ lượng gỗ và nuông thú thì đã gần như cạn kiệt…

Những cánh rừng biến mất

Với kiểu khai thác chóng mặt và bừa bãi trong những năm vừa qua, rừng ở Sơn La đã biến mất một cách nhanh chóng. Thay vào những cánh rừng “mỗi m2 bằng cả cây vàng” là những cánh rừng nghèo, rừng tái sinh, rừng trồng mới và diện tích đất lâm nghiệp hoặc đất nương rẫy…

Kiểm lâm huyện Phù Yên, Sơn La tổ chức truy quét, thu hồi gỗ lậu do lâm tặc phá rừng (Ảnh: Dân Việt)
Kiểm lâm huyện Phù Yên, Sơn La tổ chức truy quét, thu hồi gỗ lậu do lâm tặc phá rừng (Ảnh: Dân Việt)

Bên bản Tà Xùa, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, nhìn quanh chỉ thấy cây gỗ thường và cỏ dại vương vít; đó đây nổi lên những thân cây mới trồng khẳng khiu trong làn mây mù lãng đãng. Rừng đặc dụng Tà Xùa là vương quốc của đại ngàn pơ mu nổi tiếng cả nước bây giờ cũng thu hẹp lại đến mức “tìm được 1 cây pơ mu to đẹp là phải đi mất cả buổi”- anh Lù A Sáy, ở bản Tà Xùa, bảo vậy.

Nghe Sáy tâm sự, tôi lại nhớ chuyện hơn 3 năm trước, trong một chuyến đột nhập sâu vào vùng lõi của rừng đặc dụng Tà Xùa từ phía xã Suối Tọ huyện Phù Yên, đi bộ đã tới hơn 3 giờ đồng hồ mà tôi vẫn chưa thể tìm thấy một cây gỗ pơ mu nào đáng gọi là gỗ của rừng già.

Chàng dân quân dẫn đường Vàng A Sáy là dân bản Suối Khang nằm trong rừng đặc dụng, bảo: Rừng bị khai thác nhiều năm rồi. Cán bộ muốn thấy gỗ pơ mu thì phải đi sâu vào nữa. Hơn chục năm trước, nếu cần mua một bộ sập gỗ pơ mu với kích thước 2,5 x 0,8m, độ dày tuỳ ý thì chỉ cần đưa tiền cho dân bản, nằm vắt chân đợi chủ nhà mổ gà, làm cơm ăn xong là có thể nghiệm thu hàng vì gỗ to mọc ở ngay gần bản.

Những tiếng kêu cứu rừng

“Ngày ấy chẳng ai nghĩ tới việc ươm cây pơ mu bằng hạt và trồng rừng pơ mu bởi thứ cây này có thành gỗ thì cũng phải mất vài đời người. Nhưng mình cứ làm, ai cản cũng mặc kệ. Thế là bây giờ mình đã có mấy ha pơ mu để lại cho con cháu”.Anh Lù A Sáy

Đến với dải đất rừng trải dài từ xã Noong Lay, Chiềng Ngàm của huyện Thuận Châu tới Chiềng Khoang, Nậm Ét, Mường Giàng của huyện Quỳnh Nhai, trước kia từng nổi tiếng với các loại gỗ tốt: Nghiến, lát, vàng kiêng… thì nay hầu như chỉ còn mấy cây gỗ nhỏ trên chóp núi hay giữa rừng sâu.

Thay vào đó là rừng trồng mới, cây cao su, nương sắn, ngô, hồ thuỷ điện… Nói đến quá trình nghèo hoá của rừng nơi đây thì ngay đến cán bộ kiểm lâm, cán bộ lâm nghiệp hoặc người dân cũng phải lắc đầu ngao ngán: Nhanh quá! Tiếc quá! Bao cây gỗ đại thụ giờ đến gốc cũng không còn. Có những người xót rừng đến mức sẵn sàng biếu không các cán bộ lãnh đạo cấp cao bộ bàn ghế làm từ ngọc nghiến trên quê hương mình, trị giá hàng trăm triệu đồng chỉ để làm một tiếng kêu cứu rừng như anh Bạc Cầm Sướm ở thị trấn Phiêng Lanh huyện Quỳnh Nhai.

Anh Sướm là một trong những người sử dụng lượng gỗ rất lớn (hợp pháp) từ rừng Quỳnh Nhai vào việc xây dựng nhà nghỉ, nơi ăn, chốn ở, chỗ vui chơi của gia đình. Sướm cũng là người đầu tiên ở đất này phát hiện ra và khai thác giá trị lớn của ngọc nghiến (mắt nghiến)-thứ mà dân làm gỗ trước đây chỉ cắt bỏ đi. Nhưng vào năm 2010, khi ngọc nghiến trở nên có giá, sốt sình sịch thì Sướm lại nhận ra rằng: Rừng nghiến Quỳnh Nhai đang bị tàn phá đến mức kinh hoàng và cần lên tiếng kêu cứu khẩn cấp, đúng nơi, đúng chỗ.

Trở lại với Lù A Sáy, chàng trai Mông trên đất Tà Sùa hơn 10 năm trước đã nghĩ tới chuyện cứu rừng. Khi ấy Sáy mới hơn 20 tuổi nhưng anh đã cảm nhận được nguy cơ mất rừng khi những cánh rừng pơ mu quanh nhà cứ lần lượt biến mất một cách nhanh chóng, để lại những vạt cỏ cây hoang dại. Nỗi đau mất rừng thôi thúc đã biến Sáy đã trở thành người Mông đầu tiên ở đất Sơn La tự đi lấy hạt, ươm cây pơ mu và trồng rừng.