Về làng sinh thái Tiên An

ThienNhien.Net – Bức tranh toàn cảnh của Tiên Điền (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) – quê hương đại thi hào Nguyễn Du đã đổi thay nhiều. Cách khu lưu niệm Nguyễn Du không xa là thấp thoáng màu xanh của làng sinh thái Tiên An. Không gian thoáng đãng, trong lành, cuộc sống thanh bình, yên vui đã giúp Tiên An càng thêm hấp dẫn du khách.

Lâu rồi, tôi mới có dịp trở lại Tiên Điền. Đi trên con đường cát mịn vào thôn Tiên An, cảm giác thật dễ chịu. Màu xanh của làng sinh thái ngút ngàn tầm mắt. Người xưa, cảnh cũ không còn. Chỉ có tiếng lòng của Nguyễn Du thì mãi vang vọng, thổn thức “trăm năm trong cõi người ta…”.

Người Việt Nam có mấy ai mà không thuộc một đôi ba câu Kiều. Tiếng thơ của Nguyễn Du như mạch nguồn tinh khiết, nhẹ nhàng thấm vào hồn ta để rồi “nghìn năm sau” vẫn ngọt ngào “như tiếng mẹ ru những ngày”.

Cố GS. Nguyễn Văn Trương là một nhà khoa học chuyên về lĩnh vực kinh tế sinh thái. Như nhiều người khác, ông rất say mê truyện Kiều. Nhân tình thế thái qua những câu Kiều làm cho ông thêm kính phục, ngưỡng một đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.

Vị giáo sư già khả kính ấy đã dồn hết tâm lực của mình cho một công việc hữu ích mà trước ông không ai có ý tưởng, đó là xây dựng “làng sinh thái Tiên An”, dự án mà ông ấp ủ từ lâu. Một quãng thời gian chưa dài (gần 4 năm) nhưng hiệu quả của nó thì hiện rõ trong từng khu vườn của mỗi gia đình ở đây. Không phải ngẫu nhiên mà trước đây bạn bè của ông và người dân Tiên An thường gọi ông là “nhà lâm học truyền Kiều”.

Tiên An, vùng đất mang đậm dấu ấn văn hoá nhưng cách đây gần 4 năm về trước, vẫn là một trong những thôn nghèo của xã Tiên Điền. Đời sống của 70 hộ dân chủ yếu  phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Từ đầu làng đến cuối thôn chỉ thấy các loại cây tạp bám rễ trên nền cát trắng. Khắp thôn, hầu như không có một mảnh vườn, thửa ruộng nào được gọi là mô hình kinh tế. Bởi thế, cuộc sống của người dân nơi đây khó khăn là điều dễ hiểu.

Qua nhiều lần thực địa, cố GS. Nguyễn Văn Trương (Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Sinh thái – Viện dân lập đầu tiên ở nước ta được thành lập năm 1990) đã nghiên cứu rất kỹ vùng đất này. Là một nhà khoa học chuyên ngành, ông hiểu rất rõ giá trị màu xanh của hoa thơm quả ngọt trên vùng đất quanh năm “cát bay, cát nhảy”.

Mục đích tổng thể là tạo điều kiện tốt nhất cho người dân Tiên An ứng dụng tiến bộ KHKT về lĩnh vực sinh thái để phát triển kinh tế toàn diện, đạt hiệu quả cao và bền vững. Dự án được tiến hành qua hai giai đoạn. Trước hết là vận động các hộ dân trong thôn mạnh dạn phá bỏ hết vườn tạp, từng bước cải tạo đất để trồng rau, đậu và các loại cây ăn quả. Về lâu dài, khi dự án phát huy hiệu quả thì không những góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn tạo thêm điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng vùng quê Tiên An trở thành điểm sáng nông thôn mới, mang nét văn hoá đặc trưng. 

Để đạt được kết quả như mong muốn, trong suốt quá trình thực hiện dự án ông luôn khuyến khích người dân tuân thủ đúng quy trình. Theo đó, việc quy hoạch diện tích đất vườn của  từng hộ phải tiến hành đồng bộ, hợp lý. Giữa vườn bố trí các loại cây ăn quả như hồng, na, bưởi, khế, xoài…, còn xung quanh bờ rào và phía trước thì có thể trồng xen lựu, đào, mơ, mận, dâu… toàn là những giống cây đã được Nguyễn Du “tô điểm” trong truyện Kiều.

Có lẽ vì thế mà nhiều người dân Tiên An đã hiểu thâm ý sâu xa của một nhà khoa học chân chính, “nặng lòng” với quê hương Nguyễn Du. Trước đó, cố GS Nguyễn Văn Trương và các cộng sự đã thực hiện thành công nhiều dự án làng sinh thái trên các vùng đất, khí hậu khác nhau tại Hoà Bình, Bắc Kạn, Hà Tây, Thanh Hoá, Quảng Trị, Quảng Bình và Thạch Hà (Hà Tĩnh).

Bác Nguyễn Văn Hồng, trưởng thôn Tiên An cho biết, ngoài các khoản đầu tư chung cho cả thôn như loa, máy, ghế, quạt trần… trị giá 20 triệu đồng các hộ dân còn được dự án trực tiếp hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và phân bón. Trong điều kiện phần lớn và con nghèo thì sự hỗ trợ như thế là rất có ý nghĩa. Với những thuận lợi ban đầu đó, lại được cán bộ dự án phổ biến kiến thức về trồng trọt và chăn nuôi, nhất là kỹ thuật chăm sóc các loại cây ăn quả, bà con phấn khởi lắm.

Đến thăm vườn của một số gia đình, thấy nhiều loại cây ăn quả xanh mướt, trĩu cành toả bóng mát xuống nền cát trắng. Theo bác Trần Văn Tửu, Bí thư Chi bộ thôn Tiên An, thành công bước đầu của dự án là đã cải thiện được môi trường sinh thái và làm đẹp thêm cảnh quan làng quê Tiên An. Khi công việc “canh viên” của mỗi gia đình đã có hiệu quả, một trong những hạng mục quan trọng của dự án là tiến hành “canh điền” – cải tạo một đầm hoang rộng chừng 20 ngàn mét vuông nằm bên cạnh trục đường chính đi qua làng sinh thái.

Mục đích là sau khi cải tạo đầm hoang ấy sẽ làm hồ nuôi cá nước ngọt. Xung quanh bờ thì trồng dừa, xoài, liễu và có thể bắc một cái cầu nhỏ ra giữa hồ. Nếu thực hiện được thì chỉ ít năm sau, các loại cây tươi tốt, soi bóng xuống mặt hồ sẽ tạo nên cảnh đẹp. Tiếc thay, công việc đang được tiến hành thuận lợi thì GS. Trương ra đi.

Rời Tiên An, tôi bỗng chạnh lòng nghĩ đến bao ước mong về làng sinh thái trên quê hương Nguyễn Du vẫn chưa đi đến đích mà GS. Trương ấp ủ, để rồi nơi cái đầm hoang rộng lớn ấy “dưới dòng nước chảy trong veo/Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha” như ngày xưa đã để lại ấn tượng khó quên trong lòng du khách bởi màu xanh ở vùng cát trắng đã nuôi dưỡng khôn lớn nhiều tên tuổi làm rạng danh non sông, xứ sở.