Đen bạc quẳng lại giữa… miền vàng! – Kỳ 1

ThienNhien.Net – Chưa thấy ánh sáng mặt trời, chưa cất tiếng khóc chào thế giới, người vùng Đông Bắc mến thương đã được trời ban cho một miền vàng ngỡ như vô tận, ngỡ như không dưng mà có, giống ở trong truyện thần tiên “ăn quả khế trả cục vàng”. Nhưng rồi, vàng ở dưới lòng đất, trong bụng núi, dưới mặt nước êm ái của sông suối trong veo kia, vàng là quặng, là tài sản thuộc vào “công thổ” quốc gia…


Đi dọc các “thân quặng” khổng lồ mang tên…Vàng ở hàng trăm cây số non sông gấm vóc miền Đông Bắc, đi mải miết và chua xót từ Na Rì, Ngân Sơn (Bắc Kạn) lên tuốt mãi miền vàng tang thương dọc sông suối tỉnh Cao Bằng, càng tìm hiểu đến ngọn nguồn các điểm nóng “vàng tặc” (*), mới càng thấu hiểu những vô lý của Vàng.

 

Những chiêu lừa dân “rách giời rơi xuống”!

 

Mỏ vàng Tốc Lù nổi tiếng “giàu có” nằm ở xã Kim Hỷ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Cạn. Bao năm nay, ông thì xưng là nhà khoa học, ông thì nói là cán bộ ở tỉnh…, có ông người ngoại quốc hẳn hoi, họ đến, khoan thăm dò, mặt đăm đăm chiêu chiêu nghiên cứu này nọ, rồi họ đi biền biệt, bà con chẳng được ho he cho biết điều gì.

 

Ông Hứa Văn Tuấn, người Tày ở thôn Kim Vân nói trọ trẹ tiếng Kinh: “Bọn doanh nghiệp nó vào vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) cứ thế đào bới (điều này vi phạm nghiêm trọng các điều cấm được ghi trong Luật Khoáng sản), chắc là có người cho phép nó mới dám làm chứ. Dân chúng tôi ở đây bao đời, hễ vác máng vào mót sái (vàng) là bị kiểm lâm và cán bộ bắt mà. Sau này, có người đến kiểm tra, nghiêm cấm đào vàng. Thấy bảo phải thành lập doanh nghiệp thì mới được cấp phép đào. Đang “trúng” đậm quá, thế là “nó” cho ra đời doanh nghiệp Tấn Thành, nó đào quê tôi, đào rừng bảo tồn suốt hơn 1.000 ngày qua. Hết thời hạn cấp phép, nó vẫn đào. Đêm về, máy móc hoạt động nó “toả sáng” như sao sa khắp núi rừng.

 

Người dẫn đường cho chúng tôi là một nhà báo đang hoạt động tại tỉnh Bắc Kạn, đỡ lời ông Tuấn: “Báo địa phương đăng nhiều bài lắm, tố cáo doanh nghiệp không nộp đủ tiền thuế cho nhà nước, nuốt lời hứa với bà con ở Kim Hỷ, cơ quan chức năng “bao che” để doanh nghiệp được cấp phép vùng lõi rừng bảo tồn, đào bới tan hoang hàng triệu mét khối đất đá, đẩy bà con vào cảnh đói khát vì mất đất sản xuất. Bà con cứ nộp đơn kiện, báo cứ viết, doanh nghiệp và người liên quan cứ “ngậm miệng ăn tiền”, vớ bẫm từ mỏ vàng Tốc Lù. Phải nói là người ta cứ thế “ngậm miệng ăn tiền” theo đúng nghĩa đen. Thỉnh thoảng, cơ quan hữu trách ra quân, mở chiến dịch truy quét gọi là… chiếu lệ, cán bộ rút rồi, doanh nghiệp lại ào lên khoét núi, phá rừng, phá ruộng rẫy bản làng của bà con.”

 

Có chuyện bi hài và liều lĩnh đến mức như thế này. Cơ quan chức năng yêu cầu doanh nghiệp Tấn Thành dừng hoạt động vì quá nhiều vi phạm. Doanh nghiệp bảo, ừ thì dừng, chúng tôi sẽ đem máy móc tiền tỷ và lực lượng công nhân đông như kiến cỏ vào Tốc Lù để hoàn thổ, san ủi mặt bằng, trả lại sự yên bình cho người dân Kim Hỷ. Bà con mừng lắm, các cái cửa hang ngầm xuyên núi bị “vàng tặc” bít mất đường thoát nước sắp được mở, hàng chục héc-ta đồng ruộng sắp được cấy cày gặt hái.

 

Bà con và cán bộ xã thở phào ngồi… đợi. Đợi cả tháng ròng, vẫn thấy máy của nó nổ, khói mịt mù, người của nó làm hùng hục đêm ngày, mà không thấy các núi đất đá khổng lồ vơi đi tý nào, bà con vào khu vực cắm biển “không nhiệm vụ miễn vào” giữa rừng đặc dụng Kim Hỷ để thám thính, thì than ôi, “ông” Tấn Thành ông ấy đang lẳng lặng “khai phá rừng hoang”, tiếp tục đào đất bới vàng. Tuyệt đối không san ủi, hoàn thổ đất đai rừng rú gì cả. (Các sai phạm của Công ty Tấn Thành được nêu trong bài viết căn cứ theo văn bản, kết luận của cơ quan kiểm tra, xử lý có thẩm quyền, ký tháng 2/2010).

 

Doanh nghiệp đào vàng, có trách cũng đến vậy, họ luôn luôn tìm cách đào được thật nhiều vàng, bằng mọi giá. Vấn đề là cơ quan nào cấp phép, quản lý, giám sát doanh nghiệp đi móc “công thổ quốc gia” lên, tàn sát rừng bảo tồn và giết chết bờ xôi ruộng mật của đồng bào mình lên kiếm lời?

 

Khi “vỡ ổ con chuồn chuồn”, họ có chịu trách nhiệm gì không? Họ có khách quan và trong sáng khi cấp phép và quản lý người đào bới kho vàng của dân của nước, của người hiện tại và của thế hệ tương lai kia lên không? Hay là họ vừa bới vừa ăn cướp kho báu của thế hệ tương lai đi? Thế là đống tài sản của đất nước ông bà và của nghìn đời con cháu chúng ta bị bốc lên phục vụ lòng tham của một nhúm người.

 

Không biết các mỏ vàng khác được quản lý ra sao, nhưng đúng là ở Tốc Lù, doanh nghiệp Tấn Thành và cơ quan quản lý giám sát ông đào vàng này, đã có những hành vi “lừa đảo” trắng trợn với “dân đen” sở tại.

 

Ông Nông Văn Bái, gần 50 tuổi, cùng vợ và đàn con lụi hụi trong vũng nước đục ngàu bé bằng cái mâm để cố công tát nước lên chuẩn bị rẽ đất trồng ngô. Hệ thống kênh mương cấp và dẫn nước bị doanh nghiệp vàng tàn phá hết cả.

 

Nhà ông Bái thì may mắn hơn tất cả những gia đình của bản Kim Vân (xã Kim Hỷ) này một chút, bởi trong khi mọi  người mất sạch ruộng thì nhà ông vẫn sót lại thẻo đất gần trường cấp 1-2 của xã.

 

Doanh nghiệp Tấn Thành lấy đất, hứa sẽ đền bù tiền hoa màu lẽ ra bà con vẫn gieo trồng trên đất cho dân, lúc đầu bà con không tin. Họ doạ: bà con phải nhận tiền, nếu không nhận thì sẽ không bao giờ được nhận đồng nào, vì đất của nhà nước, “ông nhà nước” sắp thu hồi hết giao thẳng cho họ muốn làm gì thì làm, lúc ấy sẽ không có xu nào hết.

 

Bà con nghe xong, hãi quá, gật đầu đồng ý nhận tiền “đền bù hoa lợi” về sau này. Ai ngờ, lúc doanh nghiệp lấy vàng xong, “bỏ trốn”, bà con vẫn cứ dài cổ đợi nó đến giả cái tiền… “lẽ ra ta đã trồng ngô trên đất ấy”.

 

Ông Nông Văn, trưởng Kim Vân, nhà ở đỉnh cao nhòm xuống bãi vàng Tốc Lù, sau vài năm chịu mùi dầu mỡ, khói bụi và chịu tiếng nổ đinh tai nhức óc của máy móc đào vàng, giờ ngày nào cũng phải nghe bà con đến “bắt đền”, vì cán bộ thôn, cán bộ xã, và cán bộ… các nơi về luôn thuyết phục bà con phải giúp đỡ doanh  nghiệp đào vàng “làm giàu cho đất nước”. Bới vàng rồi, họ sẽ cho cái này, cái này và… cái này cái nọ. Bây giờ nó biến mất, nó nuốt lời, không lẽ cán bộ cũng lừa dân ư?


* Những đơn vị được cơ quan quản lý cấp phép mà làm ẩu, làm bậy thì cả đơn vị ấy lẫn người cấp phép đều nên bị xếp vào “vàng tặc”

Cạn rừng Bắc Kạn

Đằng sau lời nói dối

Nóng bỏng “cơn khát” vàng