Bát nháo tình trạng khai thác cát, sỏi trên sông Gianh

ThienNhien.Net – Thời gian gần đây, tình trạng khai thác, buôn bán trái phép cát, sỏi trên sông Gianh (Quảng Bình) diễn ra bát nháo, khó kiểm soát, làm thất thoát nguồn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ sạt lở bờ sông đã trở thành “điểm nóng”, gây bức xúc trong nhân dân địa phương.

“Nóng” từ công trường cát lậu…

Nhiều tháng nay, việc khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông Gianh ở khu vực giáp ranh giữa hai huyện Quảng Trạch và Tuyên Hóa trở thành “điểm nóng”, gây bức xúc cho nhân dân địa phương.

Tại xã Cảnh Hóa (Quảng Trạch), chúng tôi được chứng kiến cảnh tấp nập của “công trường” khai thác cát trái phép cát, sỏi từ lòng sông. “Công trường” này nằm bên cạnh Quốc lộ 12A, sát mép sông và không xa trụ sở UBND xã Cảnh Hóa là mấy.

Dưới sông thuyền bè náo nhiệt. Trên bờ ầm ầm tiếng nổ của máy bơm cát từ thuyền lên bãi. Lẫn trong đó là tiếng gầm rít của những máy xúc làm việc cật lực cho hàng chục chiếc xe trọng tải lớn chở cát đến nơi tiêu thụ.

Những chiếc xe đầy cát trùm kín bạt nối nhau rời bãi nên Quốc lộ 12A qua đây thường tắc ngay tại điểm nút giao nhau với “công trường” khai thác, vận chuyển cát. Hầu hết các phương tiện qua đây đều phải “bò” và nhường đường cho các xe cát “khủng” này.

Một người dân ở bên cạnh “công trường” cát lậu này bức xúc: “Họ hút cát vô tội vạ, không phải đóng thuế, phí gì cả nên họ cứ làm tới thôi. Bãi cát này hoạt động cả ngày lẫn đêm, ban ngày còn ít, chứ khoảng 21 giờ trở đi thì rầm rộ hơn. Có nhiều thuyền còn đặt ống hút cát ngay dưới chân cầu Văn Hóa, sát kè chống sạt lở. Cứ đà khai thác cát vô tội vạ và bất chấp tất cả như thế này thì kè chống sạt lở sẽ bị sụt lún hết”. Nhiều người dân địa phương cho biết, tình trạng khai thác cát, sỏi sông Gianh có từ rất lâu rồi nhưng chủ yếu phục vụ cho nhu cầu xây dựng trên địa bàn nên quy mô khai thác không lớn, không nhiều bến bãi như bây giờ.

Mỗi ngày, sông Gianh bị rút ruột hàng nghìn khối cát (Ảnh: Nhân dân)
Mỗi ngày, sông Gianh bị rút ruột hàng nghìn khối cát (Ảnh: Nhân dân)

Gần đây, nhiều doanh nghiệp ở Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) vào mua cát với khối lượng lớn, giá cao nên việc khai thác lậu mới diễn biến phức tạp, khó kiểm soát như hiện nay. Tại xã Cảnh Hóa có 16 thuyền và một tàu chuyên hút cát. Bình quân một ngày đêm, một thuyền với ba lao động hút, chở được sáu, bảy chuyến, mỗi chuyến từ 10-15m3 cát. Giá mỗi khối cát bơm lên bãi 25-30 ngàn đồng nhưng chủ bãi bán ra 75-80 ngàn đồng/m3. Như vậy, mỗi lao động khai thác cát lậu có thu nhập khoảng gần một triệu đồng/ngày đêm.

Theo đại diện lãnh đạo xã Cảnh Hoá, trên địa bàn hình thành tự phát 11 bến bãi cát, sỏi, trong đó sáu bến bãi quy mô lớn. Năm trong 11 bến bãi do người có “thẻ đỏ” đứng ra lập hoặc cho thuê đất, số còn lại chủ yếu là sử dụng hành lang đường 12A và bến sông để lập bãi trái phép.

Khi được hỏi, Chủ tịch UBND xã Cảnh Hóa Hoàng Anh Dũng than khó: “Các bến bãi cát là đất được cấp quyền sử dụng để ở lâu dài, hiện họ chưa làm nhà, nên đưa vào tập kết cát sạn. Còn thuyền hút cát cũng là nhà ở của một số hộ hành nghề sông nước, nên việc xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông tại địa phương là rất khó”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch Nguyễn Chí Lâm cho rằng, địa phương mình đã tích cực kiểm tra để xử lý tình trạng khai thác cát lậu song cũng gặp nhiều khó khăn. Khó nhất là đường sông do công an giao thông và ngành giao thông vận tải tỉnh quản lý; khó thứ hai là huyện không thể kiểm tra, kiểm soát phương tiện trên Quốc lộ 12A. Nhưng ông cũng tỏ ra kiên quyết: “Huyện sẽ chỉ đạo quyết liệt việc thu hồi đất của những hộ sử dụng sai mục đích làm bến bãi tập kết để chấn chỉnh việc khai thác cát sạn lòng sông trái phép”.

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tuyên Hóa Lê Minh Trị cho biết, toàn huyện có 29 thuyền chuyên khai thác cát, sỏi sông Gianh, trọng tải 10- 35 tấn/thuyền, được gắn máy nổ và ống hút, xả cát rất cơ động. Tất cả đều không có đăng ký và đăng kiểm.

Trên địa bàn huyện có tám bến bãi tập kết cát, sỏi đều thuê đất do UBND xã quản lý, trong đó có sáu điểm không phù hợp quy hoạch, không có giấy phép đăng ký kinh doanh và cam kết bảo vệ môi trường.

Huyện Tuyên Hóa tổ chức nhiều đợt ra quân kiểm tra việc khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Gianh, xử phạt nhiều trường hợp vi phạm, song chỉ được ít lâu thì đâu lại vào đấy.

Kiên quyết xử lý nạn khai thác cát, sỏi trái phép

Vì sao tình trạng khai thác, buôn bán cát trái phép rầm rộ như vậy nhưng vẫn diễn ra bình thường, không bị ngăn chặn hiệu quả? Theo báo cáo của ngành chức năng, chủ thuyền thường hoạt động trong thời gian từ 4 – 7 giờ và 18 – 19 giờ hằng ngày để né tránh lực lượng kiểm tra.

Thêm vào đó, phạm vi quản lý trên sông giữa các địa phương khó xác định dẫn đến khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý phương tiện, đối tượng vi phạm. Ngoài ra, các địa phương cho biết, do thiếu phương tiện, nhân lực và kinh phí để không thể tổ chức kiểm tra, xử lý thường xuyên trên sông.

Trước sự bức xúc của cử tri, tại kỳ họp cuối năm 2013 của HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVI, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình Lương Ngọc Bính giao trách nhiệm cho hai huyện Quảng Trạch và Tuyên Hóa phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh triển khai quyết liệt các giải pháp truy quét, lập lại trật tự. Nếu không làm được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương đó phải chịu trách nhiệm, chịu kỷ luật bằng hình thức cụ thể.

Rốt cuộc, không ai bị kỷ luật vì chuyện cát sỏi cả!

Tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép sông Gianh tạm thời lắng xuống trong Tết và bây giờ diễn biến phát phức tạp trở lại.

Ngày 10-2, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Xuân Quang đến kiểm tra việc khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép trên địa bàn hai huyện Tuyên Hóa và Quảng Trạch. Ông cho rằng, việc ngăn chặn và xử lý nạn khai thác cát sỏi lòng sông trái phép là vấn đề khó khăn và phức tạp nếu như không có sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của các cấp, ngành, chính quyền địa phương.

Để chấn chỉnh tình trạng này, ông Quang đã chỉ đạo các ngành và địa phương tổ chức truy quét các tổ chức và cá nhân vi phạm, rà soát và quản lý chặt chẽ không để tái diễn tình trạng tập kết cát sỏi trái phép, đồng thời tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát đường sông và đường bộ, đặc biệt chú trọng những điểm nóng thường xảy ra tình trạng khai thác cát sỏi trái phép.

Các địa phương nếu không có trong quy hoạch thì không được ký hợp đồng cho thuê đất làm bến bãi tập kết, kinh doanh cát, sỏi.

Dư luận đang chờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp có thẩm quyền để ngăn chặn và chấm dứt tình trạng khai thác cát, sỏi ngang nhiên trên sông Gianh trong thời gian qua. Nếu tình hình vẫn tái diễn, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?