17 triệu người có nguy cơ nhiễm độc Asen

Đây là thống kê đưa ra tại một hội thảo về nhiễm độc asen do Cục Y tế dự phòng và môi trường Việt Nam phối hợp với Quĩ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (Unicef) vừa tổ chức.

Theo các chuyên gia Unicef, khu vực đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long có nguồn nước bị ảnh hưởng của Asen nhiều nhất. Một số địa phương nằm ven thủ đô Hà Nội có nguồn nước nhiễm Asen ở mức cao là Hà Tây, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên…

Cục Y tế dự phòng và môi trường cho biết thêm 10 trong số 26 bệnh truyền nhiễm thường gây dịch có tỉ lệ mắc cao nhất (cúm, tiêu chảy, sốt rét, sốt xuất huyết, lị trực khuẩn, lị amip, quai bị, viêm gan virus, thủy đậu…) đều liên quan đến nguồn nước nhiễm Asen và một số chất hữu cơ khác.

Chất độc asen tồn tại ở mọi nơi, tác động nguy hiểm, rất từ từ, có thể một năm, năm năm, mười năm hoặc lâu hơn. Nhiễm Asen có thể gây rối loạn sắc tố da, sừng hóa, đồi mồi, ung thư, xơ gan, huyết áp, tim mạch, rối loạn thai sản…