Xẻ núi, dời nhà để đào đất tìm vàng ở Sơn La

ThienNhien.Net – Nhiều hộ gia đình vay tiền đầu tư mua máy xúc, máy sàng, hoặc đi thuê máy để khai thác vàng với mong muốn “đổi đời”.

Mặc dù mới qua Tết Giáp Ngọ được ít ngày, nhưng cả khu vực bản Pi Toong, xã Pi Toong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La không mấy khi được yên ả bởi tiếng động của những chiếc máy xúc, máy sàng vàng trái phép hoạt động liên tục không kể ngày đêm.

Để khai thác vàng, nhiều hộ gia đình trong bản Pi Toong và một số bản lân cận đã vay tiền đầu tư mua máy xúc, máy sàng, hoặc đi thuê máy với mong muốn “đổi đời” từ những hạt vàng sa khoáng.

Dù biết khai thác vàng là trái phép, gây nguy hiểm cho bản thân, gây ô nhiễm môi trường, nhưng ước mơ làm giàu từ vàng sa khoáng vẫn thôi thúc không ít người dân trong xã tìm đến đây.

Dòng chảy đục ngầu do nạn khai thác vàng trái phép của suối Toong đang đổ ra sông Đà (Ảnh: Minh Phong/VOV Online)
Dòng chảy đục ngầu do nạn khai thác vàng trái phép của suối Toong đang đổ ra sông Đà (Ảnh: Minh Phong/VOV Online)

Họ dựng lều lán, ăn ngủ, đào đãi vàng ngay trên bãi đất ngổn ngang vừa được máy xúc bới lên, thậm chí nhiều người trong bản còn sẵn sàng di chuyển nhà đi nơi khác để đào đất đãi vàng.

Bà Vì Thị Lùn (bản Pi Toong, xã Pi Toong, huyện Mường La, Sơn La) cho biết: “Mỗi ngày nhiều lắm cũng chỉ được 1 đến 2 ly thôi, vất vả lắm. Làm ruộng không đủ ăn thì phải đi đãi vàng thôi”.

Sự giàu có từ vàng chưa thấy đâu, nhưng hệ lụy của nó thì quá rõ: Cả quả núi bị xẻ xuống và khoét sâu, có chỗ đến hàng mấy chục mét. Ngay cả đường đi lại của bà con trong bản cũng có vết nứt sâu có thể sập xuống bất cứ lúc nào.

Nguy hại nhất, phần lớn diện tích ruộng của các bản trong khu vực không có nước sản xuất theo đúng thời vụ, vì dòng suối Toong đã trở thành “bùn”. Hơn thế nữa, dòng suối chảy dọc thị trấn Ít Ong đổ ra sông Đà hiện đặc như dòng bùn, lẫn trong đó là nhiều hóa chất độc hại gây ô nhiễm môi trường nước cho cả vùng hạ lưu.

Cả quả núi bị xẻ xuống và khoét sâu do đào vàng (Ảnh: Minh Phong/VOV Online)
Cả quả núi bị xẻ xuống và khoét sâu do đào vàng (Ảnh: Minh Phong/VOV Online)

Trước thực trạng đó, từ năm 2011 đến nay, UBND huyện Mường La đã ban hành nhiều công văn, chỉ thị, quyết định, thông báo… để tăng cường quản lý Nhà nước về khoáng sản, ngăn chặn việc khai thác vàng sa khoáng trái phép tại xã Pi Toong.

Công an huyện Mường La đã chủ động phối hợp với Phòng Tài nguyên – Môi trường, UBND xã Pi Toong tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân ký cam kết không khai thác khoáng sản trái phép, đồng thời bố trí lực lượng kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các đối tượng cố tình vi phạm.

Bên cạnh đó, công an điều tra xác minh, làm rõ các đối tượng lợi dụng những kẽ hở trong công tác quản lý của địa phương, cố tình bao che, thông đồng hoặc có hành vi khác trong việc tái diễn nạn khai thác vàng trái phép ở đây.

Trung tá Cao Đức Hùng – Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế – Công an huyện Mường La cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần tham mưu cho UBND huyện giải quyết, làm trong sạch địa bàn, sau đó bàn giao cho xã quản lý nhưng sau một thời gian, mọi chuyện lại đâu và đó”.

Cùng vào cuộc với các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền xã Pi Toong cũng đã có những biện pháp quyết liệt để ngăn chặn việc khai thác vàng trái phép đang diễn ra trên địa bàn. Do vậy, khoảng cuối năm 2013, việc khai thác vàng trái phép tại đây đã tạm thời “lắng” xuống, gần 30 chiếc máy xúc được chuyển ra khỏi địa bàn.

Tuy nhiên vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, việc khai thác vàng trái phép lại tái diễn phức tạp. Khi chính quyền và lực lượng chức năng can thiệp thì người dân cho rằng: Họ chỉ đãi vàng trên đất của gia đình đã được Nhà nước giao quyền sử dụng. Họ phải đãi vàng để kiếm tiền tiêu Tết…

Vết nứt to và sâu ngay sát đường đi của nhân dân trong bản (Ảnh: Minh Phong/VOV Online)
Vết nứt to và sâu ngay sát đường đi của nhân dân trong bản (Ảnh: Minh Phong/VOV Online)

Ông Quàng Văn Tâm – Chủ tịch UBND xã Pi Toong, huyện Mường La cho biết: “Chúng tôi cũng đã thực hiện tất cả các biện pháp có thể nhưng tình hình cũng chỉ lắng xuống một thời gian, đến khi nông nhàn, bà con lại tiếp tục khai thác. Cái khó của chúng tôi là thẩm quyền cũng như chế tài xử lý còn hạn chế, mức xử phạt vi phạm hành chính nhiều nhất cũng chỉ 2 triệu đồng. Bà con nhân dân sẵn sàng nộp phạt để được tiếp tục khai thác”.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện nay, trên địa bàn xã Pi Toong có khoảng trên một chục điểm với hơn 20 chiếc máy xúc khai thác vàng sa khoáng trái phép đang hoạt động trải rộng trên 10ha. Không biết việc khai thác vàng có thực sự mang lại cho cuộc sống giàu sang cho người dân ở đây hay không, nhưng rõ ràng hoạt động này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, trực tiếp gây ô nhiễm môi trường và nhất là nơi khai thác vàng chỉ cách Trạm biến áp 500KV của Nhà máy thủy điện Sơn La chưa đầy 1km.

Khi chúng tôi thực hiện bài viết này, ngay tại trụ sở UBND xã Pi Toong, gần sát các điểm khai thác vàng trái phép đang diễn ra hoạt động cấp gạo hỗ trợ của Nhà nước cho các hộ nghèo của xã.

Một nghịch cảnh thật khó lý giải: Nếu việc khai thác vàng mang lại cuộc sống giàu sang, đủ đầy cho người dân ở đây thì đâu cần Nhà nước phải hỗ trợ gạo khi giáp hạt. Và tất cả các biện pháp của chính quyền cùng sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng liệu có ngăn chặn dứt điểm tình trạng này?

Bài toán khó đang đi tìm lời giải và phần đông người dân nơi đây cũng đang chờ câu trả lời. Với họ, điều quan trọng hơn chính là cuộc sống ổn định, môi trường không bị ô nhiễm và sự bình yên của bản làng.