ThienNhien.Net – Ngày 14/2, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng biến đổi khí hậu Thành phố Hồ Chí Minh và Quỹ Trung tâm môi trường toàn cầu (GEC) của Nhật Bản đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Chương trình phát triển thành phố phát thải carbon thấp”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Osaka (Nhật Bản). Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam, Nhật Bản và các cơ quan quản lý của Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Nhằm cụ thể hóa các nội dung thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Osaka đã có sự hợp tác bằng nhiều hoạt động cụ thể. Hai thành phố đã ký biên bản ghi nhớ về các lĩnh vực ưu tiên hợp tác trong khuôn khổ Chương trình phát triển thành phố phát thải carbon thấp với các lĩnh vực ưu tiên bao gồm: Sử dụng năng lượng hiệu quả, giao thông công cộng; quản lý nguồn nước bền vững; xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải công nghiệp và đô thị; quy hoạch đô thị; cấp nước sạch, thoát nước và chống ngập; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý chất thải nguy hại và nghiên cứu khả thi hệ thống xử lý chất thải rắn thu hồi năng lượng, xử lý bùn thải từ các nhà máy xử lý nước thải theo hướng giảm thiểu phát thải carbon.
Theo ông Đào Anh Kiệt, các hoạt động tích cực từ cả hai thành phố thông qua sự hiểu biết lẫn nhau, mối quan hệ đối tác chiến lược sâu sắc giữa Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Osaka đang dần mang lại hiệu quả thiết thực. Việc hình thành các dự án cụ thể để đo lường, tính toán các chỉ số giảm phát thải carbon đã và đang góp phần quan trọng đưa Thành phố Hồ Chí Minh phát triển theo đúng nghĩa “carbon thấp” thông qua đẩy mạnh đổi mới và chuyển giao công nghệ.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề liên quan đến việc xử lý, hạn chế phát thải carbon trong các lĩnh vực sử dụng nước, nước thải, giao thông vận tải, nguồn năng lượng, thực phẩm… Đại diện Bộ Môi trường Nhật Bản đã giới thiệu về chương trình hỗ trợ của Nhật Bản để thực hiện phát triển carbon thấp ở các thành phố châu Á với phương thức “đi tắt đón đầu” và những cơ hội của Thành phố Hồ Chí Minh đối với chương trình này.
Các chuyên gia, nhà khoa học cũng đã thảo luận các vấn đề liên quan đến việc điều tra về cải tiến nhiên liệu và nâng cao hiệu quả vận chuyển hàng hóa bằng ô tô; vấn đề nghiên cứu, sử dụng xe buýt, xe máy điện để hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm phát thải carbon; xây dựng và sử dụng hệ thống phát điện từ chất thải; nghiên cứu việc áp dụng công nghệ phát thải thấp trong xử lý nước thải công nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh…
Ông Kotaro Kawamta, Trưởng Phòng hợp tác quốc tế, Bộ Môi trường Nhật Bản cho rằng: Trong việc sử dụng công nghệ để hạn chế phát thải carbon thấp, điều cơ bản là phải thay đổi tư duy lựa chọn công nghệ. Hiện, nhiều thành phố chủ yếu căn cứ lựa chọn công nghệ theo giá thành dẫn đến lựa chọn công nghệ giá thấp nhưng không đảm bảo vấn đề bảo vệ môi trường. Để khắc phục vấn đề này, các cơ quan quản lý cần trực quan hóa các số liệu, lợi ích của công nghệ cho người sử dụng biết, qua đó thuyết phục được việc sử dụng công nghệ tốt nhất.